Chỉ báo tích cực 2022

Diendandoanhnghiep.vn Có thể nói các cơ chế chính sách đã và đang đóng vai trò xúc tác quan trọng cho sự phục hồi và phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam trong năm nay và những năm tiếp theo.

>> Cơ hội cho tăng trưởng kinh tế 2022 từ gói hỗ trợ mới

Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, 2 Nghị quyết Chính phủ ban hành đầu năm, mở ra nhiều triển vọng và động lực phục hồi cho nền kinh tế.

Những ngày đầu năm, Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ phát triển KTXH và dự toán ngân sách 2022 đề ra nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lớn để khôi phục kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng trước dịch trong năm 2022. Bên cạnh đó, Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng góp phần thúc đẩy tiến trình thay đổi cấu trúc nền kinh tế, sức cạnh tranh cho các ngành, lĩnh vực, khơi thông tiềm năng, phát huy các lợi thế so sánh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho toàn bộ nền kinh tế. 

Nền tảng của 2022

- Phục hồi từ đà tăng trưởng thấp của 2021, đâu là những thuận lợi đáng kể của kinh tế năm 2022, thưa ông?

Trước hết, chúng ta có thể nhìn nhận những thuận lợi từ phía bên ngoài. Bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có sự phục hồi so với năm 2021, mặc dù sự phục hồi chậm hơn so với dự báo trước đó, nhưng triển vọng vẫn tích cực, ngay cả khi xuất hiện biến chủng mới Omicron. Lý do là nhiều nước như Mỹ và EU lo ngại lạm phát nên rút lại các gói kích thích kinh tế và thắt chặt tiền tệ sớm khiến cho triển vọng phục hồi chậm hơn so với dự báo trước. Việt Nam có độ mở kinh tế lớn nên đương nhiên sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ vào sự phục hồi của kinh tế thế giới.

Điều này tạo thuận lợi, mở ra nhiều cơ hội cho kinh tế Việt Nam, nhất là đối với khu vực ngoại thương đăt trong bối cảnh nhiều hiệp định FTA đang được thúc đẩy như EVFTA, RCEP… Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt con số kỷ lục 668,5 tỷ USD nhưng trong năm 2022 dự báo sẽ còn xác lập nên những con số kỷ lục mới. Kinh tế thế giới tích cực hơn cũng tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư nước ngoài, việc mở cửa đi lại, thông thương của các chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế cũng mang đến nhiều cơ hội hợp tác đầu tư cho Việt Nam.

Ở trong nước, dịch bệnh đang được kiểm soát tốt trong thời gian qua, tỷ lệ tiêm vaccine rất cao, Chính phủ cũng đang đẩy nhanh tiêm mũi tăng cường cho các đối tượng, tỷ lệ tử vong thấp. Kiểm soát dịch bệnh cũng được xem là như một “gói hỗ trợ” lớn cho nền kinh tế, và khi mở cửa lại được 1 quý, Việt Nam đã lấy lại phục hồi rất rõ nét. Các chỉ số niềm tin người tiêu dùng, sản xuất, cảm nhận doanh nghiệp đều cho thấy phục hồi triển vọng rõ nét hơn nữa trong 2022. Việt Nam vẫn duy trì các cân đối kinh tế như thâm hụt ngân sách, nợ công trong giới hạn cho phép, cán cân vãng lai tiếp tục thặng dư… Điều này tạo cơ hội thực hiện chính sách “ngược chu kỳ” – thúc đẩy mở rộng tài khóa, mở rộng tiền tệ trong bối cảnh còn khó khăn.

>> Tín hiệu sáng kinh tế 2022

Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanhp/tạo đà phục hồi kinh tế. (Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Nidec Việt Nam, Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Gia Mỹ)

Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh tạo đà phục hồi kinh tế. (Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Nidec Việt Nam, Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Gia Mỹ).

Hệ quả thuận lợi khác là chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất hiện đã được nối lại, như vết thương lành rất nhanh, doanh nghiệp mở cửa, thành lập mới, đăng ký tăng vốn, nhiều đơn hàng mới được ký kết, hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng khu vực sản xuất. Chỉ số PMI trên 50 điểm liên tiếp trong 3 tháng qua và khảo sát của Tổng cục Thống kê ghi nhận tỷ lệ cao các doanh nghiệp đánh giá triển vọng tăng trưởng tốt trong 2022…

- Ông nhận định gì về vai trò của các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế?

Có thể nói các cơ chế chính sách đã và đang đóng vai trò xúc tác quan trọng cho sự phục hồi và phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam trong năm nay và những năm tiếp theo.

Có thể ví Nghị quyết 01 và 02 như 2 bàn tay phải và trái thúc đẩy lẫn nhau. Ngoài ra cũng phải kể đến việc Quốc hội mới đây vừa thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH. Điều này giúp mở ra nhiều không gian hơn, nhiều cơ chế, chính sách và nguồn lực hơn để Chính phủ có thể thực hiện hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Cũng phải nói thêm về các cơ chế, chính sách đặc thù dành cho một số địa phương đang được thúc đẩy. Mặc dù có thể còn nhiều điều trao đổi thêm, song đây là tín hiệu tốt cho thấy Quốc hội, Chính phủ đang nhìn nhận sự cần thiết cần phải cởi trói các nút thắt thể chế nhằm phát huy tính năng động, chủ động, sáng tạo, trách nhiệm giải trình của các địa phương.

Phát huy hơn nữa cơ chế điều hành vùng để phát triển hơn nữa thế mạnh của các vùng kinh tế. (Ảnh: Diễn đàn Đầu tư phát triển Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc do VCCI, Ban Kinh tế TƯ phối hợp với các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc tổ chức)

Phát huy hơn nữa cơ chế điều hành vùng để phát triển hơn nữa thế mạnh của các vùng kinh tế. (Ảnh: Diễn đàn Đầu tư phát triển Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc do VCCI, Ban Kinh tế TƯ phối hợp với các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc tổ chức)

- Ngược lại, “vùng xám” cần lưu ý của 2022 là gì, thưa ông?

Thực sự khó khăn còn hiện diện và nhiều thách thức mới chưa lường trước được. Ví dụ như Omicron và các biến thể khác vẫn là 1 ẩn số cho các nền kinh tế khi mở cửa.

Trên phương diện quốc tế, các nước chịu sức ép lạm phát và nợ công rất lớn. Điều đó khiến các nước rút lại các gói kích thích kinh tế và thắt chặt tiền tệ, khiến khả năng phục hồi kinh tế các nước chậm hơn dự báo trước đó. Một khi chính sách tiền tệ được thắt chặt, chẳng hạn như khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thu hẹp cung tiền hoặc giảm mua vào các tài sản tài chính, lãi suất đồng USD sẽ tăng, tạo sức ép tăng lãi suất trong nước. Nếu lãi suất trong nước tăng sẽ gây khó khăn hơn cho sự phục hồi của nền kinh tế, nhất là khi quy mô dư nợ tín dụng trên GDP hiện đạt mức cao lên đến hơn 140% hiện nay, doanh nghiệp đi vay chịu chi phí vốn cao hơn, dòng vốn vào cũng chững lại hoặc thậm chí rút ra do tính hấp dẫn khi nắm giữ các tài sản bằng đồng đô la.

Ở trong nước, nhiều địa phương vẫn đang phải đối phó với dịch bệnh, việc mở cửa chưa nhất quán khiến phục hồi không đồng đều. Tình trạng nguồn cung lao động bị gián đoạn trong thời gian qua cần thời gian để nối lại trong khi nền kinh tế Việt Nam nói chung vẫn phải tăng trưởng dựa vào nhập lượng lao động.

Ngoài ra, thu nhập người dân bị bào mòn rất sâu trong năm 2021 nên có tâm lý phòng vệ. Người dân sẽ có xu hướng tự 'bảo hiểm tương lai' cho mình bằng việc tiếp tục gia tăng tiết kiệm thay vì vung tay tiêu dùng. Điều này khiến cho việc phục hồi sức mua của nền kinh tế trở nên dè dặt hơn.

Bên cạnh nhóm doanh nghiệp giải thể, phá sản, các doanh nghiệp trở lại thị trường hay mới thành lập vẫn cần thời gian để ổn định hoạt động; quá trình này nhanh thì vài tháng, muộn thì phải đến năm sau hoặc phải mất vài năm. Cùng với đó, không gian và dư địa các chính sách không còn nhiều. Một số địa phương vẫn còn tâm lý thận trọng quá mức trước dịch bệnh, không đặt mục tiêu kinh tế song hành cùng mục tiêu an toàn trước dịch. Cuối cùng là sức ỳ của hệ thống hành chính quan liêu vẫn còn lớn, tâm lý sợ trách nhiệm còn tồn tại ở nhiều cấp, nhiều ngành. 

