Có thể nói 2018 là năm của việc cải thiện điều kiện kinh doanh. Trong năm qua môi trường kinh doanh của Việt Nam có nhiều khởi sắc.
Chúng ta đã có những tiến bộ so với chính mình nhưng với yêu cầu của hội nhập, sự tiến bộ ấy liệu có đủ?
Có thể bạn quan tâm
05:06, 17/01/2019
11:02, 03/11/2018
12:05, 25/10/2018
Thông điệp từ xếp hạng của Việt Nam trên các bảng xếp hạng thế giới
Số lượng doanh nghiệp tư nhân thành lập mới tiếp tục tăng cao, xuất khẩu của khu vực tư nhân tăng trưởng ấn tượng, đã có thêm nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước tích cực mở rộng ra lĩnh vực sản xuất hay đầu tư vào nông nghiệp. Đầu tư của khu vực FDI vẫn tiếp tục sôi động. Nét đáng chú ý là rất nhiều rào cản của môi trường kinh doanh như các điều kiện kinh doanh phiền hà, thủ tục kiểm tra chuyên ngành phức tạp nhiêu khê… đã và đang dần được gỡ bỏ. Năm qua cũng là năm đã có nhiều nghị định về bãi bỏ và đơn giản hoá các điều kiện kinh doanh được ban hành.
Dù vậy, điểm chưa sáng trong năm 2018 là Việt Nam tụt bậc trong một số xếp hạng thế giới. Việt Nam tụt 3 bậc trong Chỉ số cạnh tranh quốc gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), từ vị trí 74 xuống 77 trong số 140 quốc gia được xếp hạng. Việt Nam cũng tụt 1 bậc trong Chỉ số thuận lợi của môi trường kinh doanh Doing Business 2019 của WB (bảng xếp hạng đánh giá 190 quốc gia), từ 68 xuống 69.
Những con số này đưa đến những thông điệp đáng suy nghĩ của môi trường kinh doanh 2018.
Thứ nhất, môi trường kinh doanh Việt Nam dù tăng so với chính mình nhưng mức độ thay đổi này vẫn còn chậm so với các quốc gia khác. Ngay cả các quốc gia cùng mức độ phát triển như Việt Nam, các quốc gia cùng khu vực đều đang chuyển mình mạnh mẽ. Báo cáo Doing Business năm nay đã ghi nhận đến 1/3 cải cách quy định kinh doanh của thế giới đến từ các nước khu vực Sub – Saharan của Châu Phi với 107 cải cách. Năm 2018 vừa qua Việt Nam được WB ghi nhận có 3 cải cách lớn trong lĩnh vực gia nhập thị trường, thuế và thực thi hợp đồng nhưng so với năm 2017 Việt Nam được ghi nhận tới 5 cải cách, giảm đến 2 cải cách. Và ngay trong năm 2018, Trung Quốc được ghi nhận có 7 cải cách, Malaysia được ghi nhận 6 cải cách và thứ hạng hai quốc gia này đang cải thiện rất ấn tượng trong bảng xếp hạng vừa rồi.
Thứ hai là khoảng cách của Việt Nam so với các nước vẫn còn lớn. Nếu so sánh trong khu vực ASEAN thì Việt Nam vẫn chưa lọt được vào nhóm 4 nước đứng đầu, đứng thứ 5 về môi trường kinh doanh và đứng thứ 7 về năng lực cạnh tranh. Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa so với Singapore (thứ 2), Malaysia (thứ 15) hay Thái Lan (thứ 27) trong Doing Business. Nếu so sánh với 10 quốc gia khác trong Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa có hiệu lực thì Việt Nam là quốc gia đứng cuối cùng, sau cả Peru hay Chilê trong Doing Business.
Thứ ba, mức độ cải cách các lĩnh vực của Việt Nam chưa đều. Qua đánh giá điểm số và thứ hạng của 10 chỉ số thành phần của Doing Bussiness năm 2018 thì chỉ có 4 lĩnh vực tăng thứ hạng, 5 lĩnh vực tăng điểm số, một số lĩnh vực bị tụt hạng mạnh như giải quyết phá sản cho doanh nghiệp, giao dịch thương mại qua biên giới… Để thứ hạng Việt Nam tăng mạnh mẽ hơn nữa thì cần có sự chuyển động đồng đều và mạnh mẽ của các ngành, lĩnh vực.
Thứ tư, quan sát trong thời gian qua, lĩnh vực nào càng công khai, minh bạch thì lĩnh vực đó càng được ghi nhận cải cách. Năm 2017 lĩnh vực thuế và bảo hiểm xã hội tăng đột phá 81 bậc có phần quan trọng là do những cải cách ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Năm nay việc công khai các bản án kinh tế của toà án trên mạng được ghi nhận là một cải cách quan trọng và chỉ số thực thi hợp đồng đã chuyển động tích cực sau nhiều năm đứng yên. Lĩnh vực thành lập doanh nghiệp cũng được đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin và đăng tải công khai trên mạng.
Chính vì vậy, Việt Nam cần mạnh mẽ hơn nữa trong ứng dụng công nghệ thông tin vào các ngành, càng lĩnh vực.
Nghị quyết 02, kỳ vọng bước thay đổi đột phá trong năm 2019
Ngay ngày đầu tiên của năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. (Nghị quyết 02 năm nay thay thế Nghị quyết 19 ban hành hàng năm kể từ năm 2014 trở lại đây). Đáng chú ý đây là nghị quyết thứ hai của Chính phủ được ký ban hành cùng ngày ngay sau Nghị quyết số 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách 2019. Điều này thể hiện tầm quan trọng và ưu tiên của nhóm các nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh đối với Chính phủ.
Ngắn gọn và cô đọng hơn những năm trước, nghị quyết 02 năm 2019 đặt ra mục tiêu mạnh mẽ về việc cải thiện môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân. Đích đến cụ thể được nêu rất rõ là Việt Nam phải lọt được vào nhóm 4 nước đứng đầu khu vực ASEAN trong hàng loạt chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, hiệu quả logistics, năng lực cạnh tranh du lịch và Chính phủ điện tử.
Rất nhiều giải pháp được Chính phủ đặt ra trong đó đáng chú ý là giao nhiệm vụ từng nhóm chỉ tiêu nhỏ cho từng Bộ ngành chịu trách nhiệm cụ thể. Các Bộ, ngành chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch thực hiện, xây dựng tài liệu hướng dẫn cho các địa phương và cơ quan liên quan để hiểu đúng và nhất quán cách thực hiện, đôn đốc kiểm tra và báo cáo Chính phủ tình hình thực hiện định kỳ hàng quý. Các nhiệm vụ được giao tập trung vào 4 nhóm chính: 1) Bãi bỏ, đơn giản hoá các quy định về điều kiện kinh doanh; 2) Cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia; 3) Đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; và 4) Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Nét mới của Nghị quyết 02 lần này là gắn rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu Bộ, ngành và địa phương. Theo đó Nghị quyết giao Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải coi việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nghị quyết cũng giao cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp theo dõi, đánh giá độc lập thường xuyên về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết.
Năm 2018 đã có những chuyển biến tích cực về cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nhưng so với yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp và sức ép của phát triển thì vẫn còn một khoảng cách lớn. Để quá trình thay đổi diễn ra mạnh mẽ và thực chất hơn nữa, Việt Nam cần có một lực đẩy mạnh hơn. Điều này đến từ chính sách của Chính phủ như Nghị quyết 02, từ sự chuyển động của từng Bộ ngành và địa phương bởi cộng đồng kinh doanh đang thực sự trông chờ một năm 2019 nhiều đột phá.