"Cái sảy nảy cái ung"...

Diendandoanhnghiep.vn Cuối tháng 4, tin xấu lan nhanh như nước chảy trong ống: “Ông Tạ Quyết Thắng, TGĐ Sơn Trường bị khởi tố tội gây rối trật tự công cộng”. Người Hải Phòng ngơ ngác: “Có phải ông Thắng xây cầu đó không?”

>> Công ty Sơn Trường tiếp tục ủng hộ TP.Hải Phòng 31,4 tỷ đồng làm đường giao thông

a

Người Hải Phòng gọi ông Tạ Quyết Thắng (áo trắng) là “Ông Thắng xây cầu”

Mảnh đất ma ám

Đó là lời của ông Tạ Quyết Thắng nói về lô đất 4.300m2 (nguyên là hồ chứa nước thải) ở phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, Hải Phòng. Năm 1995, ông Thắng phải nộp ngân sách 497 triệu đồng để thành phố cấp sổ đỏ (1.970m2 từ lô đất ấy) cho Trạm vận tải vật tư nông nghiệp (VTVTNN), tiền thân Công ty THHH Sơn Trường.

7 năm sau đó, Hải Phòng lại quyết định cho VTVTNN thuê nốt 2.300m2 còn lại. Từ đó đến nay (2002-2021) Sơn Trường vẫn nộp đủ tiền thuê đất.

Sau khi VTVTNN giải thể, Sơn Trường làm các thủ tục xin thành phố cho kế thừa toàn bộ giấy tở quyền sử dụng đất của nó. 10 năm trôi qua việc đó vẫn chưa được duyệt. Thủ tục hành chính nhiêu khê nằm giữa chính quyền và doanh nghiệp như một lằn ranh đỏ khó vượt!

Năm 2019, ông Lưu Thành Đông, doanh nhân vận tải, vốn là “huynh đệ”, xin được mượn đất ông Thắng để làm bến bãi đỗ xe, bao lâu là do Sơn Trường quyết định (có giấy mượn đất). Suốt 9 tháng năm 2021, Sơn Trường 4 lần ra thông báo đòi lại đất. Ông Đông không chỉ không trả mà còn kiến nghị lên Sở Tài nguyên Môi trường Hải Phòng cho ông sử dụng lô đất “bị bỏ hoang” này mở rộng doanh nghiệp của mình!

Ngày 27/09/2021, Sơn Trường có văn bản gửi chính quyền địa phương nhờ giúp đỡ đòi lại đất. Sau gần nửa tháng, không thấy động tĩnh, lại quá bức xúc vì bị lật lọng, Sơn Trường tổ chức cưỡng chế. Thế là ông Thắng bị khép vào tội hình sự “Phá rối trật tự công cộng”. Ông Thắng đúng sai thế nào, đó là phán quyết của tòa! Nhà báo chỉ được quyền… cấp thông tin.

Giấy mượn đất của ông Lưu Thành Đông

Giấy mượn đất của ông Lưu Thành Đông

>> Doanh nhân Tạ Quyết Thắng – Tổng GĐ Công ty TNHH Sơn Trường: Nối dài những công trình tặng quê hương

Tạ Quyết Thắng - Ông là ai?

Đấy là một người béo tròn, da hồng hào, tóc đen nhánh, chắc nịch như là biểu tượng của sự no đủ. Dáng đi dứt khoát, mạnh mẽ thường thấy ở kẻ quen được cấp dưới nhường đường. Ông có thừa sự tự tin của một nhà giàu lương thiện, cao ngạo nhưng không xấc xược.

Ông Thắng “xây cầu” trong một buổi ký kết hợp đồng với đối tác Nhật

Ông Thắng trong một buổi ký kết hợp đồng với đối tác Nhật

Tạ Quyết Thắng là nhân vật vô cùng độc đáo. Mặc dù thời bao cấp xóa nhòa cá tính, biến số đông thành những người giống nhau, ông vẫn khác người. Chẳng hạn, ông nói: “Phải nhặt chiếc giày chân phải trong lúc chờ thấy chiếc giầy chân trái”. Ông là người biết nhìn xa, và rất thực tế. Với ông vị bia (chất lượng) quan trọng hơn là sủi bọt (hình thức).

Ông cũng không thuộc loại người đều đặn bước đi trong đời như cái đồng hồ nhà bếp.

Ông thông minh từ bản năng. Cơ hội làm ăn như một làn gió bay qua trước mặt tất cả mọi người, vấn đề là ai bắt được! Chỉ từ một câu chuyện phiếm trong quán coffee của hai người lạ, ông tiến hành một thương vụ kiếm được tiền tỷ!

Sau này đi vào sản xuất, ông hiểu công việc của mình như một chuyên gia. Ông không giống lưỡi dao mổ. Ông là con dao quân đội có gờ sắc bén và đa chức năng.

Ông thích làm những việc khó mà người khác đã bó tay, kể cả là các công trình quân sự. Sơn Trường thuộc số rất hiếm nhà thầu Việt Nam được nhà đầu tư Hà Lan, Đan Mạch… thưởng vì tiến độ, chất lượng công trình.

