Cần tách bạch quản lý và chuyên môn trong lĩnh vực y tế

Diendandoanhnghiep.vn Với những tính chất đặc thù, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc ngành y tế cần thay đổi tư duy quản trị, tách bạch giữa quản lý với chuyên môn…

Phía sau hàng loạt những vụ bê bối, tiêu cực của ngành y tế thời gian vừa qua, đa phần ý kiến dư luận đều thể hiện sự “tiếc nuối” thay vì lên án hay trì triết bởi nhìn thẳng vào các sai phạm một cách khách quan, đa chiều thì có thể thấy về mặt chuyên môn những lãnh đạo này được cho là giỏi nhưng đặt họ vào vai trò quản trị của nhiều công việc chuyên môn khác, với những đặc thù riêng, liệu họ có thể không vướng mắc?

Trong khi đó, ở vị trí một Giám đốc bệnh viện công lập, ngoài việc bảo đảm sinh mạng cho từng bệnh nhân, trực tiếp cầm dao mổ ở những ca phẫu thuật phức tạp nhất, họ còn phải chịu trách nhiệm cả những việc từ gửi xe, xử lý rác, mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế, chịu trách nhiệm trong việc đấu thầu các thiết bị y tế…

Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn trước nghị trường ngày 10/11 - Ảnh: QH

Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn trước nghị trường ngày 10/11 - Ảnh: QH

Như một số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) công tác trong ngành y tế TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, những trường hợp sai phạm về đấu thầu trang thiết bị y tế trong thời gian qua là sự cố đáng tiếc.

Cụ thể, bên hành lang phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thanh Long tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá XV sáng ngày 10/11, Đại biểu Nguyễn Tri Thức - Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: “Chắc chắn có những sai phạm mang tính cá nhân, bởi khi các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố thì đều có các chứng cứ rõ ràng, không thể nào đổ lỗi hoàn toàn cho cơ chế được”. Tuy nhiên, ông Thức cũng cho rằng, việc này cần nhìn nhận khách quan, đa chiều, bởi cá nhân sai phạm là rõ rồi nhưng cũng phải xem lại cơ chế.

Theo ông Thức, nên có quy định riêng, chi tiết về mua sắm các thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc hoá chất… bởi mặt hàng y tế có đặc thù rất riêng so với mặt hàng khác vì tính chất cấp cứu của người bệnh, mô hình bệnh tật với những bệnh rất hiếm. Như vậy, sẽ hạn chế tối đa chuyện tiêu cực, đảm bảo kịp thời cấp cứu người bệnh.

Đồng thời, Đại biểu Nguyễn Tri Thức kiến nghị, cần có chương riêng cho đấu thầu thiết bị y tế trong Luật Đấu thầu bởi y tế là ngành đặc biệt, không phải kinh doanh, nhưng cũng phải đảm bảo nguồn thu để có thể đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ người bệnh.

Còn theo Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, ngành nào cũng vậy, cũng sẽ có cá nhân hoặc là không nắm vững luật lệ, hoặc là nắm vững rồi nhưng vẫn cố tình vi phạm. “Sai phạm tới đâu thì cơ quan chức năng sẽ trả lời nhưng rõ ràng chúng ta không ủng hộ cái sai mà phải đặt lợi ích người dân lên trên hết”, Đại biểu Lan khẳng định.

Theo bà Lan, đầu tiên người làm sai phải tự xem lại mình nhưng cũng cần phải nhìn lại xem thể chế, cơ chế, môi trường có thuận lợi cho cán bộ y tế làm đúng không.

“Nếu sai lầm do bản thân người đó tiêu cực, ham muốn tiền bạc thì cá nhân phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, cũng không loại trừ có những quy định chồng chéo nhau và trong một chừng mực nào đó khi bị sức ép phải làm nhanh, làm gấp để có phương tiện cứu bệnh nhân thì có thể người ta chủ quan, bỏ qua các bước mà phạm sai lầm”, Đại biểu Lan phân tích.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần tách bạch giữa quản lý và chuyên môn để

Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc ngành y tế cần tách bạch giữa quản lý và chuyên môn - Ảnh minh họa

Thực tế, nhìn lại việc quản lý, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hầu như là các bệnh viện đều đang “tự bơi” bởi chỉ có Luật Đấu thầu là quy định chung cho các ngành, trong khi, đặc thù về máy móc của ngành y rất phức tạp, các doanh nghiệp cạnh tranh, mong có lợi nhuận nên không loại trừ có những mánh khoé, đẩy giá trang thiết bị lên cao. Đây là vấn đề đáng được quan tâm, nhất là khi câu chuyện chuyên môn và quản lý vẫn chưa thể một sớm, một chiều có lời giải.

Tại nghị trường, Đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp chất vấn: “Bác sĩ chuyên môn giỏi nhưng quản trị chưa tốt. Vậy đã đến lúc tách bạch quản lý với chuyên môn chưa? Bộ trưởng có suy nghĩ gì?”.

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thanh Long cho hay, thời gian qua Bộ Y tế đã có nhiều thay đổi về quản lý cũng như bổ nhiệm lãnh đạo bệnh viện. “Với các bệnh viện, chúng tôi đề nghị có một lãnh đạo quản lý về kinh tế, có thể là tài chính, kế toán, thời gian qua một số đơn vị đã triển khai vấn đề này. Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến đại biểu để việc quản lý ngành được minh bạch hơn, nhất là quản lý tài chính với các cơ sở y tế công lập”, ông Long chia sẻ.

Tham gia tranh luận, Đại biểu Hoàng Văn Cường đoàn đại biểu TP. Hà Nội cho rằng, các giải pháp Bộ trưởng đưa ra chưa thỏa đáng.

“Bộ trưởng nói sẽ phân công người phụ trách về kinh tế trong bệnh viện, nhưng nếu xảy ra sai phạm thì người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm”, ông Cường phân tích.

Theo ông Cường, quy định hàng năm cơ quan chủ quản đều phải duyệt quyết toán với vốn sử dụng từ ngân sách, còn hoạt động từ vốn của đơn vị thì phải kiểm tra báo cáo tài chính. Những cơ quan có chuyên môn về kinh tế khi kiểm tra báo cáo tài chính không phát hiện ra sai phạm, làm sao các giáo sư, bác sĩ chỉ có chuyên môn y tế phát hiện ra được? Vì vậy, đại biểu Cường cho rằng, những sai phạm vừa qua có phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản.

Giải đáp về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, theo quy định của Đảng, Nhà nước thì người đứng đầu chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm trong đơn vị. Ở mỗi đơn vị, người đứng đầu chịu trách nhiệm thiết lập cơ chế làm việc, kiểm tra, giám sát và triển khai công việc. Do vậy, nếu đơn vị xảy ra sai phạm thì dù trực tiếp hay gián tiếp, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

“Bộ Y tế chịu trách nhiệm về chuyên môn, kỹ thuật với cơ sở y tế toàn quốc, nhưng với vấn đề nhân sự, quản lý tài chính, thanh tra, kiểm tra lại do UBND các tỉnh, thành. Bộ Y tế lập đoàn kiểm tra chuyên ngành, nhưng chỉ mang tính chuyên môn, còn về kinh tế, đấu thầu, mua sắm do địa phương xử lý”, ông Long giải thích.

Sau những vụ bê bối, tiêu cực, cùng với thực trạng đã nêu nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc ngành y tế thay đổi, tách bạch giữa quản lý và chuyên môn để không còn hiện trạng bác sĩ, giáo sư giỏi về chuyên môn nhưng lại vướng vòng lao lý vì yếu về quản trị khi lãnh đạo.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Cần tách bạch quản lý và chuyên môn trong lĩnh vực y tế tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714020175 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714020175 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10