Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được dự báo còn dư chấn tiêu cực đến các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu ở ASEAN và phủ bóng đen u ám lên bức tranh kinh tế khu vực.
Theo báo cáo "Tiêu điểm kinh tếKhu vực Đông Nam Á" mới nhất của Viện kế toán Công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales (ICAEW), tăng trưởng kinh tế ASEAN dự kiến sẽ chậm lại trong năm 2019, giảm còn 5%, sau khi được ước tính ở mức 5,3%.
Tương lai u ám với kinh tế ASEAN
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, kéo theo là sự giảm tốc nguồn cầu của Trung Quốc, sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng của ASEAN, nhất là đối với những nền kinh tế lệ thuộc vào xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu cao sang Trung Quốc như Singapore, Malaysia.
Các tổ chức quốc tế đang lo ngại về triển vọng kinh tế của Đông Nam Á rơi vào u ám, trong khi đó, các ngân hàng lớn trong khu vực dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ yếu đi nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không dừng lại sau thỏa thuận bên lề G20.
Có thể bạn quan tâm
15:39, 11/06/2018
04:00, 31/03/2018
10:48, 08/12/2017
Theo ông A. Shekhar, Giám đốc hoạt động của công ty kinh doanh hàng hóa nông nghiệp Olam International "Chiến tranh thương mại đang gây ra bất ổn trong ngắn hạn và tình hình này có thể tiếp tục duy trì,lợi nhuận ròng của Olam International trong quí 3 giảm 14% so với cùng kì năm ngoái".
Samuel Tsien, Giám đốc điều hàng Ngân hàng Oversea-Chinese Banking Corp (OCBC) ở Singapore nhận định: "căng thẳng thương mại sẽ phản ánh vào nền kinh tế ASEAN vào năm 2019, vì vậy, tăng trưởng tín dụng của OCBC sẽ yếu đi trong năm tới".
Các chỉ số kinh tế uy tín đang báo hiệu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Đông Nam Á sẽ suy giảm sâu hơn. Trong quý 3/2018, tăng trưởng kinh tế tiếp tục giảm nhẹ ở phần lớn các nền kinh tế ASEAN khi bình quân tăng trưởng GDP giảm còn 4,8% so với cùng kỳ và so với 5,2% của quý 2/2018.
Tăng trưởng GDP toàn khu vực dự kiến sẽ chậm lại trong năm tới, khi nhiều nền kinh tế của khu vực có quy mô nhỏ, mở cửa và lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Trung Quốc - do các mối liên kết trong chuỗi cung ứng cũng như lực cầu nội địa của Trung Quốc bị thắt chặt.
Trong số các nền kinh tế ĐNÁ, Singapore dự kiến sẽ có mức giảm mạnh nhất, khi tăng trưởng GDP của nước này được dự báo sẽ giảm từ mức dự tính 3,3% của năm 2018 xuống còn 2,5% cho năm 2019. Ngược lại, Indonesia và Philipines sẽ ít bị ảnh hưởng nhất.
Theo đó, tăng trưởng dù dự kiến sẽ giảm nhẹ ở Việt Nam, Indonesia và Philipines trong năm 2019 nhưng các nước này sẽ vẫn nằm trong số 10 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Bà Sian Fenner - Chuyên gia kinh tế trưởng ở Oxford, cho biết: “Theo mô phỏng của chúng tôi về tương quan thuế quan Mỹ-Trung, chúng tôi dự tính các nền kinh tế Châu Á có quan hệ mật thiết nhất với Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ thương chiến.Trong bối cảnh toàn cầu nhiều thách thức, chúng tôi dự tính ảnh hưởng lan tỏa của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ còn lớn hơn nữa trong năm 2019, kéo theo dự báo tăng trưởng khu vực giảm xuống còn 5% cho năm 2019, dù vậy, tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu sẽ vẫn tương đối tích cực.”
Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng không nguy hiểm
Đây là nhận định của các chuyên gia Ngân hàng Standard Chartered. Ngân hàng này duy trì nhận định dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam sẽ ở mức cao trong năm 2018, 2019 và năm 2020, với mức vốn đăng ký đạt 17 tỷ USD mỗi năm và vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng điện tử, trong trung hạn.
Bà Sian Fenner, phân tích thêm: "Trong bối cảnh khó khăn toàn cầu tăng, trong đó có sự leo thang căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, cũng như áp lực tăng do đồng USD mạnh lên và việc Mỹ nâng lãi suất, chúng tôi dự kiến tăng trưởng kinh tế toàn khu vực sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong 6 tháng cuối năm 2018 và sang đến năm 2019. Đây sẽ là diễn biến trong bối cảnh lực cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm nhẹ và các hình thức bảo hộ thương mại tăng".
Tuy nhiên, Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục đạt kết quả vượt trội trong khu vực với mức GDP sẽ đạt 6,7% trong năm 2018 và 6,3% năm 2019.
Đồng quan điểm trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, xu thế tích cực là chủ đạo, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019 tiếp tục được hưởng lợi nhờ triển vọng lạc quan về tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu và các yếu tố tích cực nội tại, như: môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư kinh doanh ít nhiều được củng cố... vị thế của một nước thu nhập trung bình và ưu tiên thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt một số rủi ro, thách thức chủ yếu. Theo đó, với độ mở lớn cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế.
Với quy mô kinh tế không quá lớn, việc ứng phó với các biến động trong tương lai của Việt Nam có thể cũng sẽ gặp khó khăn hơn bởi dư địa tài chính, tiền tệ hạn hẹp, trong khi đó, các yếu tố nội tại không phải không còn khúc mắc.