Trong 10 năm qua, Công ty Sơn Trường có 10 kiến nghị gửi lên thành phố Hải Phòng thì đến nay mới giải quyết dứt điểm được một kiến nghị.
Thông thường, các kiến nghị, đề nghị của doanh nghiệp gửi đến UBND thành phố Hải Phòng thì UBND thành phố chuyển đến các sở ngành liên quan để nghiên cứu, trả lời, đề xuất hướng giải quyết. Chúng tôi hiểu, điều đó là cần thiết vì chính quyền khi ra quyết định phải trên cơ sở tham mưu của các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, các sở ngành rà soát, tham vấn lẫn nhau thường rất lâu, có khi kéo dài cả năm trời. Đơn cử như trường hợp Nhà máy bê tông Minh Đức của chúng tôi đã đi vào hoạt động một năm, đã nộp hàng chục tỉ đồng vào ngân sách Nhà nước nhưng vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi doanh nghiệp rất cần hoàn thiện thủ tục để vay vốn ngân hàng.
Khu đầm nuôi tôm Xuân Đám (huyện Cát Hải) của Công ty tôi thành phố đã thu hồi đất để giao cho Tập đoàn khác làm du lịch. Nhưng chúng tôi hỏi, “bao giờ Công ty Sơn Trường được bồi thường?” thì không ai trả lời. Chúng tôi chỉ biết mòn mỏi chờ đợi.
Trong 10 năm qua, Công ty Sơn Trường có 10 kiến nghị gửi lên thành phố thì đến nay mới giải quyết dứt điểm được một kiến nghị.
Từ thực tế trên khiến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa mất lòng tin vào việc đối thoại, giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp của các cấp ngành địa phương.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị phương pháp giải quyết tháo gỡ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp của thành phố Hải Phòng cần có quy định mốc thời hạn cụ thể. Có như vậy mới thực chất và hiệu quả.