“Chúng tôi đã chán Thái Lan và Indonesia. Với ấn tượng về danh lam thắng cảnh, cơ sở vật chất và du lịch của Đà Nẵng, chắc chắn chúng tôi sẽ cân nhắc chuyển các sự kiện đến tổ chức tại đây”.
Đó là chia sẻ của ông Minnat Lalpuria – Giám đốc Sáng lập và Điều hành công ty Vachan, đơn vị chuyên tổ chức sự kiện đến từ Ấn Độ tại buổi giới thiệu du lịch Đà Nẵng tại thành phố Mumbai.
Nhiều doanh nghiệp tổ chức sự kiện đến từ Ấn Độ rất quan tâm tới lĩnh vực tổ chức sự kiện tại Đà Nẵng
Thời gian qua, Đà Nẵng đang trong tình trạng mất cân đối thị trường du lịch. Việc tìm kiếm những sản phẩm mới, khách hàng mới, thị trường mới đang là công việc tiên quyết đặt ra nếu không muốn du lịch Đà Nẵng giậm chân tại chỗ hay thậm chí là thụt lùi. Và Ấn Độ hay nói cụ thể hơn là các đối tác đến từ Mumbai với sản phẩm du lịch hội thảo, hội nghị chính là sự bổ xung thực sự cho nhu cầu thiết thực này.
Mới đây, Bangkok Airways, hãng bay nổi tiếng của Thái Lan đã kết nối thuận lợi đường bay Bangkok - Ấn Độ trong 4 tiếng 30 phút và chỉ thêm 2 tiếng bay để kết nối với Đà Nẵng. Thông qua sự kiện này, nhiều nhà đầu tư đến từ Ấn Độ đã đánh giá cao Đà Nẵng, đặc biệt thể hiện mong muốn mang các sự kiện từ các điểm đến khác như Phuket và Bali về Đà Nẵng. Đối với thị trường Ấn Độ, tỉ lệ tiềm năng khoảng 40% là khách nghỉ dưỡng, 40% là khách hội nghị, hội thảo MICE và 20% dành cho thị trường tiệc cưới. Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ chưa từng đến Đà Nẵng và buổi gới thiệu chính là cơ hội để họ hiểu hơn về điểm đến cũng như cơ sở vật chất và dịch vụ của Thành phố này.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khách Sạn Đà Nẵng nhận định thêm: “Xét về cơ cấu khách du lịch của Đà Nẵng nói riêng và Du Lịch Việt Nam nói chung, chúng ta lệ thuộc quá nhiều vào 1 – 2 thị trường, thị trường mới Ấn Độ sẽ là cứu cánh cho việc tăng trưởng quá nóng của các khách sạn tại Đà Nẵng. Với lượng khách hàng tiềm năng và đến với số lượng đông từ thị trường Ấn Độ, tôi tin rằng chúng ta sẽ giải quyết được sự lo lắng hiện tại của ngành du lịch Đà Nẵng”.
Nói về sự chuẩn bị của mình, ông Công Nghĩa Nam – Giám đốc Kinh doanh của quần thể du lịch Ariyana Đà Nẵng, bao gồm Furama Resort, Furama Villas, Khu nghỉ dưỡng cao tầng Ariyana Beach Resort & Suites Đà Nẵng (1450 phòng sắp mở cửa vào 2020) chia sẻ: “Chúng tôi coi Ấn Độ là một thị trường rất tiềm năng và có bước chuẩn bị từ ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017 cùng với sự ra đời của Cung Hội nghị Quốc tế Ariyana Đà Nẵng. Chúng tôi đã thành lập văn phòng đại diện tại Ấn Độ, tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa ẩm thực Ấn Độ tại Việt Nam, giao lưu văn hóa ẩm thực Việt Nam tại Ấn Độ, cũng như tuyển dụng đầu bếp Ấn Độ để đảm bảo phục vụ đúng văn hóa ẩm thực Ấn. Chúng tôi nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các đơn vị tổ chức đám cưới và các công ty tổ chức sự kiện hội nghị hội thảo, với tính chất của thị trường Ấn Độ là đi du lịch với số đông và số lượng khách mời từ 500 – 1.000 người, các doanh nghiệp tại Ấn Độ cũng rất quan tâm đến Đà Nẵng cho các sự kiện của mình như các công ty về y dược, công nghệ, tài chính ngân hàng, cũng là những doanh nghiệp thế mạnh tại Ấn Độ”.
Tổ chức Du lịch Thế giới UNWTO dự đoán sẽ có khoảng 50 triệu du khách Ấn Độ đi du lịch khắp thế giới và Việt Nam không thể bỏ qua thị trường này. Đà Nẵng cũng đang kết nối mạnh mẽ với thị trường này qua hàng loạt sự kiện tiêu biểu như chào đón Tổng thống Ấn Độ và Phu nhân trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam và thăm chính thức địa điểm đầu tiên là thành phố Đà Nẵng, với nghi lễ tiếp đón và tiệc chiêu đãi tại Cung Hội Nghị Quốc Tế Furama Resort Đà Nẵng. Các sự kiện giao lưu văn hóa ấm thực giữa 2 nước cũng như tích cực chào đón các đoàn FAM-Trip đến tìm hiểu về Thành phố. Thời gian tới các đường bay thẳng giữa Đà Nẵng và Ấn Độ sẽ được xúc tiến để có thể khai thác sớm trong tương lai gần. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ phát triển và hoàn thiện cơ sở vật chất, phục vụ cho thị trường Ấn Độ, việc quảng bá Đà Nẵng đến thị trường đông dân thứ nhì thế giới với 1,31 tỷ dân sẽ là giải pháp giúp thành phố thu hút du khách Ấn Độ đến thăm quan Đà Nẵng.