Chàng trai xây dựng được đế chế 1 tỷ USD nhờ bán những sản phẩm 'không rẻ cũng chẳng đắt'

Theo Trí Thức Trẻ 22/05/2018 06:36

Steven Yang đã mở công ty được định giá ở mức 1,1 tỷ USD. Yang, 36 tuổi và vợ nắm 54% cổ phần theo số liệu của Bloomberg.


Sau khi Steven Yang từ bỏ công việc trong mơ tại Google, anh đã về hỏi mẹ rằng liệu bà có muốn góp số tiền tiết kiệm vào ý tưởng kinh doanh mới của mình không.

Nếu doanh nghiệp điện tử tiêu dùng trực tuyến chỉ như một lần thử trò may rủi thì mẹ Yang nói rằng hãy đi mà tìm tới các nhà đầu tư mạo hiểm. Nhưng, nếu Yang cho rằng việc tạo dựng một doanh nghiệp thành điều gì đó vĩ đại là định mệnh cuộc đời thì anh có thể sử dụng toàn bộ số tiền mà bà tiết kiệm được.

Vậy là, Yang đã kết hợp tiền tiết kiệm khi làm ở Google với tiền của mẹ cho và với chưa đầy 1 triệu USD trong tay, anh rời California tới Thâm Quyến - trung tâm công nghệ ở phía nam Trung Quốc khởi nghiệp. 7 năm sau, Anker Innovations Technology hiện là công ty bán lẻ với nhiều sản phẩm từ sạc điện thoại tới cổng kết nối trên Amazon. Thậm chí, Anker còn lớn hơn rất nhiều sau khi đạt được thỏa thuận gần đây đưa sản phẩm vào 4.000 siêu thị Walmart và 900 cửa hàng Best Buy tại Mỹ.

Hiện Anker được định giá ở mức 1,1 tỷ USD. Yang, 36 tuổi và vợ nắm 54% cổ phần theo số liệu của Bloomberg.

Anker cung cấp lựa chọn sạc điện thoại thay thế những sản phẩm của các công ty như Samsung Electronics và Apple; kết hợp với công nghệ tiên phong PowerIQ - giúp bảo vệ lượng điện năng tối đa của mỗi chiếc điện thoại để tối thiểu hóa thời gian sạc. Yang cũng mở rộng ra những thiết bị khác liên quan tới smartphone gồm cáp, tai nghe và thiết bị sạc không dây. Và anh cũng đang làm cả những sản phẩm gia dụng như máy hút bụi dưới thương hiệu Eufy.

Khi nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi chuẩn bị IPO, Yang nhận ra cũng đã đến thời điểm thích hợp cho anh. Anh đang nghiên cứu khả năng IPO tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hong Kong hoặc Mỹ.

Nếu quyết định tiến lên, Yang có vẻ hơi vội vàng. Đầu tháng 5, 2/3 trong số 21 thương vụ IPO công nghệ tại Trung Quốc trong năm qua chứng kiến giá cổ phiếu giao dịch thấp hơn mức giá khi mới lên sàn. Xiaomi ban đầu nhắm tới mục tiêu giá trị 100 tỷ USD khi IPO nhưng hiện tại họ đã hạ thấp mục tiêu xuống còn 60 - 70 tỷ USD.

Yang đã thực hiện nhiều vòng gọi vốn trong những năm vừa qua và tâm lý các nhà đầu tư bắt đầu bất ổn. Jumei International Holdings - một công ty thương mại điện tử về các sản phẩm làm đẹp của Trung Quốc đã mua 60% cổ phần của chi nhánh thuê sạc của Anker vào năm ngoái với giá 300 triệu NDT (tương đương 47 triệu USD).

Doanh thu của Anker đã tăng 56% trong năm 2017 lên mức 3,9 tỷ NDT và lợi nhuận tăng 9,9% lên mức 356 triệu NDT theo báo cáo hàng năm. Họ đã có văn phòng tại Seattle, Dubai, Tokyo, Thâm Quyến và Hồ Nam. Có tới một nửa doanh thu Anker đến từ Mỹ nhưng doanh số tại thị trường Trung Quốc đã tăng gấp đôi vào năm ngoái.

