Không phải cứ thông tin nhanh mà đã là chính xác và không phải cứ nhiều người tin thì là lẽ phải.
Sáng 27/2, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam Nguyễn Ngọc Hải Điền (26 tuổi, ngụ khu A, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa) về hành vi Giết người. Nạn nhân là anh Lê Hoài Bảo, 28 tuổi, quê Kiên Giang, tạm trú ấp Sò Đo, thị trấn Hậu Nghĩa.
Công viên nơi xảy ra vụ việc anh Lê Hoài Bảo bị đâm chết tại công viên trong lúc đang chơi đùa với con.
Theo đó, những ngày qua, nhiều người không khỏi bàng hoàng trước sự vụ anh Lê Hoài Bảo bị đâm chết tại công viên trong lúc đang chơi đùa với con chỉ vì bị một người bán vé số hiểu lầm là đang bắt cóc trẻ con và tri hô. Sau lời tri hô, cả đám người trong tình trạng say rượu lao vào đánh, đâm anh đến tử vong trước sự chứng kiến của cậu con trai 3 tuổi.
Đây vốn không phải lần đầu tiên xảy ra câu chuyện tri hô bắt cóc trẻ em gây ra hậu quả nghiêm trọng. Chúng ta đã đọc vài câu chuyện như thế này rồi. Và phản ứng của những người như Nguyễn Ngọc Hải Điền không phải hiếm. Chúng ta đã gặp đâu đó trên mạng xã hội, khi câu chuyện đưa ra, chưa cần biết đúng sai, những comment đòi đánh, đòi giết, đòi tố, đòi tung đã ầm ĩ bên dưới. Cứ như thể, nếu ngoài đời, hẳn cũng giống một đám đông xúm lại với giáo mác tua tủa vậy.
Chia sẻ với báo giới, người bán vé số lý giải rằng chỉ vì từng nghe nhiều chuyện liên quan đến việc bắt cóc con nít nên cụ bà đã kêu lên hòng tránh được một vụ bắt cóc trẻ con. Tất nhiên, không thể phủ nhận ý tốt của cụ bà, nhưng cũng phải thừa nhận rằng sự nhiệt tình nhưng thiếu hiểu biết trong trường hợp này đã gây họa cho người khác. Hệ quả là, một câu chuyện đau lòng, một vụ giết người không đáng để xảy ra.
Bởi, giá như bà cụ bán vé số bình tĩnh quan sát thêm, thay vì tri hô “bắt cóc trẻ em” mà chưa biết “đầu cua tai nheo” thế nào? Giá như, người can thiệp là Nguyễn Ngọc Hải Điền đừng phải là một gã say rượu không cần nói lý lẽ đã rút dao ra đâm chết người ta.
Tức là, nếu như sự việc này được nhìn nhận một cách tỉnh táo hơn và được xử lý một cách thận trọng hơn thì có lẽ thảm họa đã không xảy ra, đứa trẻ ấy không phải mất bố, người cha ấy không phải từ bỏ cõi đời khi còn mang nặng gánh trên vai.
Nói cách khác, người dân có quyền tham gia đấu tranh và phòng chống các loại tội phạm và có quyền bắt quả tang những người vi phạm pháp luật. Nhưng việc xử sự như thế nào trong các trường hợp đó thì phải tuân theo quy định của pháp luật, phải có căn cứ chứng minh rõ là người ta đang có giấu hiệu vi phạm pháp luật chứ không chỉ là nghe một lời tri hô, một lời nói mà không tìm hiểu rõ sự việc rồi hùa theo, dùng vũ lực, giết người.
Thật sự, câu chuyện gây bàng hoàng cho người trong cuộc lẫn dư luận. Chỉ có thể lý giải đó là hậu quả của nhưng tin đồn ác ý thất thiệt trên mạng xã hội trong suốt thời gian dài vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người dân. Cụ thể hơn, những tin đồn ấy thường đánh vào nỗi sợ hãi tiềm ẩn trong mỗi người, khiến họ rơi vào tình trạng bất an, thậm chí tự kỷ ám thị và mất đi sự khách quan khi nhìn nhận bất cứ sự việc nào.
Hệ quả là, cái tâm lý bất an, sợ hãi về “lời tri hô” nó có sự lây lan nhanh chóng trong thời buổi công nghệ thông tin. Chả thế mà, chỉ sau ít ngày chuyện đau lòng ở Long An, chỉ vì sợ rơi vào cảnh bi kịch như vậy, người ta thấy hình ảnh người đàn ông cùng con gái phải đeo biển thông báo là bố con ruột khi đi chơi trong trung tâm thương mại ở Quảng Ninh. Trong khi bố đeo biển “Bố chính chủ, có chứng minh đối chiếu”, tấm biển treo trên cổ bé gái là “Con chính chủ, có giấy khai sinh mang theo”.
Có thể thấy, tin đồn là một hiện tượng thường gặp trong đời sống xã hội ở bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ giai đoạn nào. Ngày nay, trong xã hội hiện đại, mặc dù công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ nhưng tin đồn vẫn tồn tại, phát triển và có tác động nhất định đến đời sống, nhận thức chúng ta. Thậm chí, qua những chia sẻ trên mạng xã hội, những thông tin đó càng có “đất sống” và phát triển gây tâm lý hoang mang cho xã hội.
Chính vì vậy, cần lắm sự thanh lọc và bình tĩnh khi tiếp nhận, xử lý thông tin từ tất cả mọi người. Không phải cứ thông tin nhanh mà đã là chính xác và không phải cứ nhiều người tin thì là lẽ phải. Sự ra đi oan nghiệt của một người bố trong trường hợp này chính là câu chuyện đau lòng của “thông tấn xã vỉa hè”!