Chấn chỉnh kiểm tra chuyên ngành

Phan Nam 01/03/2018 05:49

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vào ngày 28/2 tổ công tác của Thủ tướng sẽ bắt đầu tiến hành kiểm tra 16 bộ, cơ quan liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK và cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Cùng với nỗ lực rà soát loại bỏ những quy định chồng chéo trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành, về lâu dài, yêu cầu xây dựng một Luật sửa đổi nhiều Luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành theo nguyên tắc quản lý rủi ro, kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) có trọng tâm, trọng điểm.

p/Các bộ hiện vẫn còn lúng túng trong phân biệt điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề và quản lý chuyên ngành. Hải quan TP.HCM kiểm tra hàng nhập khẩu. Ảnh: Thu Hòa.

Các bộ hiện vẫn còn lúng túng trong phân biệt điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề và quản lý chuyên ngành. Hải quan TP.HCM kiểm tra hàng nhập khẩu. Ảnh: Thu Hòa.

Chưa như kỳ vọng

Có thể bạn quan tâm

  • Tháo

    Tháo "nút thắt" kiểm tra chuyên ngành

    02:13, 27/01/2018

  • Kiểm tra chuyên ngành ám ảnh doanh nghiệp

    06:31, 10/01/2018

  • Bộ GTVT chưa đáp ứng kiểm tra chuyên ngành

    16:25, 25/12/2017

  • Kiểm tra chuyên ngành: Cần thống nhất 1 mặt hàng chỉ giao một đầu mối

    17:02, 21/10/2017

Theo Bộ KH&ĐT, chi phí kiểm tra chuyên ngành vẫn quá lớn, đặc biệt là phí kiểm tra hiệu suất năng lượng. Ví dụ, để hoàn tất thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với một model tủ lạnh khoảng 70 triệu đồng. Nếu một lô hàng nhập khẩu chỉ vài chiếc thì doanh nghiệp không có lãi, thậm chí lỗ.

Dù số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành mỗi năm rất lớn nhưng kết quả phát hiện vi phạm rất thấp, chưa đến 1% và chủ yếu liên quan đến vi phạm hành chính như chậm, muộn trong nộp hồ sơ, kết quả kiểm tra. Đây là sự bất hợp lý trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá XNK đã tồn tại từ rất lâu.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 của Bộ KH&ĐT cách đây không lâu, mới chỉ có hai bộ gồm Bộ Công thương và Bộ Xây dựng có dự thảo nghị định sửa đổi các quy định về điều kiện kinh doanh.

Kể từ khi thành lập đến nay, Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành kiểm tra được 40 cuộc với trọng tâm là các hoạt động cải cách thể chế, cải cách thủ tục, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Hai bộ gồm Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và truyền thông đã thực hiện rà soát, đề xuất cắt giảm, sửa đổi các điều kiện kinh doanh nhưng chưa nêu phương án sửa đổi. Còn Ngân hàng Nhà nước đã có đề nghị giữ nguyên các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng do ngành nghề đặc thù.

Như vậy, theo Bộ KH&ĐT, mới chỉ có 5 bộ ngành thực hiện rà soát và đưa ra phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh. Chưa có thông tin từ 10 bộ ngành khác về việc thực hiện nội dung này.

Mặt khác, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, dù đã có những nỗ lực cắt giảm, tuy nhiên các bộ hiện vẫn còn lúng túng trong phân biệt điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề và quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa. Trong số điều kiện kinh doanh đề xuất bãi bỏ, sửa đổi, có điều kiện sửa đổi chỉ đơn thuần diễn đạt lại từ ngữ, chưa thực chất tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Loại 50% hàng hóa khỏi danh mục phải kiểm tra

Để chuẩn bị cho việc kiểm tra 16 bộ, Tổ công tác đề nghị các Bộ cần rà soát, đề xuất cụ thể phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, như cắt giảm danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra.

Đồng thời đề xuất cụ thể cách thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành; cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp quản lý với danh mục hàng hóa phải kiểm tra hiện đang chồng chéo giữa các Bộ, cơ quan.

Đối với các Bộ, ngành quản lý các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, cần rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh còn chồng chéo, bất cập, không đồng bộ thuộc phạm vi quản lý, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, năng suất lao động của doanh nghiệp, cần xem xét cắt giảm hoặc bãi bỏ.

Các Bộ ngành sẽ rà soát, xây dựng phương án đơn giản, cắt giảm hoặc bãi bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý (nêu cụ thể tổng số điều kiện kinh doanh, trong số đó có bao nhiêu điều kiện kinh doanh bất cập, cần cắt giảm hoặc bãi bỏ…), theo hướng vừa bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, nhất là với những ngành nghề đặc thù.

Các Bộ, ngành cũng cần báo cáo cụ thể về các quy định trong các nghị định, luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung để thực thi các phương án cải cách. Thực hiện công bố, công khai kết quả rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, cơ quan để người dân và doanh nghiệp biết và giám sát, đánh giá theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu các Bộ, ngành thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ; thực hiện cắt giảm, giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%; rà soát, loại bỏ 50% số mặt hàng thuộc danh mục phải kiểm tra chuyên ngành thuộc Bộ, ngành mình quản lý.

TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Cơ chế nào bộ máy ấy

Đi cùng với cải cách thủ tục là phải cải cách bộ máy. Cơ chế thế nào bộ máy thế ấy, chứ không phải bộ máy thế nào cơ chế thế ấy. Chúng ta không sinh ra bộ máy rồi mới soạn ra cơ chế để bộ máy đó có đủ việc làm.
Bên cạnh đó, việc các bộ sẽ “ngồi lại” cùng nhau để tìm tiếng nói chung, tránh sự chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành với doanh nghiệp là rất khó khăn, nhưng cũng đã tới lúc phải nói thẳng, thật với nhau rằng tồn tại chồng chéo không gỡ được bất cập. Việc này cần giao trách nhiệm cho một bộ chủ trì, đưa ra quy trình cụ thể, phải có điều kiện ràng buộc, chế tài rõ ràng giữa ông chịu trách nhiệm chính với ông phối hợp, chứ nếu không doanh nghiệp vẫn “ăn đòn” như thường.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Ban môi trường kinh doanh, Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung Ương:
Chỉ cần thay đổi nhỏ đã có hiệu quả lớn

Ở một số bộ, ngành, tuy sự thay đổi chưa phải là lớn nhưng hiệu quả mang lại lại khá tích cực. Ví dụ như ở Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thủ tục kiểm dịch thực vật đã giảm 2/3 giấy tờ hồ sơ, thời gian đã được rút ngắn đáng kể. Hay như Bộ Công thương, việc bãi bỏ kiểm tra hàm lượng formaldehyte đã giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng và hàng vạn ngày công; bãi bỏ xác nhận khai báo hóa chất giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng (55.000 tờ khai/năm).

N.Việt, H. Trang ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chấn chỉnh kiểm tra chuyên ngành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO