Cần có cơ chế giám sát việc thanh tra doanh nghiệp

Đình Đại thực hiện 03/11/2019 11:50

"Phải có một bộ phận giám sát của cơ quan quản lý nhà nước để giám sát các cuộc thanh tra, vì hiện nay ngành nào cũng có thanh tra nhưng không biết đơn vị nào giám sát".

Đó là ý kiến của LS Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM khi trao đổi với báo DĐDN liên quan đến việc Thủ tướng chỉ đạo các địa phương báo cáo thực tế theo Chỉ thị 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

- Ông đánh giá như thế nào về thực trạng thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM nói riêng, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 20 của Thủ tướng?

Có thể nói Chỉ thị 20 như là một cái “phao cứu sinh” đối với các doanh nghiệp. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tâm sự với chúng tôi rằng, từ nay họ sẽ không phải vất vả một năm lo tiếp cả chục đoàn thanh, kiểm tra nữa, họ sẽ yên tâm để lo công việc kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, đóng góp cho sự phát triển kinh tế quốc gia.

Điều đó cho thấy rằng, cộng đồng doanh nghiệp đã đặt nhiều kì vọng vào sự nghiêm minh của các cơ quan thực thi công vụ. Chỉ thị 20 quy định "một năm chỉ được thanh kiểm tra doanh nghiệp ít nhất 1 lần", tức là Thủ tướng Chính phủ muốn rằng, công tác thanh tra, kiểm tra phải có sự phối hợp giữa các sở, ban ngành với nhau, để khi có quyết định thanh tra thì dựa trên tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp khắc phục những hạn chế, sai sót để hoạt động đúng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, việc chấp hành Chỉ thị này của các cơ quan nhà nước đối với hoạt động thanh, kiểm tra doanh nghiệp vẫn chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng một doanh nhiệp bị thanh tra nhiều lần trong một năm và nhiều nội dung thanh tra bị trùng lặp, gây bức xúc cho doanh nhiệp.

- Ông có thể dẫn chứng?

Theo phản ánh của Công ty Bánh kẹo Á Châu (ABC) đến Hiệp hội, trong tháng 8/2019, họ phải tiếp 3 đoàn thanh tra của 3 đơn vị khác nhau, với 3 thời điểm khác nhau, trong đó có một nội dung đã được một đơn vị khác thanh tra trước đó. Đây là một nội dung thanh tra bị trùng lặp, khiến doanh nghiệp rất bức xúc.

Một trường hợp khác cũng xảy ra đối với doanh nghiệp của Hiệp hội (họ đề nghị không nêu tên). Khi một đơn vị đến thanh tra, doanh nghiệp đã xuất trình Giấy chứng nhận thanh tra của một đơn vị khác cách đó một tuần và đã có kết quả thanh tra, nội dung trùng với nội dung yêu cầu thanh tra của đơn vị này. Thay vì dừng cuộc thanh tra, thì đơn vị này lại viện cớ ra một lý do khác để phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp. Điều đáng nói ở đây là lỗi của doanh nghiệp hoàn toàn không liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị thanh tra này.

Đây chỉ là hai trường hợp điển hình trong rất nhiều trường hợp mà các cơ quan thanh tra gây khó dễ cho doanh nghiệp mà doanh nhiệp đã phản ánh về Hiệp hội. Còn rất nhiều trường hợp, các doanh nghiệp vì nhiều lý do nên họ không phản ánh với chúng tôi. Trong đó không loại trừ lý do doanh nghiệp sợ bị gây khó dễ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân khiến tình trạng này vẫn còn tồn tại?

Theo tôi, có hai nguyên nhân chính.

Một là, các cơ quan quản lý nhà nước này không nghiêm túc thực hiện chỉ thị của Thủ tướng chính phủ. Cách thức làm việc của các cơ quan này chủ yếu là gây khó khăn hơn là giúp đỡ doanh nghiệp. Mục đích của việc thanh tra là để hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp chứ không phải gây khó dễ cho doanh nghiệp và các doanh nghiệp có quyền đặt nghi vấn, hoạt động thanh tra là nhằm lấy cớ để vòi vĩnh.