Phúc lợi người dân, hạnh phúc xã hội được đặt lên hàng đầu 

- Từ các Nghị quyết của Chính phủ, theo ông, đâu là những điểm cần ưu tiên để thực hiện đạt các mục tiêu?

Nhiệm vụ và giải pháp đã được Chính phủ đề ra bao trùm và toàn diện nhiều vấn đề. Đầu tiên là các bộ ngành và địa phương cần triển khai nhanh, sớm ban hành chương trình, kế hoạch hành động thuộc chức trách của mình. Ở đây tôi xin nhấn mạnh là chúng ta rất cần phát huy vai trò trách nhiệm của thủ lĩnh ngành và lãnh đạo địa phương. Để phát huy được điều này thì việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm theo tinh thần Kết luận số 14 của Bộ Chính trị sẽ là nền tảng thúc đẩy cho các thủ lĩnh bộ ngành, địa phương xông xáo, cống hiến.

Ngoài ra cũng cần phải làm rõ nét hơn nữa vai trò đầu tàu của các vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương động lực. Chúng ta hiện có 4 vùng kinh tế trọng điểm, trong đó chỉ riêng đầu tàu TP HCM đã chiếm 23% GDP cả nước, nếu tính cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là 45%. Đây là vùng tâm điểm dịch bệnh 2021 vừa qua. Do đó, nếu Vùng này phục hồi tốt thì tăng trưởng kinh tế cả nước có thể đạt được 7% trong năm nay hoặc thậm chí cao hơn thế.

Đến lúc rất cần được tăng cường phân cấp, phân quyền nhiều hơn trên tinh thần cho phép các địa phương được “tự may áo” cho mình theo các khuôn khổ mang tính quy tắc chung của Trung ương.

Nhìn ở câu chuyện 2022, có thể thấy, Chính phủ không hy sinh an sinh xã hội để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần, phúc lợi đời sống, hạnh phúc xã hội vẫn được đặt lên hàng đầu. Chúng ta kỳ vọng vào kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Chính phủ.

 

Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”

Nghị quyết 01/NQ-CP chọn chủ đề "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển” cho thấy phương châm hành động kết tinh từ quá trình thay đổi về mặt tư duy.

Thứ nhất, chúng ta thấy Chính phủ lấy “đoàn kết là yếu tố tiên quyết, nội hàm kỷ cương là quan trọng”. Lưu ý đoàn kết kỷ cương là 1 cụm 4 từ không có phẩy ở giữa, nội hàm là đoàn kết trên cơ sở nguyên tắc pháp luật, kỷ cương quốc gia, không lợi ích nhóm, bè phái cục bộ là rất cần hoan nghênh. “Chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả” là sự kế thừa tinh thần Nghị quyết 128 trước đây, nay bổ sung thêm “phục hồi phát triển”.

Nghị quyết 01 có tới 47 trang, gồm 18 trang chính, 4 phụ lục, 15 chỉ tiêu tổng hợp, 75 chỉ tiêu cụ thể, 174 nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, lĩnh vực. Nghị quyết cũng thể hiện rõ 6 quan điểm trọng tâm và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trải trên trên khía cạnh khía cạnh từ phòng chống dịch bệnh, phát triển kinh tế, cải cách thể chế, phát triển văn hóa, phát huy vốn con người, tiềm lực KHCN, thúc đẩy liên kết vùng, phát triển đô thị, an ninh quốc phòng, đối ngoại, hợp tác quốc tế…

Nhìn ở khía cạnh kinh tế, Nghị quyết có nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy cả ở phía cung lẫn phía cầu của nền kinh tế. Các chỉ tiêu đề ra thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ, ưu tiên cho phòng chống dịch bệnh, nhưng vẫn đề cao mục tiêu tăng trưởng. Cụ thể như phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD, đặc biệt là chỉ tiêu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công; phát triển văn hóa hài hòa và ngang tầm với phát triển KTXH; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở...

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Chỉ báo tích cực 2022 tại chuyên mục Kinh tế của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713508035 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713508035 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10