Sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt trong quản lý, điều hành nhiệm kỳ 2016- 2021 của Chính phủ sẽ tạo nền tảng thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội những năm tiếp theo.
Tổng Thư ký Quốc hội vừa có văn bản thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 53. Trong đó, nhấn mạnh kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm và những kết quả tích cực, thành tích ấn tượng đã đạt được của Chính phủ trong nhiệm kỳ 2016-2021.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng: Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Thứ nhất, trong nhiệm kỳ, Chính phủ đều xây dựng chương trình công tác hằng năm, đồng thời, ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch hành động cụ thể, đề ra phương châm đúng đắn, sát thực, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, khẩn trương và kịp thời để tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Thứ hai, Chính phủ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Kết quả này thể hiện rõ nét trên ba khía cạnh: Cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; Tiếp nhận, xử lý, trả lời nhanh chóng, kịp thời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp thông qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ...
Thứ ba, Chính phủ quyết liệt thúc đẩy hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đã điều hành kinh tế - xã hội một cách chủ động, linh hoạt, tạo khí thế, niềm tin và quyết tâm lớn trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân về khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh.
Thứ tư, Chính phủ quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân; thích ứng và ứng phó kịp thời với tình hình.
Thứ năm, Chính phủ tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, góp phần ổn định chính trị - xã hội để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Điểm nổi bật hay dấu ấn nhiệm kỳ rõ nhất đó là một Chính phủ rất năng động, rất sáng tạo, tích cực, chủ động trong công tác quản lý, điều hành.
Mới đây, ngày 02/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2021. Đây được coi là phiên họp thường trực cuối của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021. Ngay tại phiên họp này, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ “còn tồn tại việc gì mà giải quyết được trong phạm vi trách nhiệm của mình thì tập trung xử lý giải quyết”, để “bước sang Chính phủ khóa mới được tốt nhất và bảo đảm tính liên tục”.
Nhắc lại đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về việc không có tư duy nhiệm kỳ, không có trách nhiệm mang tính thời điểm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các cơ quan, địa phương, nhất là cán bộ, công chức, người lao động trong hệ thống hành chính “đã luôn nỗ lực, cố gắng, kế thừa, phát huy kết quả của nhiệm kỳ trước, cống hiến hết mình trong suốt nhiệm kỳ vừa qua với tinh thần trách nhiệm cao trên tất cả các lĩnh vực”.
Thủ tướng Chính phủ cũng tin tưởng Chính phủ khóa XIV sẽ tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách với tinh thần bảo đảm tính kế thừa, phát huy công khai, minh bạch cả về việc chuyển giao nhiệm vụ, công việc cũng như công tác cán bộ, bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự.
Đây chính là tiền đề, nền tảng quan trọng để Chính phủ tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ tới.
TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ:
Thành công của Chính phủ kiến tạo là tạo nên những cơ hội “vàng” để doanh nghiệp nắm bắt từ đó bứt phá đi lên chứ không mang tiền cho doanh nghiệp.
Đồng thời là sự chuẩn bị cho hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiệm kỳ vừa qua các Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP đều đã được ký kết. Đây chính là bước chuẩn bị hành trang cho nền kinh tế hay có thể nói là kiến tạo lộ trình phát triển cho các doanh nghiệp Việt.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh
Với “đà” của một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, đi kèm chuỗi hành động quyết liệt tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế như trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam sẽ có bước tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn 2021-2025. Nếu thực hiện tốt 10 giải pháp phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, chúng ta sẽ tận dụng và phát huy được hết năng lực của các khu vực, vùng miền cũng như làm cho nền kinh tế Việt Nam phát triển cân đối, phù hợp; đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm
05:47, 20/12/2019
05:00, 19/10/2019
15:44, 19/03/2019
04:33, 12/04/2018
17:58, 01/12/2017
13:58, 07/11/2017
11:15, 13/10/2017
13:48, 27/09/2017
09:20, 17/05/2017
09:02, 17/05/2017
11:29, 09/02/2017
18:16, 25/11/2016