Hôm nay 16/9/2021, 852.480 liều vắc-xin AstraZeneca ngừa COVID-19 đã về đến Hà Nội. Đây là đóng góp của Chính phủ Đức cho chiến dịch tiêm chủng của Việt Nam.
Việc hỗ trợ vắc-xin này được thực hiện qua cơ chế phân bổ vắc-xin quốc tế COVAX với sự phối hợp chặt chẽ của UNICEF và WHO Việt Nam cũng như Chính phủ Việt Nam.
Với lô vắc-xin do Chính phủ Đức ủng hộ này, Việt Nam đã nhận 12.578.110 liều vắc-xin COVID-19 qua cơ chế COVAX. Cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) và Liên minh Vắc-xin (GAVI) đồng khởi xướng và UNICEF là đối tác thực hiện chính.
Nhân dịp lô vắc-xin về đến Hà Nội, Đại sứ Đức tại Việt Nam, TS. Guido Hildner, phát biểu: Tôi rất vui mừng về lô vắc-xin của Đức được chuyển đến qua cơ chế COVAX này. Nước Đức luôn sát cánh cùng Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Chúng ta chỉ có thể chiến thắng đại dịch khi nó được khống chế ở khắp mọi nơi. Chính vì vậy, Đức và Liên minh Châu Âu ủng hộ chiến dịch tiếp cận công bằng và minh bạch vắc-xin ngừa Covid-19 trên toàn cầu qua cơ chế COVAX.
Theo đó, Kidong Park, Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc và Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, phát biểu. “Trước tình hình dịch bệnh đầy thách thức như hiện nay tại Việt Nam, chúng tôi tiếp tục ủng hộ kế hoạch của Chính phủ trong việc ưu tiên tiêm chủng cho các nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu chống dịch cũng như người cao tuổi, người có bệnh nền và người có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong cao nhất. Thay mặt các tổ chức Liên Hợp Quốc, chúng tôi xin cảm ơn Chính phủ và nhân dân Đức đã chia sẻ với nhân dân Việt Nam những liều vắc-xin cứu sống sinh mạng được chuyển tới qua cơ chế COVAX này”.
Năm 2020, nước Đức đã đồng sáng lập cơ chế Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19 (ACT-A). Hiện là nước tài trợ lớn thứ hai của ACT-A, cho đến nay nước Đức đã đóng góp 2,2 tỉ Euro cho cơ chế này. Phần lớn số tiền tài trợ nói trên được cung cấp cho Cơ chế vắc-xin quốc tế COVAX, một phần được sử dụng cho việc chẩn đoán và điều trị COVID-19. Tính tới đầu tháng 8, 138 quốc gia đã được phân bổ tổng cộng hơn 200 triệu liều vắc-xin AstraZeneca, Johnson & Johnson, Moderna và BioNTech.
Tại thời điểm này, Chính phủ Đức đã có đủ vắc-xin cho nhu cầu của mình đồng thời mong muốn giải quyết các thiếu hụt trong việc sản xuất và cung ứng vắc-xin toàn cầu, từ cuối tháng 8, Chính phủ Đức cũng đã ủng hộ vắc-xin từ nguồn riêng của mình. Đến cuối năm nay, Đức sẽ hỗ trợ tới 100 triệu liều vắc-xin cho các nước đang phát triển và mới nổi. Qua đó, nước Đức sẽ góp phần vào việc tăng cường khả năng tiếp cận vắc-xin trên toàn thế giới.
Tính đến nay, nước Đức đã bàn giao tổng cộng hơn 8 triệu liều vắc-xin AstraZeneca cho Cơ chế COVAX. Bên cạnh Việt Nam, các nước Mauritania, Tajikistan, Sudan, Uzbekistan và Ghana cũng đã nhận được vắc-xin từ nguồn này. Các quốc gia tiếp nhận vắc-xin được COVAX lựa chọn do Cơ chế này nắm được tình hình tại từng quốc gia và vì vậy có thể phân bổ vắc-xin một cách công bằng trên toàn cầu.
Theo dự kiến tới cuối năm 2021, Liên minh Châu Âu sẽ ủng hộ tối thiểu 200 triệu liều vắc-xin COVID-19. COVAX là hợp phần trụ cột về vắc-xin trong cơ chế Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT-A), một cơ chế hợp tác toàn cầu mang tính đột phá nhằm đẩy nhanh việc phát triển, sản xuất và tiếp cận công bằng với xét nghiệm, điều trị và vắc-xin COVID-19. Cơ chế COVAX được đồng lãnh đạo bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) và Liên minh Vắc-xin GAVI), UNICEF là đối tác thực hiện chính. Mục tiêu của cơ chế này là thúc đẩy quá trình phát triển và sản xuất vắc-xin COVID-19 cũng như đảm bảo việc tiếp cận công bằng và bình đẳng cho mọi quốc gia trên thế giới.
Có thể bạn quan tâm