Chi phí “bủa vây” hoạt động vận tải đường bộ liên vận quốc tế

Diendandoanhnghiep.vn Chi phí xăng dầu, cầu đường, bến bãi, thông quan rồi “bôi trơn” trên đường…đang trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp tham gia hoạt động vận tải đường bộ liên vận quốc tế hiện nay.

Bởi nhìn vào bức tranh tổng thể trong thời gian qua, khi đợt dịch COVID-19 bùng phát thì ngành logistics trong nước đang gặp rất nhiều rào cản khiến tần suất hoạt động một cách èo uột, và “đề kháng” rất yếu khi mọi khó khăn liên tục bủa vây.

Trong khi đó, chi phí phát sinh, và “tiêu cực phí” đang trở thành mối quan tâm lớn nhất đối với doanh nghiệp vận tải đường bộ trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trong thời gian qua.

Dịch COVID-19 bùng phát suốt 2 năm nay đang phát sinh nhiều chi phí đè nặng lên vai doanh nghiệp vận tải liên vận quốc tế Việt - Lào

Dịch COVID-19 bùng phát suốt 2 năm nay đang phát sinh nhiều chi phí đè nặng lên vai doanh nghiệp vận tải liên vận quốc tế Việt - Lào

Gánh nặng chi phí phát sinh do dịch COVID-19

Theo thống kê của nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hoá liên vận Việt – Lào từ cảng Cửa Lò (Nghệ An) hay cảng Vũng Áng thông quan qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), để đưa một chuyến hàng sang được Lào, họ phải mất từ 18-20 khoản chi phí chính thức và phi chi thức/phương tiện.

“Xăng dầu, bảo dưỡng, phí cầu đường bộ, thông quan, thù lao lái xe, test COVID-19,… tốn kém rất nhiều. Nếu chúng tôi không tính toán kỹ lưỡng thì càng tham gia vận tải, nguy cơ “bể trận” rồi rơi vào thua lỗ chỉ trong tích tắc. Nhiều đơn hàng phải lấy công làm lãi để duy trì kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Trong khi đó, lãi suất vay ngân hàng mà chúng tôi phải trả khi đến kỳ hạn rồi lương duy trì lái xe, quản lý…có bao giờ bỏ qua được đâu?”, đại diện một doanh nghiệp vận tải liên vận Việt – Lào trụ sở ở Nghệ An nói.

Theo như các doanh nghiệp hoạt động vận tải liên vận Việt – Lào phản ánh, từ khi dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay, riêng chi phí bố trí cho nhân sự lái xe đã tăng gấp 2-3 lần so với trước kia. Lý do, doanh nghiệp muốn lưu thông hàng hoá bắt buộc phải thực hiện quy định đổi tài ngay tại khu vực cửa khẩu. Nghĩa là, nếu như trước kia chỉ việc bố trí tài xế chạy liên thông từ Việt Nam sang Lào và ngược lại thì từ năm 2020 đến nay phải bố trí thêm đội lái, thêm người quản lý để chuyển giao.

Tăng người, chi phí bắt buộc phải tăng và những khoản tiền phát sinh mà doanh nghiệp vận tải liên vận phải chi đang trở thành gánh nặng chưa biết bao giờ mới giảm tải, bình thường trở lại được.

Chưa kể, tình trạng ban hành chính sách cục bộ trong quy định về phòng, chống dịch COVID-19 xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn cả nước trong thời gian qua cũng đã khiến nhiều doanh nghiệp logistics rơi vào cảnh “bế quan toả cảng”. Cùng với đó, chi phí về phòng, chống dịch COVID-19 cũng đang khiến “đề kháng” của doanh nghiệp tham gia loại hình dịch vụ này sụt giảm, thậm chí có nguy cơ phá sản.

Ngoài ra, tác động của đơn hàng bấp bênh do vận tải biển gián đoạn giữa các nước cũng khiến chuỗi dịch vụ logistics vận tải đường bộ thường xuyên rơi vào cảnh đứt gãy. Doanh thu bị sụt giảm, kịch bản tăng trưởng thuần đối với doanh nghiệp đang trở nên ảm đạm, đà “hồi sinh” sẽ mất rất nhiều thời gian và còn phải phụ thuộc vào nhiều chính sách “hà hơi” của cơ chế Nhà nước ban hành.

Chuỗi cung ứng nguy cơ bị đứt gãy

Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Thanh Hà – Phó Tổng giám đốc phụ trách thương mại quốc tế của Công ty CP VILACONI cho biết, cái khó khăn lớn nhất hiện nay mà doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp phải đó là tình trạng biên độ phí cước thuê tàu vận tải biển, container đóng hàng lên xuống thất thường và không theo quy luật ổn định như trước kia.

Cắt giảm chi phí, tạo mọi điều kiện về thông quan hàng hoá đang là nhu cầu cấp thiết để duy trì chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải trong bối cảnh hiện nay

Cắt giảm chi phí, tạo mọi điều kiện về thông quan hàng hoá đang là nhu cầu cấp thiết để duy trì chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải trong bối cảnh hiện nay

“Chưa bao giờ, doanh nghiệp xuất nhập khẩu lại bị phụ thuộc quá nhiều vào sự điều tiết của các loại chi phí gia tăng, biến động bất thường, khó lường, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát suốt 2 năm qua ở Việt Nam. Container đóng hàng khan hiếm, phí lưu kho tăng dẫn đến thời hạn giao hàng cho đối tác nước ngoài không thể chủ động như trước kia” – bà Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết.

Phó Tổng giám đốc Công ty CP VILACONIC cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, nhiều thủ tục liên quan đến kê khai thông quan hàng hoá điện tử cũng đã giảm thiểu thời gian rất nhiều cho doanh nghiệp. Vấn đề hậu kiểm, tham vấn thuế…cũng đã có khung pháp định sẵn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tính cạnh tranh, công khai minh bạch cũng được cải thiện rất nhiều khi thông quan, khai báo qua hệ thống điện tử.

Còn riêng về vấn đề “tiêu cực phí”, một số doanh nghiệp tham gia vận tải liên vận Việt - Lào nhận định, đây cũng là thực trạng đang được các doanh nghiệp dịch vụ vận tải logistics đặc biệt quan tâm nhưng so với các khoản chi phí khác thì nó cũng chỉ tác động một phần trong danh sách kinh phí mà mỗi chuyến hàng phải bỏ ra.

Tất nhiên, nếu giảm thiểu được các khoản “tiêu cực phí” do khách quan lẫn chủ quan mang lại trong bối cảnh dịch bệnh tác động nặng nề như hiện nay thì “đề kháng” cho doanh nghiệp tham gia loại hình dịch vụ vận tải liên vận quốc tế sẽ dễ thở hơn. Sớm giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp thông quan, cắt giảm thời gian kiểm tra, kiểm hoá…để doanh nghiệp giao hàng đúng thời hạn cũng đang được nhiều đơn vị vận tải liên vận quốc tế hiện nay quan tâm.

Ông Lê Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) cho biết, khi dịch COVID-19 bùng phát đã tác động không nhỏ tới hoạt động thông quan hàng hoá qua lại giữa 2 bên Việt Nam - Lào, trong đó có nhiều chi phí phát sinh mà doanh nghiệp đang gặp phải.

“Chúng tôi đã triển khai trai kế hoạch phân luồng, phân nhóm hàng hoá để ưu tiên cho doanh nghiệp, giảm thiểu tối đa thời gian thông quan một cách nhanh nhất. Quan điểm của Hải quan cửa khẩu cũng sẽ tạo điều kiện hết mức có thể để chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp thông quan hàng hoá trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay” – ông Lê Minh Đức cho biết thêm.

Được biết, khi dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, phía nước bạn Lào cũng tăng cường công tác kiểm soát rất chặt nên việc di chuyển của doanh nghiệp qua lại cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các doanh nghiệp tham gia vận tải liên vận Việt – Lào ở khu vực một số tỉnh miền Trung cũng mong muốn cơ quan chức năng tạo thêm điều kiện về cắt giảm chi phí, tăng cường hỗ trợ thủ tục pháp lý, giúp họ duy trì hoạt động chuỗi cung ứng logistics trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Chi phí “bủa vây” hoạt động vận tải đường bộ liên vận quốc tế tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713518895 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713518895 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10