TS Nguyễn Ngọc Hà – Giảng viên khoa Luật, ĐH Ngoại Thương khẳng định: Việc Bộ Công Thương áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế tự vệ đối với thép cuộn, thép dây nhập khẩu là hành động kịp thời.
Được biết, đây là lần đầu tiên, biện pháp chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (PVTM) được áp dụng tại Việt Nam.
- Theo ông, việc chống lẩn tránh thuế tự vệ đối với thép cuộn, thép dây nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tạo nên những tác động như thế nào tới xuất nhập khẩu của ngành này?
Đây là hành động kịp thời của Việt Nam sau khi phát hiện hành vi lẩn tránh thuế tự vệ được áp dụng cho các sản phẩm phôi thép và thép dài (ở dạng thanh, que, cuộn…) từ tháng 07/2016 theo Quyết định số 2968/QĐ-BCT ngày 18/07/2016 của Bộ Công Thương.
Tác động tích cực của thuế tự vệ áp lên sản phẩm phôi thép và thép dài là đã làm giảm đáng kể lượng thép bị áp thuế tự vệ nhập khẩu vào thị trường Việt Nam: từ 1,15 triệu tấn năm 2015 xuống còn khoảng 700 nghìn tấn vào năm 2018. Sự sụt giảm này góp phần thiết lập các điều kiện cạnh tranh bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, từ đó, có thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Từ hiệu quả của thuế tự vệ áp lên sản phẩm phôi thép và thép dài đó, lợi ích trông đợi của việc áp thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại lần này cũng sẽ là làm giảm đáng kể lượng nhập khẩu sản phẩm thép thuộc diện bị áp thuế.
Cũng cần lưu ý là Quyết định số 1230/QĐ-BCT có loại trừ một số sản phẩm thép khỏi danh mục bị áp thuế chống lẩn tránh biện pháp PVTM. Lý do của việc loại trừ này được cơ quan điều tra giải thích chủ yếu xuất phát từ việc các doanh nghiệp trong nước chưa thể sản xuất được một số sản phẩm thép (như các loại thép kết cấu chất lượng cao, thép cán kéo phục vụ công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô, xe máy…). Việc loại trừ là cần thiết để tránh những tác động không cần thiết lên các lĩnh vực sản xuất có sử dụng các sản phẩm thép này. Do đó, các hoạt động nhập khẩu các loại thép bị loại trừ sẽ không bị ảnh hưởng và vẫn diễn ra bình thường.
Có thể bạn quan tâm
04:50, 14/04/2019
12:00, 26/01/2019
06:00, 02/01/2019
- Trong khi hàng hóa Việt Nam xuất khẩu trở thành đối tượng của hàng trăm vụ kiện PVTM ở thị trường nước ngoài thì số vụ kiện tự vệ và kiện chống bán phá giá do Việt Nam thực hiện mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy theo ông, điều gì cản trở doanh nghiệp Việt trong việc sử dụng các công cụ phòng vệ?
Thời gian vừa qua, bên cạnh việc giúp các doanh nghiệp trong nước đối phó với các vụ kiện về PVTM ở nước ngoài, Việt Nam cũng đã hoàn thiện khung chính sách và pháp luật về việc áp dụng các biện pháp phòng vệ đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và các văn bản hướng dẫn có liên quan đã tạo nên cơ sở pháp lý vững chắc và khá đầy đủ về các biện pháp PVTM, trong đó có điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM để các doanh nghiệp trong nước có thể sử dụng khi cần thiết.
Tuy nhiên, có thể thấy việc sử dụng các biện pháp PVTM ở Việt Nam hiện nay chưa nhiều và chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp ngành thép. Nhiều lý do có thể được đưa ra để lý giải cho tình trạng chưa thực sự mặn mà trong việc sử dụng các biện pháp PVTM của các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác, như: sự hiểu biết các quy định pháp luật về PVTM còn chưa cao; phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chưa có sự đầu tư tìm hiểu các quy định và thực tiễn về PVTM, cũng như chưa có khả năng dành một khoản chi phí nhất định cho việc này; nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được vai trò chính của mình trong các cuộc điều tra PVTM… Đây là những điều mà Việt Nam cần xem xét để có những kế hoạch cải thiện tình hình trong thời gian tới.
- Làm thế nào để biện pháp PVTM này thực sự giúp ngành sản xuất non trẻ trong nước phát triển chứ không phải ỷ lại và làm giảm tính cạnh tranh?
Một trong những tác động tích cực của việc áp dụng biện pháp tự vệ là tạo ra một khoảng thời gian cần thiết giúp các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất còn non trẻ, tiến hành các hoạt động tái cấu trúc hệ thống nhằm tăng tính cạnh tranh của hàng hóa không chỉ trên thị trường nội địa mà còn ở thị trường quốc tế. Nhờ vào khoản lợi nhuận có được từ việc hàng hóa nhập khẩu bị hạn chế nhập khẩu do biện pháp tự vệ, các doanh nghiệp có thể tái đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm…
Nói cách khác, mục đích chính của biện pháp tự vệ, như lời nói đầu của Hiệp định về Tự vệ của WTO đã khẳng định, không phải là để bảo hộ ngành sản xuất trong nước, mà là để giúp các ngành sản xuất trong nước có những điều chỉnh phù hợp để có thể tồn tại trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.
- Xin cảm ơn ông!