Cần phải cách chức những... rào cản!

Đại Dương 21/03/2019 11:01

Nhiều điều kiện kinh doanh hiện hành vẫn can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh cũng như “cài cắm” những lợi ích cục bộ từ phía quản lý nhà nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng vừa có cuộc làm việc với một số bộ, ngành, cơ quan liên quan để bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của năm “bứt phá” 2019.

Chắc hẳn những ai quan tâm tới môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia đều không thể quên cuộc gặp giữa Thủ tướng và cộng đồng kinh doanh ngày 29/4/2016.

p/Thủ tướng lại một lần nữa yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục xây dựng thể chế, cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Thủ tướng lại một lần nữa yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục xây dựng thể chế, cắt giảm điều kiện kinh doanh.

“Cuộc chiến” cắt giảm điều kiện kinh doanh

Khi đó, những ý kiến trực diện từ doanh nghiệp đã được cất lên trong một không khí thẳng thắn. Các bộ, ngành tham gia cuộc gặp cũng đã hứa sẽ cắt giảm những điều kiện kinh doanh đang kìm hãm sản xuất, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Thế là từ tháng 6/2016, một “cuộc chiến” cắt giảm điều kiện kinh doanh được khởi xướng. Những người đau đáu với việc xây dựng một thể chế kinh doanh tốt, một môi trường kinh doanh cạnh tranh, an toàn và bình đẳng lại một dịp được thể hiện tâm huyết. Nhiều chuyên gia đã không thể quên được những cuộc họp tại Văn phòng Chính phủ tới 21h chỉ để tranh luận với các bộ, ngành về từng điều kiện cụ thể trong những thông tư, nghị định.

Sau những cuộc họp ấy, thật ra đã có những điều kiện kinh doanh được cắt bỏ. Chẳng hạn như sửa đổi Nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo, và trước đó là bãi bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo. Hay việc cắt bỏ tới hơn 90% thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Hoặc việc bỏ những quy định vô lý, phi thị trường đối với kinh doanh gas...

  Nhiều điều kiện kinh doanh hiện hành vẫn can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh cũng như “cài cắm” những lợi ích cục bộ từ phía quản lý nhà nước. 

Nhưng tựu chung, nhiều điều kiện kinh doanh hiện hành vẫn đang gây khó khăn cho doanh nghiệp khi nó can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh cũng như “cài cắm” những lợi ích cục bộ từ phía quản lý nhà nước. Ví dụ điển hình là Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam quy định những loại rau củ quả thông dụng như cà rốt, rau muống (trừ khoai, sắn) hay bèo, thân chuối… sẽ không được phép lưu hành; Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT: sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu cá ngừ phải có Giấy xác nhận do cơ quan thông quan của quốc gia nơi có cảng trung chuyển cấp...

Có thể bạn quan tâm

  • Cải cách thể chế: “Lấy đá ghè chân mình” cũng phải làm

    05:00, 21/03/2019

  • Cải cách thể chế không để... “ngâm lâu”!

    15:30, 18/03/2019

  • Rào cản lớn đến từ phương thức quản lý

    12:00, 16/02/2019

  • Cắt giảm điều kiện kinh doanh: "Mới dừng ở mức... tháo gỡ rào cản"

    16:30, 15/01/2019

  • Thủ tục hành chính vẫn… hành là chính

    06:50, 15/02/2019

  • Thủ tục hành chính về đất đai tiếp tục làm khó doanh nghiệp

    06:16, 17/01/2019

Cắt bỏ “rào cản”

Cuối năm 2018, những cơ quan chuyên môn như Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam đều có những báo cáo cho thấy: Chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh thực ra không được như mong muốn.

Có thể nói, những chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng, những nghị quyết của Chính phủ vẫn chưa được tuân thủ cách nghiêm ngặt. Thậm chí, những điều kiện kinh doanh mới được thiết kế ở mức tinh vi hơn, khiến cho câu chữ thì có vẻ thông thoáng, nhưng thật sự thì làm cho doanh nghiệp lao đao. Chẳng hạn như có nghị định chỉ buộc doanh nghiệp nộp hồ sơ. Nhưng phần phụ lục lại quy định hồ sơ với “hầm bà lằng” thủ tục, giấy tờ.

Trong khi đó, đã có nhiều chuyên gia, thậm chí là cả Thủ tướng đã đề cập đến việc “thay thế những người không ủng hộ cải cách”. Thực ra điều này thuộc thẩm quyền hiến định của Thủ tướng. Nên nhớ rằng, Hiến pháp 2013 đã quy định Thủ tướng “Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia”.

Nếu sự “thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia”, mà biểu hiện cụ thể là việc cải cách điều kiện kinh doanh bị phương hại, thì Thủ tướng cần phải thay thế những nhân tố cản trở. Chỉ có điều đó mới thúc đẩy thực sự việc cắt giảm điều kiện kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chỉ có như thế thì những chỉ đạo, chỉ thị của Thủ tướng, các Nghị quyết của Chính phủ mới được tuân thủ nghiêm túc.

Nếu không, đến hết nhiệm kỳ, mục tiêu xây dựng thể chế để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của Thủ tướng và Chính phủ sẽ khó hoàn thành khi những rào cản vẫn không bị cắt bỏ và những cá nhân cản trở không nếm mùi “cách chức”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần phải cách chức những... rào cản!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO