Bình quân qua tính toán những phản hồi của doanh nghiệp cho thấy, một doanh nghiệp điển hình tùy ngành hàng chỉ có thể “cầm cự” được tối đa đến 6 tháng.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) chia sẻ tại cuộc Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội vừa tổ chức gần đây.
Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, cách đây hơn 1 tuần, VCCI đã ngừng khảo sát 2.800 doanh nghiệp tại 63 tỉnh thành phố. Kết quả bức tranh này rất đáng lo ngại. Cụ thể, qua khảo sát thì có tới 93,9% doanh nghiệp thừa nhận, tác động của đại dịch đối với doanh nghiệp rất tiêu cực, điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của đại dịch trong năm 2021.
Trung bình có khoảng 90,8% doanh nghiệp phải sa thải lao động, có một số ngành có tỉ lệ sa thải lao động cao, như giáo dục đào tạo, lưu trú và ăn uống tỉ lệ sa thải lên tới 97%. Một số vùng như các tỉnh Đông Nam Bộ có 95%, đồng bằng Sông Cửu Long 93%, duyên hải miền Trung 92%... Có 96,2% doanh nghiệp gặp ít nhất một vấn đề trục trặc về chuỗi sản xuất, như khó tiếp cận khách hàng, không vận chuyển và không nhập được hàng do đứt gãy chuỗi cung ứng.
Cũng qua khảo sát, khi trả lời câu hỏi với tình hình như hiện nay thì mức độ chống chịu tối đa của doanh nghiệp trong khoảng bao nhiêu lâu? Bình quân qua tính toán những phản hồi của doanh nghiệp cho thấy, một doanh nghiệp điển hình tùy ngành hàng chỉ có thể “cầm cự” được tối đa đến 6 tháng.
“Điều này cho thấy, việc khống chế được dịch bệnh có tác động đặc biệt quan trọng đến sự tồn tại của các doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Đánh giá về chính sách hỗ trợ của Nhà nước, từ góc nhìn của ông Đậu Anh Tuấn, hiện nay các chính sách hỗ trợ mới chỉ đang giảm thu của Nhà nước mà chưa tăng chi để hỗ trợ. Như vậy, nếu doanh nghiệp không có nguồn thu, hoặc nguồn thu thấp thì mức độ thụ hưởng từ các chính sách này rất ít. Nếu so sánh với các nước thì có thể thấy doanh nghiệp Việt Nam đang bị thiệt thòi hơn.
Đối với các chính sách hỗ trợ vừa ban hành được áp dụng có tính chất ngắn hạn, ngay một số chính sách chỉ thực hiện trong năm 2021. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng dịch bệnh chắc chắn sẽ phải kéo dài sang cả năm 2022. “Do đó, tính dài hạn và đồng bộ của chính sách vẫn còn là một điểm lớn cần quan tâm”, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.
Ngoài ra, qua quan sát từ năm 2020, những chính sách nào có khả năng tự thực hiện, tự động có ý nghĩa hay có hiệu lực thì mới có tác động trong thực tiễn. Đơn cử, khi Quốc hội và Chính phủ đưa ra chính sách giảm thuế, miễn thuế thì mức độ thụ hưởng là rất lớn.
Khảo sát của VCCI trong năm 2020 về nhóm chính sách doanh nghiệp được thụ hưởng thì nhận được trả lời chính sách về giảm thuế, miễn thuế là có hiệu lực lớn nhất, tức là tỉ lệ doanh nghiệp tiếp cận là lớn nhất. Còn với chính sách cho doanh nghiệp vay để trả lương cho người lao động thất nghiệp hay chính sách về tín dụng thì mức độ thụ hưởng thường rất thấp. Một số chính sách khác cũng chỉ để tạm hoãn đến cuối năm 2021, đây chưa phải là những chính sách đủ lớn để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Khách quan nhìn nhận, đại dịch cũng mang lại những tác động tích cực và có ý nghĩa. Chẳng hạn, đã bộc lộ được chất lượng quản trị thực của cả chính quyền và doanh nghiệp. Qua đại dịch thì chất lượng quản trị doanh nghiệp đã được “phơi bày” ra những vấn đề của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào quản trị tốt thì tồn tại. Đại dịch cũng thúc đẩy ứng dụng công nghệ số với doanh nghiệp, nhưng cũng có những tiềm ẩn nguy cơ doanh nghiệp rời khỏi thị trường lớn. Mục tiêu có nhiều doanh nghiệp tư nhân, nhiều việc làm, tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định an sinh xã hội... sẽ là sức ép rất lớn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, ông Đậu Anh Tuấn cũng cảm nhận thấy có sự bất ổn và mong manh trong môi trường kinh doanh. Chúng ta có rất nhiều lợi thế để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cũng có thể nhanh chóng bị mất đi lợi thế nếu việc quản trị dịch bệnh không phù hợp, không đúng với thực tế, không thúc đẩy sự phát triển kinh tế về mặt dài hạn.
Tạo sự cạnh tranh công bằng
Bình luận về cải thiện môi trường kinh doanh, chuyên gia tài chính, ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, môi trường kinh doanh thời gian vừa qua đã có cải thiện nhưng gần đây lại phát sinh thêm một số vấn đề mới, gây hoang mang và khó cho doanh nghiệp.
Ví dụ, liên quan đến câu chuyện áp giá sàn vé máy bay, hiện nay có nhiều ý kiến cho biết đây là đề xuất không phù hợp vì đã vi phạm Luật giá, Luật Doanh nghiệp vừa được thông qua năm 2020. Đó là bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau.
Còn theo TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đề xuất chưa nên bàn hành việc áp giá sàn vé máy bay, vì nếu áp dụng sẽ tạo ra sự không công bằng giữa các doanh nghiệp. Đơn cử, một hãng 3 sao nhưng phải bán với giá như hãng 5 sao thì khách hàng nào sẽ chấp nhận mua của hãng 3 sao?
“Chúng ta không thể tham vấn hay hiến kế chính sách như vậy. Chính sách khi đã ban hành ra phải cân nhắc rất kỹ lưỡng, để không tạo ra sự bất bình đẳng, thậm chí tạo ra khoảng tối bất hợp lý”, TS. Nguyễn Sỹ Dũng bày tỏ.
Trao đổi ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị Tổng Cục thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên có một cuộc điều tra nhanh và chính thống từ phía nhà nước để đảm bảo thông tin chính xác, vì tình hình mới nên cần có cuộc điều tra để có thông tin chính xác cho Đảng, Nhà nước.
Về tạo việc làm, sinh kế cho người lao động từ các khu công nghiệp đang chuyển dịch sang khu vực HTX. Do đó ông Bảo kiến nghị người lao động đang cần được hỗ trợ về đào tạo, khởi nghiệp, đặc biệt là lao động nghề. Qua điều tra khảo sát, hiện nay có đến hơn 70% người lao động chưa được đào tạo bài bản, kỹ năng theo từng sản phẩm hàng hóa trong khu vực HTX.
Đồng thời, khẩn trương mở lại các chợ đầu mối, tháo gỡ thủ tục hành chính tại các địa phương. Theo số liệu điều tra, có đến 85% khối lượng nông sản của cả nước là đi qua các chợ đầu mối và tư thương. Cho nên, chợ đầu mối, tháo gỡ các thủ tục hành chính cũng như tiêm vaccine cho tư thương, HTX, DNNVV trong các chuỗi nông sản quốc gia và địa phương là rất quan trọng.
“Thực hiện các giải pháp để giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp HTX nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì hầu hết các chi phí đầu vào của các tổ chức kinh tế HTX là vật tư nông nghiệp, thức ăn gia xúc, chi phí vận tải, chi phí chăm sóc sức khỏe cho người lao động”, ông Bảo nói.
Có thể bạn quan tâm
Kịch bản phục hồi kinh tế Việt Nam quý IV/2021 ra sao?
02:27, 03/10/2021
[Infographic] Bức tranh kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2021
11:00, 01/10/2021
Đề xuất 3 giai đoạn phục hồi kinh tế Việt Nam
14:00, 28/09/2021
Kinh tế Việt Nam sẽ không để đại dịch “kìm chân”
13:14, 27/09/2021
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo đạt 5,5% trong quý 4
10:00, 27/09/2021