Từ bao đời nay, với ngư dân họ luôn chung thủy với biển cả, xem đó là quê hương và tàu thuyền như ngôi nhà sinh kế của mình.
Vậy nhưng, trong những năm gần đây, nghề biển của bà con ngư dân miền Trung lại gặp không ít sóng gió, tai ương khi tàu thuyền ra khơi trở về trong thua lỗ, nợ nần chồng chất….
Hẩm hiu nghề biển
Từ bao đời nay, ngư dân được xem là “cột mốc sống” chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Kể cả trong chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc, ngư dân vốn dĩ vẫn “chắc tay súng, vững tay chèo” trên từng vùng trời, vùng biển của đất nước. Để duy trì nghề đi biển, đất liền luôn là hậu phương vững chắc để tàu vươn khơi. Vậy nhưng, những năm trở lại đây, chưa bao giờ nghề đi biển lại “bạc bẽo” với ngư dân miền Trung như vậy.
Có thể bạn quan tâm
15:12, 23/10/2019
05:30, 11/04/2019
11:05, 20/09/2018
00:00, 23/02/2015
“Đánh bắt gần bờ thì do ô nhiễm và nạn khai thác xung điện hủy diệt khiến hải sản khan hiếm. Đánh bắt xa bờ thì phải đầu tư tàu to, máy lớn tiêu tốn hàng tỷ đồng. Mà nghề đi biển của ngư dân chúng tôi đâu có phải định lượng được trước thắng – thua mà lo trả nợ. Nhiều chuyến đi biển tất tả nắng mưa nhưng có khi trở về chẳng được là bao nhiêu cả” – ngư dân Phạm Văn Trung ở xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh nói với chúng tôi như vậy.
Cũng theo ngư dân Phạm Văn Trung, mặc dù năm nay chưa đầy 30 tuổi nhưng đã theo cha đi biển từ hơn 10 năm trước. Với ngư dân dọc dài bờ biển miền Trung, sống bám biển, bám ngư cụ để duy trì kế sinh nhai từ bao đời nay. Anh Trung cho biết, nguồn hải sản gần bờ mấy năm nay cạn kiệt nên thuyền của anh đánh trong lộng (gần bờ) may mắn lắm cũng chỉ được 200-300 ngàn/ngày/đêm đi câu mực. Có chuyến, anh Trung trở về “0” đồng nhưng vẫn phải chấp nhận.
Còn ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, hàng trăm tàu cá phải chịu cảnh nằm bờ không dám ra khơi trong nhiều tháng nay khiến ai cũng xót xa. Cả khu neo đậu Lạch Vạn của hàng trăm tàu thuyền các xã Diễn Ngọc, Diễn Bích…”án binh bất động” không dám ra khơi vì thua lỗ, nợ nần.
Những con tàu hàng trăm CV với số tiền đầu tư hàng tỷ đồng phải neo đậu 1 chỗ vì sản lượng đánh bắt xa bờ không đạt hiệu quả. Đi chuyến nào lỗ chuyến đó khiến ngư dân ở đây ngán ngẩm phải rao bán tàu.
Theo đại diện lãnh đạo UBND xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu cho biết, hiện nay toàn xã có 237 tàu cá xa bờ đánh bằng lưới quét, với hơn 3.000 lao động, nuôi sống 70% cư dân trong xã. Vậy nhưng, trong 2 năm qua, nghề đi biển thua lỗ đã khiến không ít gia đình ở đây rơi vào cảnh nợ nần, túng thiếu. Đại diện UBND xã Diễn Bích nói rằng, sản lượng đánh bắt thủy hải sản của địa phương 2 năm nay giảm mạnh. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2019, toàn xã mới chỉ đạt 50% so với mục tiêu đặt ra.
Còn theo đại diện chính quyền, do thay đổi phương thức đánh bắt theo quy định mới, chi phí xăng dầu tăng… nên ngư dân buộc phải đầu tư nhiều. Thế nhưng, số tiền ngư dân thu lại không thể bù lỗ chi phí bỏ ra nên nợ nần chồng chất khiến nhiều tàu thuyền không dám bám biển dài ngày…
“Mắc cạn” từ trên bờ
Để từng bước giúp ngư dân vươn khơi, bám biển, từ nhiều năm qua, các Bộ, ngành TW và địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích để phát triển nghề này. Từ Nghị định 67/2014 của Chính phủ cho đến Luật Thủy sản 2017, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2019… đã phần nào tạo “đòn bẩy” để nghề đi biển của ngư dân thêm thu nhập, yên tâm bám biển.
Thế nhưng, khi triển khai Luật Thủy sản, Nghị định, Thông tư hướng dẫn thì những chủ trương, chính sách này lại bộc lộ nhiều “rào cản” khiến nghề đi biển gặp phải cảnh “mắc cạn” ngay từ trên bờ.
Chỉ nói riêng về Luật Thủy sản 2017, quy định thì tàu có chiều dài từ 15m trở lên phải hoạt động tại vùng khơi, không được hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng. Nghĩa là với chiều dài con tàu như vậy thì ngư dân không được phép tham gia đánh bắt vùng gần bờ được giới hạn bởi mức nước thủy triều thấp nhất và tuyến bờ đối với các đảo vùng biển ven bờ tối đa không quá 6 hải lý.
Mặt khác, tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m phải hoạt động tại vùng lộng, không được hoạt động tại vùng khơi và vùng ven bờ; tàu có chiều dài dưới 12m phải hoạt động tại vùng ven bờ, không được hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi.
Với những quy định như vậy từ khi áp dụng đến nay đã khiến ngư dân gặp không ít khó khăn, loay hoay tìm cách ứng phó cho phù hợp với Luật Thủy sản.
Bởi với những tàu 15m phải hoạt động tại vùng khơi, xa bờ nhưng khi máy tàu chỉ có công suất 40CV-50CV thì điều này là không thể nếu chẳng may gặp sóng to, gió lớn. Vì vậy, để đủ điều kiện hoạt động tại vùng khơi như quy định thì tàu 15m của ngư dân bắt buộc phải hoán cải, nâng cấp máy công suất trên 90CV mới có thể tham gia đánh bắt được. Trong khi đó, việc đầu tư để hoán cải tàu đạt công suất hàng trăm CV đối với ngư dân không phải là chuyện đơn giản vì số tiền bỏ ra phải hàng tỷ đồng.
Chính vì vậy, câu chuyện “mắc cạn” ngay từ trong chủ trương, chính sách lâu nay đang là vấn đề chưa được tháo gỡ kịp thời khiến việc vươn khơi, bám biển của ngư dân nhiều địa phương lao đao, loay hoay tìm lối thoát.
Kỳ III: “Điểm tựa” để ngư dân bám biển