Thực trạng của thanh tra hiện nay phần lớn là để bắt lỗi doanh nghiệp, nếu không phát hiện ra lỗi này thì quay sang bắt bẻ lỗi khác. Đã có những cuộc thanh tra mà sau đó là sự khốn đốn của doanh nghiệp, mất thị trường và phải làm lại từ đầu như trường hợp của công ty VietFood và mới đây nhất là trường hợp của Con Cưng, Cơm Tấm Kiều Giang.

Hai là, đang có sự đối xử không bình đẳng giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong nước trong hoạt động thanh, kiểm tra. Tại sao các cơ quan thanh tra chỉ nhắm chủ yếu vào các DNNVV để thanh tra, kiểm tra, còn các doanh nghiệp FDI, nhiều doanh nghiệp sai trình ình ra đấy thì không có cơ quan nào vào kiểm tra?

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng giao các bộ, ngành thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh

    Thủ tướng giao các bộ, ngành thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh

    21:01, 06/09/2019

  • “Lực hấp dẫn” từ môi trường kinh doanh

    “Lực hấp dẫn” từ môi trường kinh doanh

    16:19, 28/06/2019

  • Thủ tướng yêu cầu triển khai rộng rãi ghi âm, ghi hình để giám sát cán bộ

    Thủ tướng yêu cầu triển khai rộng rãi ghi âm, ghi hình để giám sát cán bộ

    16:41, 19/10/2019

- Với vai trò là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, ông có thể nêu một vài giải pháp để giúp các cơ quan chức năng chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, đúng theo tinh thần của Chỉ thị 20?

Theo tôi, các cơ quan cần có một kế hoạch thanh tra cụ thể từ đầu năm. Theo luật Thanh tra thì khi thanh tra phải có kế hoạch và được cơ quan có thẩm quyền duyệt kế hoạch thanh tra đó, trừ trường hợp phát hiện vi phạm đột xuất.

Các cơ quan thanh tra nên phối hợp với doanh nghiệp tìm ra những vướng mắc mà doanh nghiệp đang mắc phải để giúp tháo gỡ cho doanh nghiệp, chứ không phải cứ nhắm vào chỗ sai để gây khó dễ cho doanh nghiệp.

Phải có một bộ phận giám sát của cơ quan quản lý nhà nước để giám sát các cuộc thanh tra, vì hiện nay ngành nào cũng có thanh tra nhưng không biết đơn vị nào giám sát, mạnh cơ quan nào, cơ quan ấy thanh tra, không phải báo cáo, đặc biệt là ngành cảnh sát môi trường.

Một vấn đề nữa là cần có một cơ quan để tiếp nhận và xử lý những phản hồi của doanh nghiệp liên quan đến hoạt động thanh tra. Những cơ quan này có thể thuộc Văn phòng tiếp dân của Thành phố hoặc là thuộc Ban Nội chính Thành ủy để giúp cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta vừa triển khai Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp tư nhân.

Còn đối với các doanh nghiệp, nếu muốn làm tốt thì điều quan trọng nhất là cần phải thượng tôn pháp luật. Vấn đề gì doanh nghiệp không đủ khả năng xử lý thì nên sử dụng các nhà tư vấn, họ sẽ giúp doanh nghiệp xử lý những vấn đề liên quan đến chuyên môn. Chẳng hạn như các công ty tư vấn về thuế và kế toán sẽ giúp doanh nghiệp những vấn đề liên quan đến thuế và kiểm toán nội bộ thay vì doanh nghiệp phải “nuôi” một nhân viên kế toán rất tốn kém chi phí.

- Xin cảm ơn Luật sư!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần có cơ chế giám sát việc thanh tra doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO