Chính quyền kiến tạo và phục vụ

Hà Thành ghi 01/06/2018 10:57

Những năm gần đây, tỉnh Lạng Sơn đã có những thay đổi tích cực trong xây dựng một chính quyền kiến tạo và phục vụ.

Chia sẻ của doanh nghiệp và các cấp quản lý giúp 2 bên hiểu, đồng hành và hỗ trợ nhau vì một Lạng Sơn ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Duy Đông - Phó Giám đốc Sở Xây Dựng: Quyết tâm tăng thứ hạng DDCI

Cùng với việc tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách thông thoáng, bình đẳng, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, Sở Xây dựng đã công khai, minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong tiếp cận thực hiện thủ tục hành chính.

Trong công tác quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, Sở Xây dựng đã thực hiện rà soát, tham mưu kịp thời điều chỉnh theo định kỳ đối với các quy hoạch không còn phù hợp; có kế hoạch cụ thể để lập, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhiều khu đô thị mới đã được hình thành, được lập quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở. Các tuyến đường nội thị, công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng đã được đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp, cải tạo đã góp phần đưa kiến trúc cảnh quan đô thị ngày càng khang trang, hiện đại… góp phần xây dựng thành phố Lạng Sơn trở thành đô thị loại II vào năm 2020.

Ông Vũ Hồng Thủy - Giám đốc Sở Công Thương: Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp

Xác định lợi thế của tỉnh trong phát triển kinh tế cửa khẩu, Sở Công Thương đã triển khai các hoạt động nhằm tạo cơ chế thông thoáng, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Cùng với đó, Sở Công Thương đã chú trọng triển khai các hoạt động xác tiến thương mại, đầu tư như: Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông lâm sản, Hội nghị kết nối thương nhân, Hội thảo về cơ chế chính sách xuất nhập khẩu hàng hóa, mở các lớp bồi dưỡng, tập huần... Đặc biệt, Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng năm đã gắn kết, kết nối doanh nghiệp và thị trường, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của Lạng Sơn…

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, có những giải pháp hỗ trợ phù hợp cho từng nhóm doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu... nhằm chuẩn bị và hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường khi các FTA chính thức có hiệu lực.

Bà Trương Thị Hợp - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Tăng cường đào tạo liên kết, theo địa chỉ

Thực tế những năm qua,nguồn cung lao động trên địa bàn tỉnh tăng nhanh do tăng dân số tự nhiên và lượng lớn lao động ngoại tỉnh đến Lạng Sơn tìm việc. Tuy nhiên, nguồn cầu lao động lại tăng chậm do thiếu điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và công nghệ, vốn, đặc biệt là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra chậm. Thêm vào đó, chất lượng lao động còn nhiều hạn chế, phần lớn lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn là lao động thủ công, lao động đã qua đào tạo rất ít...

Do đó, để đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng cho doanh nghiệp trên địa bàn, không chỉ là sự nỗ lực của Ngành, mà rất cần sự liên kết hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tự đào tạo nghề cho người lao động và hợp tác với các cơ sở đào tạo nghề tổ chức đào tạo lại nhân lực với cơ cấu, ngành nghề, số lượng, trình độ theo yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Về phía Sở Lao động Thương binh Xã hội, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư, đào tạo phát triển thị trường lao động; hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng lao động có chất lượng, qua đó thúc đẩy nâng cao Chỉ số đào tạo lao động, góp phần cải thiện chỉ số (PCI) của tỉnh...

Ông Đoàn Bá Nhiên - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn: Phát huy vai trò cầu nối

Lạng Sơn có khoảng 2.700 doanh nghiệp nhưng thực sự hoạt động chỉ có khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp, trong đó phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên trình độ quản trị còn hạn chế.

Sau hơn 6 năm thành lập, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn đã khẳng định và phát huy tốt vai trò cầu nối giữa các hội viên với nhau, giữa các hội viên với các cơ quan quản lý nhà nước. Hiệp hội đã kết nối các thành viên để tiêu thụ sản phẩm; kết nối với các ngân hàng để đáp ứng nhu cầu về vốn; kết nối trong việc phản ánh, kiến nghị với các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền nhằm đưa ra các giải pháp cũng như tìm được tiếng nói chung…

Hiệp hội không chỉ làm tốt vai trò là cầu nối mà còn là nơi tập hợp ý kiến, kiến nghị cũng như đưa ra những giải pháp gắn với thực tiễn, tham mưu cho các sở, ngành cũng như chính quyền địa phương để cải thiện môi trường, thu hút đầu tư phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao trình độ quản trị cho các hội viên, Hiệp hội chủ động phối hợp với VCCI, các cơ quan, ban, ngành để tổ chức những khóa đào tạo, tập huấn, hướng dẫn tại địa phương. Ngoài ra, Hiệp hội còn đứng ra kết nối với hiệp hội ở những tỉnh khác nhằm tạo điều kiện cho các hội viên có cơ hội tham gia các buổi hội thảo, tọa đàm, tham quan những mô hình kinh tế giỏi để các doanh nghiệp giao lưu, học hỏi cũng như chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm đối tác.

Ông Phan Hồng Tiến - Giám đốc Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn: Thúc đẩy tăng kim ngạch xuất nhập khẩu

Sau khi Chính phủ đồng ý lựa chọn Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn là một trong 9 KKT trọng điểm được đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 (tại văn bản số 2236/TTg-KTTH của Thủ tướng Chính phủ), Ban Quản lý đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tăng nhanh kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến nay, đầu tư của các thành phần kinh tế trong KKT cửa khẩu có nhiều chuyển biến tích cực do công tác quy hoạch từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý, công tác quản lý nhà nước về đầu tư có nhiều chuyển biến, vốn đầu tư dân doanh ngày càng thực chất hơn. Một số dự án đang được tập trung đầu tư đẩy nhanh tiến độ, bước đầu đưa vào vận hành khai thác; An ninh, trật tự trong khu kinh tế cửa khẩu thường xuyên được đảm bảo, các lực lượng chức năng đã chủ động phối hợp, kịp thời giải quyết, xử lý không để xảy ra những vụ việc nổi cộm, kéo dài. Tại khu vực biên giới an ninh đường biên được giữ vững, các lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức tuần tra, canh giữ đảm bảo đường biên, mốc giới chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Ông Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Chi nhánh Hạt mài Tân Mỹ Công ty CP Đá mài Hải Dương: Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp

Công ty chúng tôi đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất hạt mài với công suất 20 nghìn tấn/năm tại xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.

Tại đây, công ty thu hút và giải quyết việc làm cho gần 100 lao động địa phương.
Những năm gần đây nhờ có sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của các cấp lãnh đạo để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, cắt giảm chi phí, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp cũng như triển khai nhiều các giải pháp đã tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp thực sự phát triển bền vững.

Với cơ chế thông thoáng hỗ trợ doanh nghiệp như hiện nay đã tạo thêm động lực cũng như niềm tin cho nhiều nhà đầu tư mạnh dạn hơn trong việc đầu tư vào địa phương.

Tuy nhiên, để phát huy các kết quả đã đạt được cũng như nâng cao chỉ số PCI, chúng tôi mong rằng các sở, ban, ngành, địa phương có sự phối hợp hiệu quả hơn nữa để giảm tối đa thời gian cấp phép cho các nhà đầu tư cũng như giúp các nhà đầu tư kịp thời nắm bắt cơ hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chính quyền kiến tạo và phục vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO