Cáp treo vượt sông Hồng: Đề xuất "lạ", doanh nghiệp "quen"

Việt - Minh 01/07/2018 06:15

Tập đoàn Poma (Pháp) vừa đề xuất xây dựng cáp treo vượt sông Hồng thực ra không còn xa lạ trên thị trường Việt Nam.

đề xuất xây dựng cáp treo vượt sông Hồng để giảm ùn tắc giao thông, một số ý kiến chuyên gia khuyên nên xem xét lại,không đem lại hiệu quả, các nước trên thế giới chưa ai làm cáp treo để giảm ùn tắc gia.o thông

Với đề xuất xây dựng cáp treo vượt sông Hồng để giảm ùn tắc giao thông, một số chuyên gia đánh giá đây sẽ là dự án không đem lại hiệu quả, và các nước trên thế giới cũng chưa ai làm.

Trước thông tin này, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội xác nhận, Sở đã nhận được đề xuất của một doanh nghiệp tới từ nước Pháp muốn được làm cáp treo vượt sông Hồng.

Sở lắng nghe, chuyên gia quan ngại

Theo đó, tuyến cáp treo này có tổng chiều dài 5,5km, các trụ đỡ có chiều cao từ 50 - 100m. Điểm đầu là trạm trung chuyển xe buýt Long Biên, điểm cuối là bến xe Gia Lâm. Mỗi cabin sẽ có sức chứa từ 25 - 30 người, theo tính toán của doanh nghiệp này thì trong 1 giờ tuyến cáp treo có thể vận chuyển được 7.000 lượt khách.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này chưa đưa ra phương án tài chính và vận hành cụ thể. Phía doanh nghiệp đã đăng ký gặp lãnh đạo và các cơ quan chuyên môn của Hà Nội để trình bày phương án.

"Hiện sở chưa có ý kiến gì cụ thể vì phải nghe trình bày phương án cụ thể. Còn quan điểm của chúng tôi là luôn lắng nghe các ý kiến đóng góp về các giải pháp giải quyết ùn tắc giao thông. Tuy nhiên trên cơ sở phù hợp với quy hoạch và đảm bảo khả thi", ông Viện cho biết trên Tuổi Trẻ.

Theo tính toán, tuyến cáp treo có chiều dài hơn 5km. Trong đó, có khoảng 1,2km cáp treo vượt sông Hồng và khoảng 4km còn lại đi trên mặt đất và vượt trên các tòa nhà, công trình cao tầng ở mặt đất. Đại diện nhà đầu tư cho biết, do hoạt động trên không và đi trên làn đường riêng (dây cáp) nên cáp treo vận hành rất ổn định, đúng giờ, xác suất được tính theo giây.

Đánh giá về đề xuất này, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn cao cấp dự án JICA (Nhật Bản) cho rằng, mục tiêu dự án trên để giảm ùn tắc giao thông thì cần phải xem lại, để giảm ùn tắc thì thực tế không đem lại hiệu quả, các nước trên thế giới chưa ai làm cáp treo để giảm ùn tắc, và vì cáp treo chỉ phục vụ được cho người đi bộ nên dễ sẽ gia tăng áp lực giao thông.

TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông cũng bày tỏ sự quan ngại về tính khả thi của dự án và mục đích thật sự của chủ đầu tư. Dự án cáp treo vượt sông Hồng không mang tính khả thi cao, khó giải quyết vấn đề giao thông và sẽ lấy đi của Hà Nội nhiều quỹ đất.

Ông Thủy đặt ra 4 câu hỏi về dự án này. Một là, việc dùng cáp treo vì mục đích vận tải là rất ít. Hai là, kinh phí vận chuyển cáp treo rất đắt, cao hơn vận chuyển bằng xe buýt nhiều. Thứ ba, tuổi thọ của cáp treo thấp, phụ thuộc về hệ thống cáp, ròng rọc, cabin... dẫn đến việc kinh phí cho dự án cáp treo cũng rất lớn, năng suất thấp. Thứ tư, hệ thống giao thông phụ trợ đi kèm của cáp treo cũng là bài toán cần tính đến. Khi người dân lên, xuống cáp treo sẽ phải đi bằng phương tiện gì?

