Phát biểu tại hội trường chiều 25/5 về tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 2 cái nhất.
Có thể bạn quan tâm
15:27, 25/05/2018
11:15, 24/05/2018
06:41, 16/05/2018
16:19, 09/05/2018
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, dù đang phải đối mặt với những "thách thức lớn nhất" (biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt; cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu,...) nhưng được "sự quan tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị", qua đó ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cả về tái cơ cấu, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào doanh nghiệp...
Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận, ngành nông nghiệp đang đứng trước ba thách thức. Đầu tiên là thách thức tiến lên hiện đại từ hộ nhỏ lẻ, phân tán; hai là nguy cơ biến đổi khí hậu, và ba là Việt Nam đi sau trong hội nhập nhưng phải trở thành nước tiên phong hội nhập nông nghiệp.
Bên cạnh khó khăn, thách thức, lãnh đạo ngành nông nghiệp cho hay, các chủ trương, chính sách được ban hành trong thời gian qua đã tạo sức lan toả cho nông nghiệp. Cụ thể, trong 3 năm gần đây, số lượng doanh nghiệp lĩnh vực này đã tăng gấp đôi, từ trên 3.000 doanh nghiệp lên 7.200. Cùng với đó, từ chỗ tăng trưởng âm cách đây 2 năm, năm 2017 nông nghiệp đã tăng dương trở lại với 2,49% và 4 tháng 2018 ghi nhận tăng 4,05%, mức cao nhất từ trước đến nay.
Thị trường xuất khẩu nông sản mở rộng 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ.... Giá trị xuất khẩu nông sản tăng từng năm: năm 2017 là 36,52 tỷ USD và dự báo năm 2018 sẽ vượt 40 tỷ. Tuy vậy Bộ trưởng Cường thừa nhận, "các khâu yết hầu của nông nghiệp còn rất yếu" do vậy ngành phải đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục, cơ cấu lại theo 3 nhóm sản phẩm trụ cột chính là sản phẩm quốc gia, cấp tỉnh, vùng; cả 3 nhóm sản phẩm trụ cột này đều được thiết kế sản xuất, phát triển theo chuỗi....
Tranh luận với Bộ trưởng Nông nghiệp, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, cách phân loại như trên có thể gây hiểu nhầm là phân trách nhiệm cho ba cấp chính quyền trong việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm. "Trong nền kinh tế thị trường, chỉ có quan hệ giữa sản xuất hàng hóa và tiêu thụ hàng hóa, sự tác động từ các cấp chính quyền là ở hỗ trợ của nhà nước. Việc phải giải cứu nông sản vì được mùa rớt giá chính là xuất phát từ tư duy phân cấp, trong khi hiện nay nông nghiệp cần sản xuất theo địa chỉ tiêu thụ", ông Vân nói.
Đại biểu Vân phân tích, người nông dân có thói quen sản xuất hàng hóa theo trào lưu tiêu thụ mà không tính tới cung - cầu, do vậy Chính phủ cần xây dựng cơ sở dữ liệu chỉ dẫn địa lý về sản lượng, nhu cầu, từ đó mới có thể giải quyết được câu chuyện giải cứu nông sản.
Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá cao những nỗ lực của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trong 2 năm vừa qua, nhưng với những thông tin Bộ trưởng đưa ra về kết quả đạt được của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Ngân mong Bộ trưởng cần nhìn thẳng hơn vì những giá trị gia tăng đó cuối cùng ai sẽ được hưởng? Có phải người nông dân hay không?
ĐB Ngân cho rằng, năng suất lao động của người nông dân chung cả nước vào năm 2011 là 55,2 triệu đồng/người/năm, trong đó lao động nông nghiệp là 22,3 triệu đồng/người/năm, tương thích với 40% năng suất lao động bình quân. Nhưng năm 2017 này, năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ tương thích với 38%, điều này có nghĩa đang giảm dần.
Cho nên ông Ngân mong Bộ trưởng hết sức lưu ý đến những chi phí trung gian đã ăn hết sức lao động của người nông dân. Chúng ta cần lưu ý điểm này để cơ cấu lại vấn đề nông nghiệp, cây trồng và thậm chí rà soát lại các quy hoạch đất lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long và những khu khác.
“Giải cứu thịt lợn, mía đường, khoai lang, dưa hấu và gần đây là củ cải, khiến hàng vạn nông dân lao đao, phá sản. Tại sao có nhiều hội thảo, hội nghị bàn cách giải cứu nông sản, mà không bàn cách không giải cứu nông sản đó mới là giải pháp căn cơ, lâu dài trong tiến trình cơ cấu ngành nông nghiệp”, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt câu hỏi.
Mong muốn xóa bỏ một nền nông nghiệp không phải giải cứu, ông Hòa cho rằng, cần hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó hướng tới xây dựng ngành hàng nông sản. Việc chuyển tư duy này không phải một vài mùa vụ, hay tự phát ở nơi riêng lẻ, một vài địa phương tự phát triển khai, mà cần hệ thống chính sách hỗ trợ cho công nghệ chế biến, thương mại hóa sản phẩm, kết nối thị trường.
“Muốn vậy, cần đổi mới công tác khuyến nông theo hướng không chỉ hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng sản lượng, mà hỗ trợ người sản xuất tiếp cận thông tin thị trường, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản và phát triển thị trường”, ông Hòa bày tỏ.