PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng lúc này việc cách ly F0, F1 không còn hiệu quả nữa.
>>Bất chấp COVID-19, tăng trưởng thương mại và đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ tiếp tục duy trì
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), đã đến lúc Việt Nam nên cân nhắc bỏ dần khái niệm F0, F1, đặc biệt tại những khu vực biến chủng Omicron lây lan rộng.
Bác sĩ Khanh cho biết, nếu người nhiễm virus chỉ có triệu chứng nhẹ, họ hoàn toàn có thể đeo khẩu trang, đi làm, học tập bình thường, đồng thời theo dõi kỹ trong vòng 5 ngày. Trong khi đó, trường hợp nhiễm nCoV nhưng không có triệu chứng thậm chí nên bỏ qua khâu xét nghiệm.
Trong thời gian tới, những trường hợp không may tiếp xúc người nhiễm virus (F1), nếu quá trình giao tiếp không rõ ràng, không xuất hiện triệu chứng của bệnh, cũng nên bỏ qua việc xét nghiệm và có thể đeo khẩu trang đi làm bình thường.
“Điều quan trọng lúc này là chúng ta quay về bảo vệ nhóm có nguy cơ diễn biến nặng, tử vong cao. Trường hợp có diễn biến nặng, phải nhập viện mới phải làm xét nghiệm, cách ly để điều trị”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, lúc này việc cách ly F0, F1 không còn hiệu quả nữa. Vai trò của cá nhân trong cộng đồng là quan trọng hơn cả. Ngoài ra, chúng ta nên tập trung bảo vệ người cao tuổi, nhóm có bệnh nền, dễ tử vong, đồng thời củng cố hệ thống điều trị.
PGS.TS Vũ Minh Phúc, nguyên Trưởng bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM, cũng nhận định với tỷ lệ tiêm chủng cả nước đạt trên 90%, Việt Nam phần nào đã có được miễn dịch cộng đồng. Đây sẽ là cơ sở để nước ta sớm coi Covid-19 như bệnh cảm cúm thông thường.
PGS. TS Vũ Minh Phúc cho rằng, với tỷ lệ bao phủ vaccine cao như hiện nay, sau khi hoàn thành mũi tiêm cho trẻ em, Việt Nam có thể cân nhắc mở cửa hoàn toàn như Anh hay các quốc gia Bắc Âu, bỏ khái niệm F0, F1 và coi Covid-19 là một bệnh đặc hữu.
“Sau khi có miễn dịch cộng đồng, chúng ta chỉ nên cố gắng bảo vệ nhóm nguy cơ cao, chăm sóc tuyệt đối, tối đa, tiêm chủng, điều trị bệnh cho người cao tuổi, mắc bệnh nền, từ đó giảm tỷ lệ tử vong. Người dân thông thường chỉ nên cố gắng tuân thủ chặt chẽ 5K là đủ”, PGS.TS Vũ Minh Phúc nhấn mạnh.
>>Vì sao người mắc COVID-19 nên uống nước chanh?
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho rằng, khái niệm F0, F1 nên bỏ. Bởi khái niệm F0, F1 chỉ là phân loại trong trường hợp dịch bệnh còn ít và chúng ta có thể khống chế theo kiểu Zero Covid.
Còn thời điểm này, cùng với việc mở cửa, chấp nhận sống chung, thích ứng an toàn, số lượng F0 tăng lên nhanh chóng thì cũng dần coi bệnh Covid-19 là một bệnh thông thường.
Có quan điểm khác, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng ở thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn cần phân định rõ về F0, F1, điều này giúp kiểm soát được tình hình dịch, tránh chủ quan, buông lỏng khi nguy cơ vẫn còn.
Theo PGS Phu, Bộ Y tế vẫn rất cẩn trọng, các quốc gia trên thế giới cũng đang tiếp tục theo dõi tình hình dịch. Trong khi đó, hệ thống y tế của Việt Nam chưa thể so sánh với các nước phát triển. “Vẫn phải giữ khái niệm về F1 để người dân biết cách phòng bệnh. Vẫn phải biết ai là F0 để thống kê, qua đó bám sát tình hình dịch trên cả nước. Vấn đề là cách ly bao nhiêu ngày, có cách ly hay không sẽ cần tính toán thêm”, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết.
PGS Trần Đắc Phu cũng nhấn mạnh, giải pháp hạn chế tốc độ lây lan của biến chủng Omicron là người dân phải thực hiện nghiêm 5K, mở cửa các hoạt động để bình thường hóa nhưng không được thả cửa, phải có các phương án an toàn cho các hoạt động như: Lễ hội an toàn, du lịch an toàn, trường học an toàn…
“Chúng ta nới lỏng nhưng không buông xuôi, thả lỏng. Đồng bộ cho mở cửa các hoạt động nhưng cũng phải đồng bộ dự phòng”, PGS. TS Trần Đắc Phu nói.
Có thể bạn quan tâm
17:41, 08/03/2022
01:28, 08/03/2022
05:05, 07/03/2022
12:00, 06/03/2022
01:23, 06/03/2022
00:38, 06/03/2022
05:00, 05/03/2022