Giống như nhiều công ty công nghệ Trung Quốc, Anker cũng theo đuổi mục tiêu của chủ tịch Tập Cận Bình là giúp đất nước trở thành đơn vị đi đầu về trí thông minh nhân tạo và vì vậy họ có một phòng nghiên cứu về công nghệ nhận diện khuôn mặt cho mục đích bảo mật.

Sự mở rộng nhanh chóng của Anker là nhờ họ sớm nhận ra cơ hội to lớn trong phân khúc còn trống. Trong mảng kinh doanh điện thoại thông minh, anh nhắm tới việc bán sản phẩm tầm giữa phân khúc đắt đỏ của Apple và những thứ chất lượng thấp hẳn.

Anker đã giành được thị phần ở khoảng giữa phân khúc 5 sao và 3 sao. Yang bán ra một thiết bị không quá đắt đỏ nhưng vẫn có chất lượng đủ tốt để lấy được niềm tin của người tiêu dùng.

Dẫu vậy, điều đó không có nghĩa là thương hiệu của Yang tránh được tình huống cạnh tranh khốc liệt trong mảng bán lẻ trực tuyến.

"Bán hàng thông qua Amazon chắc chắn vẫn là một chiến lược có thể tồn tại được với những doanh nghiệp nhỏ hơn", theo Benjamin Cavenger - chuyên gia phân tích tại China Market Research. "Tuy nhiên, Amazon đang tăng cường bán những thương hiệu của chính mình thông qua trang thương mại điện tử của họ điều đó có nghĩa là những công ty nhỏ hơn cần phải rất khắt khe trong việc cung cấp những sản phẩm và dịch vụ tốt với mức giá hợp lý".

Một trong những lợi thế lớn nhất của Anker là họ có chuỗi cung ứng tại Thâm Quyến. Nếu như cách đây 4 thập kỷ, thành phố này chỉ là một làng chài thì sau đó đã thành khu công nghiệp đặc biệt đầu tiên của cả nước khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa.

Hiện thành phố này đã bùng nổ trở thành trung tâm sản xuất điện tử của thế giới với phần lớn sản phẩm tiêu dùng được sản xuất tại đây. Thâm Quyến vẫn đang phát triển khi các doanh nhân như Yang theo sau những tên tuổi lớn như Tencent Holidngs và Huawei Technologies mở cửa hiệu tại đây.

Nhờ quá trình làm việc tại Google, Yang thu hút được nhiều tài năng về làm cho Anker trong đó có cả cựu giám đốc bán hàng Trung Quốc và 2 chuyên viên phát triển sản phẩm của Google.

Yang lớn lên tại Hồ Nam và theo học chuyên ngành khoa học máy tính tại Peking University và sau đó tham gia Đại học Texas tại Austin.

Anh đã có được kỹ năng lập trình nhờ 5 năm làm việc tại Google. 2 năm trước khi rời công ty, anh đã xây dựng một hệ thống bán hàng cho vợ mình - để bán trang sức và những sản phẩm khác trên Amazon như một công việc kinh doanh làm thêm. Hệ thống này xử lý về kho, vận chuyển, hàng hóa, sản phẩm và theo dõi doanh thu với 300 đơn hàng mỗi ngày.

Tuy nhiên anh phải học về phần cứng từ đầu khi thành lập nên Anker.

Chia sẻ về bài học kinh doanh, Yang nói rằng anh học được một điều quan trọng là luôn nhìn về phía trước của mẹ.

Bà nói: "Nếu con nghĩ doanh nghiệp của mình sẽ trở thành một thứ gì đó to tát, hãy dùng tiền của mẹ". Hiện Anker đang phát triển nhưng Yang sẽ phải tìm ra cách sinh tồn thích đáng trong thị trường cạnh tranh khốc liệt toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chàng trai xây dựng được đế chế 1 tỷ USD nhờ bán những sản phẩm 'không rẻ cũng chẳng đắt'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO