Sau vụ bắt giữ giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu tại Vancouver hồi tháng 12 năm ngoái, căng thẳng tiếp tục bao trùm lên mối quan hệ giữa Canada và Trung Quốc
Ottawa đang bước vào quỹ đạo rất gập ghềnh trong mối quan hệ với Trung Quốc, đáng chú ý ngoại giao hai nước "đổ đèo" nhanh chóng từ sau khi Hiệp định thương mại Bắc Mỹ (USMCA) được ký kết.
Thách thức quan hệ song phương
Tòa án thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc vừa qua đã kết án tử hình Robert Lloyd Schellenberg, một công dân Canada vì buôn lậu ma túy sau khi người này kháng cáo bản án 15 năm tù trước đó.
Ngay lập tức, Thủ tướng Canada Justin Trudeau lên tiếng và cho biết, Bắc Kinh đã sử dụng án tử hình một cách tùy tiện và tuyên bố phát cảnh báo đi lại tại Trung Quốc với công dân của Canada.
Trung Quốc đã đáp trả mạnh mẽ tuyên bố của Thủ tướng Trudeau. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Trung Quốc không hài lòng với những phát biểu của ông Trudeau và kêu gọi Canada tôn trọng luật pháp, tôn trọng chủ quyền tư pháp của Trung Quốc, chấm dứt hành vi sai trái của họ cũng như ngừng đưa ra những tuyên bố vô trách nhiệm.
Có thể bạn quan tâm
11:24, 10/12/2018
06:00, 08/12/2018
07:40, 23/11/2018
11:38, 01/10/2018
Cùng với đó, Trung Quốc cũng đã đưa ra cảnh báo du lịch của riêng mình vào thứ ba cho Canada, với lý do Canada đã "tùy tiện giam giữ" của một công dân Trung Quốc.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của nhà nước Trung Quốc đã xuất bản một bài xã luận hôm thứ Hai và cho rằng "nhiều" công dân nước ngoài đã bị kết án tử hình trong những thập kỷ gần đây vì buôn lậu ma túy ở Trung Quốc.
"Phiên tòa xét xử ông Schellenberg chỉ cho thấy Trung Quốc đang thực thi theo đúng chủ quyền tư pháp. Phương tiện truyền thông phương Tây nên đưa tin về vụ việc này một cách có trách nhiệm để tránh gây hiểu lầm dẫn đến gia tăng những kẻ phạm tội tiềm năng tại Trung Quốc", trích dẫn bài viết trên tờ Thời báo Toàn cầu.
Có thế thấy, sau vụ bắt giữa bà Mạnh Vãn Châu, quan hệ giữa Trung Quốc và Canada không ngừng căng thẳng và số cuộc khẩu chiến đã tăng lên đáng kể và cho thấy sự đối lập sâu sắc trong quan điểm luật pháp của Trung Quốc và Canada khi hai đất nước cố phớt lờ để quyết tâm ký kết một hiệp định thương mại tự do.
Theo các chuyên gia, cùng với việc giam giữ hai công dân khác của Canada là cựu cán bộ ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor đã củng cố thông điệp rằng Trung Quốc xem việc giam giữ con tin là một cách có thể chấp nhận để tiến hành ngoại giao.
Tuy nhiên, với sự thượng tôn pháp luật tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau và nội các của ông không có quyền ra lệnh cho tòa án tỉnh British Columbia ngay lập tức thả một ai đó.
Giới chuyên gia đã từng cảnh báo, một số giá trị cơ bản của Canada như bảo vệ bản quyền, tự do thông tin... đôi khi xung đột với những ưu tiên chính trị tại Trung Quốc.
Điều này đã được thấy rõ vào tháng Tư năm ngoái, Trung Quốc đã từ chối một thỏa thuận thương mại tự do với Canada do Bắc Kinh đánh giá một số chi tiết trong thỏa thuận là can thiệp vào công việc nội bộ tại Trung Quốc.
Sau vụ việc lần này, Canada và Trung Quốc dường như đã chấp nhận sự thật rằng họ sẽ cần nhiều thời gian hơn nữa để tìm ra tiếng nói chung và bình thường hóa quan hệ ngoại giao trước khi đi đến một sự gắn kết chặt chẽ hơn như ký kết hiệp định tự do thương mại.
Phép thử cho Canada
Giới quan sát cho rằng, vụ việc của công dân Canada Schellenberg sẽ giúp thử nghiệm sự hợp nhất về quan điểm chính trị và chính sách ngoại giao của Thủ tướng Justin Trudeau trong thời điểm quan hệ với siêu cường châu Á căng thẳng sâu sắc.
Trước đây, chính phủ của ông đã đưa ra một tuyên bố rằng tất cả những công dân Canada phải đối mặt với án tử hình ở bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tin tưởng vào sự bảo vệ của chính phủ.
Ông Trudeau đã nhấn mạnh điều này khi nói rằng, "Chúng tôi luôn củng cố chính sách đứng ra hòa giải án tử hình cho người dân Canada tại bất cứ nơi nào trên thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó, như chúng tôi đang làm với trường hợp của Schellenberg".
Điều này sẽ có ý nghĩa hơn bao giờ hết trong cuộc bầu cử liên bang Canada vào tháng Mười sắp tới với đối thủ của ông Trudeau - lãnh đạo Đảng bảo thủ liên bang, Andrew Scheer.
Với tư cách là thành viên chính phủ dưới thời cựu Thủ tướng Stephen Harper, ông Scheer đã ủng hộ ý kiến cho rằng Canada chỉ nên can thiệp có chọn lọc khi người Canada đối mặt với việc bị hành quyết ở nước ngoài.
Đảng Bảo thủ đã nhấn mạnh rằng, tùy theo từng trường hợp cụ thể, Canada nên có lựa chọn chấp nhận việc thực thi công lý tại các quốc gia mà không can thiệp quá sâu.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng chính sách xem xét theo từng trường hợp cụ thể sẽ làm suy yếu vị trí và các nguyên tắc của Canada đối với hình phạt tử hình cũng như giảm yêu cầu khoan hồng ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc.
Trong năm 2018, Chính phủ của Thủ tướng Trudeau cũng vấp phải mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với một số tỉnh bang như Ontario, Quebec, Saskatchewan và Manitoba liên quan đến vấn đề thuế carbon, nhập cư, hợp pháp hóa cần sa...
Do đó, chính sách ngoại giao của Thủ tướng Trudeau sẽ tiếp tục là một thách thức mới cần phải giải quyết trước thềm cuộc bầu cử quan trọng trong năm nay.