Đã đến lúc tiêu chuẩn phụ gia thực phẩm dành cho người tiêu dùng Việt phải tương đương với nước ngoài và công khai minh bạch, rộng rãi.
Theo quy định tại Quyết định 3742/2001/QD-BYT về danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm, phụ gia thực phẩm (food additive) là những chất không được coi là thực phẩm hoặc một thành phần của thực phẩm.
Theo đó, lượng ăn vào hàng ngày chấp nhận được (Acceptable Daily Intake - ADI) là lượng xác định của mỗi chất phụ gia thực phẩm được cơ thể ăn vào hàng ngày thông qua thực phẩm hoặc nước uống mà không gây ảnh hưởng có hại tới sức khoẻ. ADI được tính theo mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày.
Quay lại trường hợp chất phụ gia axit benzoic, theo kết quả xét nghiệm, lượng benzoic acid trong các chai tương ớt nhập khẩu vào Nhật Bản có hàm lượng tối đa là 0,45g/kg, thấp hơn nhiều so với hàm lượng acid benzoic nằm trong danh mục chất bảo quản được phép sử dụng tại Việt Nam với ngưỡng ML (max level) là 1000mg/kg.
Bên cạnh đó, một chất phụ gia khác cũng được dùng để bảo quản các sản phẩm như bánh, nước hoa quả là Calcium Sorbate theo quyết định 3742/2001/QD-BYT, được sử dụng tối đa với tỷ lệ 0,1% (cứ 1kg thì được dùng 1g).
Chia sẻ với Diễn đàn doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Khoa học Công nghệ, trường Đại học Bách khoa cho biết: “Chất phụ gia bản thân nó có tính độc, nhưng độc ở mức nào thì tuỳ từng chất, với các cấp độ như độc, ít độc hoặc rất ít độc. Vì vậy, trong quá trình sản xuất, người ta mới yêu cầu các chất này phải an toàn với con người và không còn dư tạp chất”.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, tổng hợp chất là quá trình phản ứng hoá học, tuy nhiên, khi sản xuất phải tinh chế tốt để cho ra sản phẩm tinh khiết, vì vậy người ta mới có khái niệm là hoá chất dùng trong công nghiệp và hoá chất dùng trong thực phẩm. Những hoá chất thực phẩm được phép sử dụng thì gọi là chất phụ gia.
Cho biết thêm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng chỉ ra, hiện nay, tại Việt Nam chất phụ gia đang bị lạm dụng và sử dụng một cách tràn lan. Chẳng hạn, chất tạo ngọt saccarin vốn chỉ được dùng với liều lượng nhỏ hơn 200mg/kg lại được nhiều doanh nghiệp sử dụng vượt ngưỡng. Hay như chất sodium metalbisulfite, vốn được dùng để tẩy chất uế lại đang được nhiều cơ sở dùng để tẩy trắng bún, phở.
Ngoài ra, cũng phải kể đến như chất natri benzoat được sử dụng chống mốc, chống lên men thực phẩm, gia vị, đồ uống vốn bị cấm ở nhiều quốc gia lại được sử dụng trong làm giò, chả...
Theo chia sẻ của bà Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục ATTP – Bộ Y tế, hiện nay quy định tỷ lệ sử dụng chất phụ gia thực phẩm ở Việt Nam được quy định tại Thông tư 27/2012/TT-BYT và Thông tư 08 của Bộ Y tế ban hành về quy định sử dụng phụ gia thực phẩm.
Theo đó, tại Việt Nam axit benzoic được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, bao gồm cả sản phẩm tương ớt, hàm lượng: 1gr axit benzoic/1 kg sản phẩm.
Được biết, Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) thống nhất lấy tiêu chuẩn Codex để tham chiếu khi có các tranh chấp về thương mại đối với thực phẩm. “Mỗi chất khi được Codex quyết định đưa vào sử dụng hay không chấp nhận sử dụng trong chế biến thực phẩm đều được căn cứ trên các nghiên cứu chặt chẽ” - Trần Việt Nga cho biết thêm.
Theo đó, các nước thành viên Codex sẽ tham chiếu các tiêu chuẩn để đưa ra quy định phù hợp cho quốc gia mình.
Ngoài ra, cũng theo bà Trần Việt Nga, một số quốc gia có quy định riêng dựa trên các nghiên cứu về mức tiêu thụ thực phẩm, thói quen sử dụng thực phẩm của nước họ. Vì vậy, khi Nhật Bản hoặc quốc gia nào khác không cho phép sử dụng phụ gia đó tại thị trường của họ nhưng Việt Nam vẫn chấp nhận sử dụng thì không có nghĩa sản phẩm trong nước không an toàn hay được chấp nhận dễ dàng, mà vấn đề là quy định cụ thể về phụ gia thực phẩm được đưa ra căn cứ theo mức độ sử dụng sản phẩm thực phẩm của mỗi nước.
Tuy nhiên, “các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm cần lưu ý khi chế biến thực phẩm cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về ATTP, trong đó có quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm như: sử dụng đúng hàm lượng, đúng đối tượng thực phẩm và đảm bảo độ tinh khiết theo quy định” - bà Trần Việt Nga khuyến nghị.
Như vậy, không chỉ tương ớt, thì những thông tin mà chất A hợp với chất B sẽ thành chất C và nguyên nhân gây độc là C đúng hay sai, độc hay hại đến đâu, ngưỡng nào người vẫn ăn được... các chuyên gia khuyến nghị cần phải được chính Bộ Y tế hay cơ quan độc lập, đầy đủ thẩm quyền kiểm tra, loan báo và chịu trách nhiệm trước dân chúng thì các vụ việc tương tự mới không thể gây lo ngại quá đáng, hoang mang quá mức.
Như vậy, đã đến lúc tiêu chuẩn phụ gia thực phẩm dành cho người tiêu dùng Việt phải tương đương với nước ngoài và công khai minh bạch và rộng rãi.