Sự việc xảy ra vào ngày 5/5/2023, khi Sở Xây dựng TP. HCM thông báo chấm dứt Hợp đồng thuê siêu máy bơm có giá thuê 14 tỷ/năm.
>>Vì sao TP HCM "lật kèo" vụ “siêu máy bơm” chống ngập?
Xung quan vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có trao đổi với chủ siêu máy bơm chống ngập - ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung (Công ty Quang Trung).
- Thưa ông, được biết ngày 5/5/2023, Sở Xây dựng TP.HCM đã có văn bản số 6325/SXD-HTKT cảm ơn sự đóng góp của Công ty Quang Trung vào lĩnh vực chống ngập của Thành phố nói chung và đường Nguyễn Hữu Cảnh nói riêng kèm theo thông báo chấm dứt Hợp đồng siêu máy bơm. Ông có thể chia sẻ thêm chủ trương của TP về dự án này?
TP.HCM đã chọn điểm ngập nặng nhất để thử nghiệm chống ngập tại khu vực 7,5 ha đường Nguyễn Hữu Cảnh thuộc quận Bình Thạnh, TP. HCM trong 2 năm 2017-2018. Nếu thành công đạt hiệu quả tốt thì Thành phố sẽ cho phép áp dụng rộng rãi tại các điểm ngập khác của thành phố. Đây là lời hứa của Thành ủy và UBND TP. HCM.
Dự án đã được Thành phố giao cho Liên Hiệp Hội Khoa học của Thành phố chủ trì cùng với các Sở, ngành, UBND quận Bình Thạnh và Trung tâm chống ngập của Thành phố đánh giá hiệu quả của “siêu máy bơm”. Kết quả đánh giá của Hội đồng là: Siêu máy bơm có tính năng vượt trội, hoạt động chống ngập hiệu quả, giao thông tại khu vực đi lại tuận tiện và được đông đảo người dân trong khu vực đồng tình, ủng hộ. Và dự án siêu máy bơm đã tiết kiệm cho Thành phố 68% chi phí chống ngập so với giải pháp truyền thống mà Thành phố đang áp dụng (đây là đánh giá của hội đồng).
- Ông có thể phân tích rõ hơn về mặt kỹ thuật cũng như hiệu quả kinh tế khi sử dụng siêu máy bơm chống ngập tại TP.HCM?
Theo số liệu khảo sát và đánh giá của các tổ chức Ngân hàng thế giới, TP. HCM có gần 60% diện tích đất có cốt nền thấp từ +0.9m đến +1,3m, trong khi mực nước thủy triều dâng cao +1.86m chưa kể biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên khiến mực nước biển dâng cao trung bình mỗi năm từ 2cm-5cm. Như vậy, không cần đến mưa, khi nước thủy triều dâng lên thì các điểm có cốt nền thấp dưới +1.3m đã bị ngập 0.6m.
Do đó, Thành phố phải lắp rất nhiều van 1 chiều ở tất cả các cống thoát ra sông có tác dụng để ngăn không cho nước sông tràn vào các vùng có cốt nền thấp. Đối với các tỉnh khu vực phía Nam, mùa con nước lại trùng với mùa mưa, có những năm kéo dài tới tận 6 tháng. Như vậy, khi nước lên thì van 1 chiều tự động đóng lại, mưa lớn trút xuống thì nước chảy đi lối nào…?
Theo vật lí, nguyên tắc 2 bình thông nhau thì nước bao giờ cũng chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp. Muốn từ chỗ thấp chảy ngược ra sông, từ sông chảy ra biển chỉ còn 1 cách duy nhất là phải dùng bơm. Nếu không, TP. HCM phải nâng toàn bộ 60% diện tích có cốt nền thấp lên độ cao +3m. Giải pháp này tốn kém hàng trăm tỷ USD (không khả thi).
>>TP. HCM: Chi 14, 2 tỷ thuê "siêu máy bơm" chống ngập nhưng sẽ không thanh toán... "nếu không hết ngập”!
- Vậy, lý do gì, dự án siêu máy bơm không được Trung tâm Quản lý hạ tầng, cũng như Sở Xây dựng đề nghị Thành phố cho phép nhân rộng mà lại thay thế bằng một dự án khác, thưa ông?
Hiện nay, TP có chủ trương thay cống to và nâng đường mà không có độ dốc thủy lực thì chỉ có tác dụng như là các bể chứa nước, không có tác dụng thoát nước, vì thế sẽ không có hiệu quả gây lãng phí và tốn kém tiền bạc của người dân.
Nếu nâng cao đường thì chỉ giải quyết về mặt giao thông không bị ùn tắc. Tuy nhiên các khu vực xung quanh vẫn bị ngập. Nếu thành phố cho áp dụng dùng máy bơm sẽ có giá thành cực rẻ, nếu tính theo m2 chỉ có giá 500đ/m2/ngày. Trên địa bàn thành phố chỉ cần sử dụng khoảng 50 máy bơm theo hình thức xã hội hóa chỉ mất tối đa tiền thuê dịch vụ khoảng 700 tỷ/ năm, sẽ tiết kiệm cho TP trên 90.000 tỷ. Đây là con số tiết kiệm chống lãng phí rất đáng quan tâm. Nhưng hiện nay, Thành phố đã lập 1 đề án “ GIẢM NGẬP” chứ không phải là “ CHỐNG NGẬP” với số tiền là 97.000 tỉ chủ yếu dùng để nâng đường và thay cống (tương đương gần 5 tỷ USD tính tại thời điểm).
Chỉ cần Trung tâm Quản lý hạ tầng Thành phố có tâm và có trách nhiệm với người dân, mạnh dạn đề xuất với Thành phố, xã hội hóa công tác chống ngập để kêu gọi mọi thành phần kinh tế cùng tham gia chung tay với thành phố thì chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả tốt và đáp ứng những mong mỏi bấy lâu nay của người dân Thành phố.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm