Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt phương án khắc phục vết nứt cầu Vàm Cống. Theo đó sẽ thay thế trên 60% diện tích dầm thép ngang.
Cầu Vàm Cống thuộc Dự án thành phần 3 - Dự án kết nối Khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông, sử dụng nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc. Dự án được thực hiện bởi các Nhà thầu của Hàn Quốc: Tư vấn thiết kế - giám sát Hàn Quốc là Liên danh Dasan - Kunhwa - Pyunghwa; Nhà thầu thi công Hàn Quốc là Liên danh Công ty GS E&C và Hanshin.
Cầu chính đã được hợp long ngày 29/9/2017. Vào trung tuần tháng 11/2017, trong lúc thi công các hạng mục hoàn thiện: thảm bê tông nhựa mặt cầu, lắp khe co giãn, sơn kẻ đường… thì đơn vị thi công đã phát hiện vết nứt rộng hơn 4 cm, kéo dài ngang dầm khoảng 2 m tại vị trí trụ P29.
Ngay sau đó Bộ GTVT đã cho dừng thi công, phối hợp với Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) và các chuyên gia đầu ngành đánh giá nguyên nhân, lựa chọn giải pháp khắc phục.
Theo ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), đến thời điểm hiện tại các đơn vị chuyên môn đã đưa ra đánh giá có 3 nhóm nguyên nhân gây nứt dầm thép CB6 trên đỉnh trụ P29 cầu Vàm Cống là: tập trung ứng suất, ứng suất dư và chất lượng đường hàn ráp nối các cấu kiện.
Ông Thành thông tin thêm, sau sự cố, Bộ GTVT đã chỉ định Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải kiểm định, đánh giá độc lập, đồng thời mời tư vấn đến từ nước thứ ba là Arup, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ, đánh giá độc lập để đảm bảo khách quan.
Trên cơ sở kết quả thẩm định của tư vấn quốc tế Arup, Viện khoa học công nghệ giao thông và ý kiến của Hội đồng Nghiệm thu nhà nước, Bộ Giao thông đã phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật phương án khắc phục là thay bán phần dầm ngang trên 60% diện tích. Chiều dày bản đáy sẽ tăng từ 6 lên 8 cm để làm tăng độ cứng của dầm. Cabin hàn tại hiện trường được lắp đặt đảm bảo các điều kiện hàn tương tự như trong nhà máy, với thiết bị và nhân công từ Hàn Quốc.
Tại cuộc họp Bộ Giao thông ngày 5/6, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật yêu cầu các đơn vị liên quan phải hoàn thành công tác khắc phục vết nứt để kịp cuối năm 2018 để đưa cầu Vàm Cống vào sử dụng. Tuy nhiên, đại diện nhà thầu Hàn Quốc GS E&C cho biết, đang gặp một số khó khăn về kỹ thuật do thi công trên cao, địa hình hẹp, vật liệu đặt hàng sản xuất khối lượng nhỏ với yêu cầu kỹ thuật cao và không có sẵn trên thị trường. Ngoài ra, mùa mưa cũng ảnh hưởng đến thi công nên rất khó để hoàn thành công trình đúng tiến độ mà Bộ GTVT đề nghị.
Cầu Vàm Cống được ví như anh em song sinh với cầu Cao Lãnh. Khi hai chiếc cầu này và tuyến đường nối hoàn thành sẽ tạo giao thông thông suốt từ Kiên Giang qua Đồng Tháp Mười lên TP HCM. Đây là niềm mong mỏi của hàng chục triệu người dân đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay cầu Cao Lãnh và tuyến nối đã được đưa vào sử dụng nhưng cầu Vàm Cống thì vẫn chưa biết khi nào “nối nhịp bờ vui”.