Ông là người chỉ đánh giá sức mạnh của mình bằng những thứ ông dành được, chứ không phải bằng những thứ kẻ khác cho mình. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhiều người ngồi lau chùi lại hình ảnh của mình, ông vẫn thành công. Đồng tiền luân chuyển vui vẻ như suối nguồn mùa xuân ở công ty Sơn Trường. Ông giàu và không cần đem vải điều che lên nguồn gốc tài sản. Đó là phần thưởng của sự lao động sáng tạo, chăm chỉ cộng với cần kiệm.

Ông có quyền được phô trương, nhưng ông không phải kiểu người cầu kỳ, hào nhoáng như một chiếc ô cài trên miệng ly cocktail.

Có những nhà giàu tiền nhiều, dùng tiền để thỏa mãn "nhu cầu bản năng" của con người. Lành nhất cũng là khoe khoang một cách ồn ào. Ngày nay “hàng hiệu” là thứ đánh dấu địa vị xã hội. Dùng “hàng hiệu” khiến cho sự thành đạt không còn là một con số thống kê vô danh. Mua sắm “hàng hiệu” trở thành môn thể thao cạnh tranh cao trong giới lắm tiền. Thấy người mặc áo sơ mi vải cashmere, đeo đồng hồ Piaget nạm kim cương, mặc Complet Italia có 120 đường may là biết ngay gặp đại gia.

Ông Thắng là một ngoại lệ - bốn mùa một kiểu ăn mặc như ông chủ lò bánh mỳ! Thực ra có sự ly dị bẩm sinh giữa mọi thứ thời trang và cơ thể ông. Cứ diện quần áo mới vào lập tức trông lại có vẻ nhàu nát của những bộ mà dân thị trấn mặc vào sáng chủ nhật.

Thứ đồ “hàng hiệu” duy nhất ông dùng là chiếc xe Mercedes do con gái ông đòi mua cho ông giao dịch. Đi đâu xa nhà ông cũng chỉ ở khách sạn bình thường. Ông rất thích chuyện một chủ khách sạn hỏi nhà triệu phú: “Sao ông chỉ thuê phòng thường, trong khi con ông toàn thuê phòng VIP?”. Đại gia trả lời: “Vì bố nó là triệu phú, còn bố tôi là nông dân!”. Mang cái gốc là nông dân, khi giàu ông vẫn giữ cái thói quen ăn uống ồn ào.

Trong khi nhiều người không giàu bằng ông khoe đi Hồng Kông ăn tôm hùm 16 chân, bào ngư hai đầu, thì ông “dửng dưng như chó thấy thóc” (nói theo dân gian) vì món khoái khẩu của ông chỉ là cá hồi và thịt bò Nhật. Ông có rượu Dom Perignon, các loại vang ngon của Ý, thế nhưng chỉ để đãi khách, còn mình thì uống thứ rượu nếp cẩm nhà nấu. Thú vui hiếm hoi không thể bỏ được của ông là tắm nóng lạnh, xông hơi! Nhờ nó người ông chắc chắn như làm bằng thứ vật liệu siêu rắn.

Tôi đã gặp nhiều nhà giàu mới nổi. Họ thích giấu diếm xuất thân nghèo khó dưới lớp nhung của ghế ngồi hôm nay. Ông Thắng thì kể oang oang: “Ngày xưa, gián đói vào bếp nhà tôi cả đàn. Cái nghèo nó lẻn vào tận giấc mơ !”. Thế nên, ông quý đồng tiền tay mình làm ra, hiếm khi ông tặng ai quà theo kiểu ngẫu hứng của một đại gia.

Khắc kỷ với chính mình đấy, song ông lại rộng rãi với cộng đồng. Ông cho tiền trẻ mồ côi, làm trường học, dựng đình làng... Tất cả đều âm thầm!

aa

Một công trình từ thiện của Công ty Sơn Trường

Giới truyền thông chỉ có việc khi ông xây tặng thành phố một cây cầu lớn (thiết kế được thành phố duyệt, chi phí gần 100 tỷ) qua sông Tam Bạc. Sự kiện hy hữu bởi nó tuyệt đối vô tư!

Trên mạng xã hội nhiều người thèm thuyết âm mưu dựng nên chuyện rằng: “Ông Thắng xây cầu tiếng là để tặng thành phố, nhưng thực là để bán đất được đắt! Làm gì có bữa trưa nào miễn phí, doanh nhân chẳng cho không ai cái gì!”. Chắc chắn chính quyền và mấy ngàn hộ dân phường Hạ Lý bên kia dòng sông Tam Bạc biết rõ ông Thắng có mấy cm2 đất ở đó!

Trong một bữa tối do vị đứng đầu thành phố mời người viết bài này và ông Thắng, vị lãnh đạo thành phố hỏi: “Bác cần gì thành phố không?” Ông Thắng nói ngay: “Tôi không cần gì! Chỉ mong khi nào rảnh rỗi lãnh đạo xuống thăm công ty động viên anh em!”.

Tất nhiên ông Thắng thành công ở trong địa hạt vật chất hơn ở thế giới tinh thần. Ông không có những niềm vui tinh tế: đọc sách, nghe nhạc, ngắm tranh. Âm nhạc không phải là thứ để sự kiêu hãnh của ông bùng cháy. Với ông, Paganini chỉ như một anh thợ cưa. Ông đứng giữa phòng bầy tranh trông lạc lõng như người ta đặt con trâu rừng ở nơi triển lãm du thuyền. Vừa nghe cậu lái xe riêng đọc sách là trong mắt ông có làn sương nhẹ báo hiệu giấc ngủ.

Thế nhưng ông cho tiền Đồng Đức Bốn, thuở còn hàn vi, để thi sĩ tài danh in tập thơ “Con ngựa trắng và đồng cỏ dại”, tài trợ cho nhiều nhạc sĩ cấp phường mà không bao giờ ngồi nghe những bài họ viết. Giới văn nghệ sĩ Hải Phòng thích ông. Không giống như những triệu phú u ám, ông không nghi ngờ người có học thức.

Ông Thắng đã tặng thành phố một cây cầu. Từ đó ông có biệt danh “Ông Thắng xây cầu”

Ông Thắng đã tặng thành phố một cây cầu. Từ đó ông có biệt danh “Ông Thắng xây cầu”

Tuy nhiên, ông là một bí ẩn với làng báo, bởi vì hầu như ông chỉ “kính nhi viễn chi” trước họ. Thậm chí ông còn bị vài người ghét, chỉ tại ông không “vâng dạ”!

Chẳng phải vì ông thấy nhiều nhà báo ngày nay tính thẳng thừng hơn ngày xưa (mặc dù về dấu chấm phảy có phần kém xưa), mà cái chính là ông không hiếu danh. Ông đứng được trên đôi chân của mình.

Khi có người viết không đúng, ông vẫn dửng dưng. Ông nói: “Quan Công (nổi tiếng trung nghĩa) cũng có kẻ thù, Tào Tháo (nổi tiếng gian hùng) cũng vẫn có bạn”. Yêu ghét là chuyện tất nhiên ở đời.

Thế nhưng không ai khinh thường ông được. Mặc dù không được thụ hưởng bất cứ ưu ái nào về đất đai hay cơ chế từ chính quyền, Sơn Trường mỗi năm nộp thuế hàng chục tỷ đồng, hơn 3.000 người lao động có thu nhập cao, họ đang góp phần làm đẹp đất nước. Hàng vạn người dân hai bên bờ sông Tam Bạc đổi vận, bắt đầu (và sau đó là công trình cải tạo sông của thành phố) từ cây cầu tặng của ông.

Bao nhiêu tinh hoa trong con người ông được vắt ra thành sản phẩm kinh tế. Về già tính ông nóng nảy và vẫn giữ nhiều quan điểm duy lý ngây thơ, lỗi thời như hồi đánh nhau bằng ngựa. Đặc biệt khi xử lý các tình huống khủng hoảng.

***

Tôi đến Sơn Trường và cảm nhận được sự buồn phiền đang bao quanh như lớp sương mù mỏng manh. Một cô nhân viên hành chính mang vẻ thiểu não của người mang nỗi sợ hãi bị mất việc. Nỗi sợ hãi loang khắp nơi như vết dầu.

Từ lâu tôi biết ông Thắng có tinh thần thép, nỗi buồn (nếu có) sẽ được giấu kín như giọt nước mắt trong mưa. Thế nhưng người ta có thể ngụy trang tình cảm chứ không chèn ép được nó. Hôm nay đôi mắt ông Thắng đã bị nỗi buồn lấy đi hết vẻ tinh anh. Cuộc sống của hơn 3.000 người lao động công ty ông và gần 100.000 người ăn theo họ đang bị đe dọa. Trường hợp xấu nhất xảy ra Sơn Trường sẽ ở trạng thái chết đuối mà đầu vẫn còn nổi lập lờ trên mặt nước.

Đành rằng ai, cái gì, rốt cuộc cũng phải biến mất khỏi cõi đời này. Chuyện đó chẳng làm cái cây bên đường rơi lệ. Thế nhưng sự ra đi của Sơn Trường chỉ vì một “cái sảy nảy cái ung” thì điều ấy thật đau lòng.

Tôi không nghĩ rằng ông Thắng cậy tiền để phớt lờ các quy định pháp luật như có ý kiến trên mạng xã hội. Nhưng giá chuyện giấy tờ đất của ông Thắng được hoàn thiện chắc hẳn sẽ không có chuyện đáng buồn này.

Bóp chết một con chim ruồi trong lòng bàn tay rất dễ, trong khi một sự rộng lượng thường được ví như hạt sương dịu dàng rơi xuống cánh đồng.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết "Cái sảy nảy cái ung"... tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713922692 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713922692 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10