Chi phí nhân công cao đang trở thành rủi ro đứng đầu khi thu hút đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam

Lê Mỹ 06/02/2018 11:34

Chiếm 60% trong số 5 rủi ro hàng đầu về môi trường đầu tư tại Việt Nam, chi phí nhân công tăng cao đang phá vỡ lợi thế lao động giá rẻ trong mắt các nhà đầu tư Nhật. Số liệu công bố theo khảo sát bởi JETRO tại TP Hồ Chí Minh về đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam năm 2017.

JETRO thực hiện khảo sát với doanh nghiệp Nhật Bản tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 5 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Đông Bắc Á, 9 quốc gia khu vực Asean, 4 quốc gia Tây Nam Á, 2 quốc gia Châu Đại Dương (là những nơi Nhật Bản đang đầu tư với tỷ lệ trên 10%). 

4.630 doanh nghiệp Nhật Bản đã phản hồi hợp lệ trong đó có 625 DN Nhật Bản đang làm ăn kinh doanh tại Việt Nam có phản hồi hợp lệ trong số 1.435 doanh nghiệp Nhật tại đây được khảo sát. Ông Takimoto nhấn mạnh theo số liệu thống kê có tới 2.500 doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn tại Việt Nam. Có nghĩa mới chỉ có 1/4 doanh nghiệp Nhật có ý kiến và 1/3 trong số đó hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến, số còn lại là công nghiệp dịch vụ.

Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện JETRO TP Hồ Chí Minh cho biết với 70% doanh nghiệp Nhật mong muốn mở rộng hoạt động, Việt Nam vẫn là địa chỉ đầu tư quan trọng của doanh nghiệp Nhật

Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện JETRO TP Hồ Chí Minh cho biết với 70% doanh nghiệp Nhật mong muốn mở rộng hoạt động, Việt Nam vẫn là địa chỉ đầu tư quan trọng 

Theo kết quả trả lời, uớc tính về lợi nhuận, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam “có lãi” chiếm 65,1%, tăng 2,3 điểm so với năm trước. Lợi nhuận của nhóm gia công xuất khẩu tương đối (EPE) tương đối tốt và cao hơn các lĩnh vực còn lại. 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có phương châm “mở rộng hoạt động” với lý do chính là doanh thu tăng. Đây là tỷ lệ cao hơn so với các quốc gia khác và chứng tỏ Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng. Có 46% doanh nghiệp trả lời rằng họ sẽ mở rộng hoạt động bởi Việt Nam có “tính tăng trưởng, tiềm năng cao”, đặc biệt câu trả lời này chiếm tới 60% lý do của khối phi chế xuất.

Về thuận lợi trong môi trường đầu tư: Hơn một nửa số doanh nghiệp đánh giá cao về “quy mô thị trường, tính tăng trưởng”, “tình hình chính trị, xã hội ổn định”, “chi phí nhân công rẻ” của Việt Nam. Rất ít doanh nghiệp cho rằng “Rào cản ngôn ngữ là không đáng kể”. Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện JETRO tại Tp HCM cho biết ông đã làm việc tại Việt Nam hơn 1,5 năm và nhận thấy học tiếng Việt rất khó, chỉ khoảng 1% người Nhật đang làm ăn sinh sống tại đây có thể giao tiếp bằng tiếng Việt.

 Đáng chú ý, là rủi ro trong môi trường đầu tư với 60% doanh nghiệp cho rằng “chi phí nhân công tăng cao” với trả lời có lý do này. khoảng 50% chỉ ra “Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận dụng luật pháp thiếu minh bạch”, khoảng 40% doanh nghiệp nhận thấy “cơ chế thủ tục thuế phức tạp”, “thủ tục hành chính phức tạp”… So sánh với 2016, rủi ro đứng thứ 3 của năm trước đã trở thành rủi ro lớn nhất của năm vừa qua. Ông Takimoto Koji chia sẻ đây thực sự là vấn đề đáng quan tâm của Việt Nam nếu vẫn đặt trọng tâm thu hút vốn đầu tư từ Nhật. Cùng với đó, một rủi ro là ngành công nghiệp phụ trợ còn non trẻ, chưa phát triển, tiếp tục đứng thứ 4 từ dưới lên trong tổng số 15 quốc gia. Nói cách khác, tìm kiếm nguồn hỗ trợ bao gồm cung ứng linh kiện nguyên vật liệu sở tại là khó khăn cản trở hàm lượng tăng giá trị gia tăng trong sản phẩm của doanh nghiệp Nhật sản xuất ra. Song song là việc khó kiểm soát chất lượng sản phẩm làm ra.

Ở một mục khảo sát cũng liên quan đến chi phí nhân công tăng cao, các doanh nghiệp Nhật Bản trong các khối cho rằng năm 2018, mức tăng chi phí có thể sẽ lên tới 8%. Tuy nhiên tỷ lệ này có thể sẽ giảm 0,5% điểm so với kỳ trước (tức so 2017 với 2016). Như vậy, việc tỷ lệ tăng chi phí nhân công ở năm có thể giảm nhẹ một chút so với kỳ trước có thể giảm nhẹ áp lực chi phí nhân công của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại đây. 

Theo thống kê ước của JETRO, năm 2018, chi phí nhân công của Việt Nam sẽ đứng sau Ấn Độ, Campuchia, Myanmar, Indonesia và trong bất cứ ngành nghề nào mà các doanh nghiệp Nhật đang đầu tư, chi phí nhân công Việt Nam đang "so kè" với Indonesia, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á. Cùng với đó, Trưởng đại diện JETRO TP Hồ Chí Minh cho biết quốc gia đông dân thứ hai khu vực, Philippines, họ đang nói bằng ngôn ngữ tiếng Anh, đó là một lợi thế.

Dù vậy, theo JETRO, nhìn tổng thể, Việt Nam vẫn đang còn giữ được lợi thế về nhân công lao động, cùng với đó là sự ổn định chính trị-xã hội, thể chế. Điều Việt Nam cần làm để giữ được sức hấp trong thu hút đầu tư nước ngoài, vẫn là cải thiện môi trường kinh doanh.  Kế tiếp, là sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng nếu chi phí nhân công lao động tiếp tục tăng cao, việc đào tạo và đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực là quan trọng để hỗ trợ các nhà đầu tư cân bằng và tìm thấy cơ hội. Đây cũng là một trong những điều kiện cần để các doanh nghiệp cần có thể thúc đẩy mảng khai thác thị trường ở nước sở tại.

Tính đến cuối 2017, Nhật Bản đang đầu tư vào Việt Nam đứng đầu về số vốn cấp phép với 7,746  triệu USD và 367 dự án, tăng gấp 7 lần so với năm trước và chiếm 1/3 trên tổng số đầu tư. Hàn Quốc đứng đầu về số vốn đầu tư mở rộng và tăng gấp 3 lần so với năm trước cũng như đứng đầu về số dự án đầu tư. Nhật Bản tiếp tục bám đuổi người Hàn ở khoảng cách khá xa về vốn đầu tư mở rộng tại Việt Nam năm 2017 với 199 dự án và 895 triệu USD số vốn cấp phép. So với năm trước, tỷ lệ tăng vốn đầu tư mở rộng của Nhật tại Việt Nam đạt 32,6%. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chi phí nhân công cao đang trở thành rủi ro đứng đầu khi thu hút đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO