Nhiều sản phẩm truyền thống làng nghề của Việt Nam đang được khách hàng của trang thương mại điện tử Amazon (Mỹ) đặc biệt chú ý.
Chia sẻ tại buổi họp mặt hội viên Câu lạc bộ sản phẩm đặc trưng ĐBSCL (Mekong SP Club) vào sáng ngày 6/7, tại tỉnh An Giang, ông Phạm Năng Duy, Giám đốc Công ty Onbrand, đối tác của Amazon tại Việt Nam cho biết: nhiều sản phẩm thủ công làng nghề của Việt Nam như: rổ đựng quần áo đan bằng cỏ biển, chén và muỗng dừa, kẹo dừa-Bến Tre và nhiều mặt hàng thực phẩm truyền thống khác chỉ sau thời gian ngắn xuất hiện trên Amazon đã gây được sự quan tâm đặc biệt của khách hàng nhiều quốc gia trên thế giới, doanh số bán hàng các mặt hàng này không ngừng gia tăng.
Điều này khẳng định nhiều Việt Nam có rất nhiều sản phẩm tốt có cơ hội kinh doanh toàn cầu, tuy nhiên vì thời gian qua công tác quảng bá và xúc tiến bán hàng còn hạn chế nên chưa được nhiều khách hàng biết đến. Do đó việc kết nối bán hàng qua Amazon cũng là một giải pháp quảng bá và đẩy mạnh bán hàng xuyên biên giới với giá bán tốt và doanh thu lợi nhuận cao hơn. Công ty Onbrand sẵn sàng hỗ trợ tạo tài khoản, đăng sản phẩm cùng hình ảnh, gởi hàng qua kho hàng Amazon và thủ tục thanh toán an toàn cho các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề bán được hàng qua Amazon.
“Công ty cũng đã đẩy mạnh bán hàng qua Website của công ty, tuy nhiên việc công ty tự marketing online thì không thể so sánh với các kênh thương mại điện tử lớn, uy tính, chuyên nghiệp như Amazon, Lazada, Alibaba…do vậy việc liên kết bán hàng online như đề xuất của Công ty Onbrand là rất cần thiết”, ông Nguyễn Trường Thịnh - Phó Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới, chia sẻ.
Ông Từ Minh Thiện - Phó trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp Công nghệ cao, cố vấn Mekong SP Club cho rằng: “Nên chăng sắp tới đổi tên thành Mekong SP Club và các người bạn để tạo cộng đồng để mỗi dịp họp mặt hội viên như thế này chúng ta sẽ mời thêm những doanh nghiệp, chuyên gia có liên quan đến chủ đề mà chúng ta muốn thảo luận nhằm chia sẻ kinh nghiệm và nhờ tư vấn thêm về chuyên ngành. Thời đại hiện nay không phải là cá lớn nuốt cá bé mà là đi nhanh hay đi chậm. Một khó khăn của sản phẩm đặc trưng làng nghề truyền thống hiện nay đang gặp phải đó là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún không có sản lượng lớn, chi phí cao. Để khắc phục điểm yếu này thì các doanh nghiệp và cơ sở làng nghề phải liên kết với nhau chặt chẽ hơn”.
Theo bà Huỳnh Thiên Trang - Phó giám đốc VCCI Cần Thơ, Chủ nhiệm Mekong SP Club, sự ra của MekongSP Club là điều kiện giúp cho các cơ sở, doanh nghiệp kết nối, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác giao thương và mở rộng kênh bán hàng. Ngoài ra, tham gia vào MekongSP Club, nhân viên của doanh nghiệp sẽ được đào tào, huấn luyện cách nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu, kỹ năng bán hàng.
Bước đầu đi vào hoạt động, CLB đã tích cực hỗ trợ quảng bá cho hội viên thông Website, và fanpage FB, tổ chức các cuộc hội thảo về bao bì, nhãn mác và thương hiệu, liên kết với các đối tác triển khai showroom và phát triển kinh doanh sản phẩm của CLB tại TP.Hồ Chí Minh…
Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Ủy viên Mekong SP Club cho rằng: Việc liên kết doanh nghiệp cơ sở làng nghề là xu hướng tất yếu, tuy nhiên điều đáng tiếc là hiện nay số lượng hội viên còn ít và mạng lưới chưa đều khắp nên việc tương trợ lẫn nhau trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nội địa trong bối cảnh hội nhập còn hạn chế.
Mekong SP Club do VCCI Cần Thơ xúc tiến thành lập vào năm 2014, tính đến thời điểm hiện tại, Câu lạc bộ có 63 hội viên với gần 200 sản phẩm thuộc 3 nhóm ngành hàng chủ lực là: Thủ công mỹ nghệ như gốm sứ, đan, thêu, vải lụa, chiếu, đan lát, lục bình, tranh gạo; thực phẩm như các loại bánh dân gian, thực phẩm chế biến, gia vị nấu ăn, rượu cổ truyền, nước giải khát... và sản phẩm mang tính tự nhiên như gạo thơm, các loại trái cây, tiêu, ca cao, rau củ quả...Định hướng hoạt động của câu lạc bộ sẽ gắn kết với các tổ chức, công ty thương mại, dịch vụ để tiếp cận với các kênh bán hàng mới bênh cạnh kinh doanh truyền thống như chợ, siêu thị và tập trung cho hoạt động xuất khẩu.