"Cần phải xem lại năng lực của chủ đầu tư dự án, nếu một đơn vị làm giao thông thì chẳng ai chọn phương án làm cáp treo vượt sông Hồng, lại xây dựng trong khu vực có đông dân cư. Nếu thành hiện thực thì chỉ có duy nhất ở Việt Nam có điều này”, ông Thủy bày tỏ.

POMA là ai?

POMA, còn được gọi là Pomagalski SA là một công ty hàng đầu thế giới trong việc xây dựng các hệ thống điều khiển thang máy, cáp, bao gồm cả cố định và có thể tháo rời ghế nâng đường xe điện trên không... Hiện nay, Tập đoàn POMA đã lắp đặt hơn 7.800 thiết bị trên năm châu lục, trong 73 quốc gia.

Cái tên "POMA" xuất phát từ người sáng lập, ông Jean Pomagalski, người đã phát triển loại thang máy ghế nâng có thể tháo rời mặt đầu tiên tại Pháp vào năm 1936, bắt nguồn từ những ngày đầu của môn thể thao trượt tuyết. Pomagalski, SA có trụ sở tại Grenoble - Pháp và đã trở thành một trong những nhà sản xuất lớn nhất về thang máy trượt tuyết và vận chuyển cáp treo trên thế giới.

Các cáp treo đầu tiên của Poma được xây dựng vào năm 1958 tại Pháp và Hoa Kỳ. Với uy tín và năng lực thiết kế lắp đặt của mình, Poma đã lắp đặt hệ thống thang máy, cáp treo tại Valley - California cho Olympic mùa đông năm 1960; Thế vận hội Olympic mùa đông tại Sarajevo - Nam Tư năm 1984; lắp đặt hệ thống thang máy, cáp treo tại Albertville - Pháp năm 1992; tại Lillehammer - Na Uy vào năm 1994; hệ thống thang máy, cáp treo cho Thế vận hội mùa đông 2014 tại Sochi của Nga...

Poma đã thi công lắp đặt các công trình cáp treo thang máy phục vụ hệ thống giao thông tại: Paris, Amneville, Saint Lary, Chamonix Mont-Blanc (Pháp); Zurich (Thụy Sĩ); Porto (Bồ Đào Nha);  Medellin (Colombia); Taipei (Đài Loan); Quito  (Ecuador); London (Anh Quốc); Dubai (United Arab Emirates United Kingdom); Madrid (Tây Ban Nha). Ở Brazil, hệ thống cáp thang máy cơ khí tại Rio de Janeiro - cung cấp hệ thống giao thông mới thay thế cho hệ thống giao thông ngầm, được Tổng thống Lula da Silva xem là một trong những hình ảnh đẹp biểu trưng của nơi đây. Và một trong những công trình nổi bật của Poma là việc xây dựng tuyến cáp treo tại đảo Roosevelt ở New York Tramway, nối Roosevelt Island với Manhattan qua sông Đông, dọc theo cầu Queensboro…

Tại Việt Nam, Tập đoàn Poma đã tham gia thiết kế kỹ thuật, cung cấp thiết bị một số công trình cáp treo tại những khu du lịch nổi tiếng như: cáp treo Yên Tử dài 1209 m, có độ dốc 341 m là một địa chỉ du lịch hành hương nổi tiếng ở khu vực phía Bắc; Cáp treo Vinpearl Nha Trang dài hơn 3331 m, có độ dốc 28 m, công trình từng được công nhận kỷ lục thế giới: Cáp treo vượt biển dài nhất...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cáp treo vượt sông Hồng: Đề xuất "lạ", doanh nghiệp "quen"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO