Chống nhũng nhiễu: "Đơn hàng" đặc biệt!

Trương Khắc Trà 29/07/2018 06:08

Một chính quyền trong sạch, một xã hội văn minh là khi truyền thông không còn đầy rẫy những tin tức thiếu tốt lành.

Hàng ngày đọc báo, không thiếu những thông tin phản ánh tiêu cực, đến nỗi có lúc dư luận còn than vãn chẳng còn chuyện gì tốt để nói nữa sao! Chuyện tốt có đầy rẫy, nhưng “đánh” cái xấu cũng góp phần “nuôi” cái tốt vậy.

Phản ánh đời sống xã hội là chức năng quan trọng nhất của báo chí, nhiều tờ báo không ngại khó ngại khổ lao vào những vụ việc nhạy cảm mà không cần ai “đặt hàng”.

Một hội nghị mới đây, tỉnh Bến Tre cam kết hoàn toàn đứng về phía báo chí để xử lý cán bộ nhũng nhiễu, điều đó hoàn toàn hợp lý vì không ai đủ “rảnh” và “ít sợ phiền hà” như báo chí!

Nếu “đặt hàng” báo chí chống nhũng nhiễu, người viết tin chắc rằng “sản phẩm” sẽ rất nhiều, chỉ e rằng để báo chí “thẳng tay” lại phiền muộn đến nhiều người.

Báo chí có đủ công cụ để nhìn thấy hết sự việc từ lớn đến bé, vấn đề là để trưng mọi ngóc ngách lên bàn dân thiên hạ, đôi khi báo chí cảm thấy cô độc.

Đặt hàng báo chí chống tham nhũng nhưng cũng phải đặt hàng bảo vệ báo chí

"Đặt hàng" báo chí chống tham nhũng nhưng "đặt hàng" ai bảo vệ nhà báo?

Nhất là cấp chính quyền cơ sở, việc phát hiện nhũng nhiễu không quá khó: Một thủ tục hành chính đơn giản nhưng để dân đi lại nhiều lần, như thế đủ gọi nhũng nhiễu; cán bộ vắng mặt ở trụ sở trong giờ hành chính không có lý do chính đáng, thế cũng gọi là nhũng nhiễu. Chưa kể thái độ hạch sách, vòi vĩnh, cố ý gây khó khăn cho người dân.

Có thể bạn quan tâm

  • Chống tham nhũng và trách nhiệm người đứng đầu

    Chống tham nhũng và trách nhiệm người đứng đầu

    19:31, 21/06/2018

  • Phòng chống tham nhũng: Cần đề cao vai trò của báo chí, nhân dân

    16:35, 13/06/2018

  • Cần mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng

    14:00, 13/06/2018

  • Luật Phòng, Chống tham nhũng không phải "con dao" duy nhất “cắt dây” tham nhũng

    12:04, 13/06/2018

  • “Khoanh vùng” chống tham nhũng với người có chức, có quyền

    11:30, 13/06/2018

  • Hoàn thiện cơ quan chuyên trách chống tham nhũng

    10:30, 13/06/2018

  • Cử tri kỳ vọng gì ở Luật Phòng, chống tham nhũng?

    09:09, 13/06/2018

Những năm gần đây, công cuộc chống tham nhũng được đẩy lên cao trào, nói không ngoa, công đầu thuộc về giới báo chí. Từ vụ việc nổi cộm ở Bộ Công thương và Tập đoàn dầu khí mới đây cho đến những vụ việc chấn động trong quá khứ như PMU18, vụ Năm Cam...

Hàng ngàn vụ việc vụ vặt ở cấp độ làng, xã như ăn chặn tiền cứu trợ thiên tai; bò, dê chính sách “đi lạc” vào nhà lãnh đạo xã; mất đạo đức tư cách của cán bộ cấp cơ sở…đều có thể dễ dàng tìm thấy trên hàng trăm trang báo.

Bến Tre đã dũng cảm khi “đặt hàng” báo chí chống nhũng nhiễu, cũng có lý bởi chỉ số PAPI của tỉnh này luôn ở tốp đầu.

Mở “cánh cửa” cho báo chí vào giám sát là cách làm đúng đắn để ngăn chặn nhũng nhiễu, nhưng một khi báo chí vào cuộc tức là đã “có vấn đề”, lúc đó bức tường rào mang tên “phòng nhũng nhiễu” đã bị vượt qua.

Bộ máy hiện có rất nhiều cơ quan có chức năng chuyên trách kiểm soát cán bộ, phòng chống nhũng nhiễu, tham nhũng. Thiết nghĩ, những nơi đó phải đi đầu, phải tự kiểm soát nội bộ trước khi để dư luận xì xào bàn tán qua câu chữ.

Sử dụng báo chí chống tham nhũng, nhũng nhiễu như con dao hai lưỡi, vì phản ánh của báo chí luôn có hai mặt, những vụ việc mang tính chất "phanh phui" luôn để lại một phần hiệu ứng xấu trong dư luận, không ít vụ việc bị lợi dụng bóp méo gây hoang mang.

Không ai muốn báo chí chỉ mỗi việc chìm ngập trong chuyện không hay của người khác, thật không vui nếu hàng ngày mở báo toàn là tin tức, bài vở phản ánh nơi này nhũng nhiễu, nơi kia làm khó nhân dân.

Nhưng không có nghĩa hoàn toàn “đóng cửa bảo nhau” dung túng cho nhau. Cái muốn nhất là làm sao chống nhũng nhiễu từ gốc, làm sao để cán bộ không muốn nhũng nhiễu và không thể nhũng nhiễu.

Không báo chí nào đủ sức để chụp ảnh, quay phim, ghi âm hàng trăm ngàn sự việc diễn ra mỗi ngày. Cần một cơ chế tự nó bài trừ tiêu cực, đó là “lồng nhốt quyền lực”, trong khi báo chí chỉ được xem như “quyền lực thứ tư” đứng sau 3 quyền lực còn lại!

Cơ chế nào bảo vệ những nhà báo chống tiêu cực khi mà nguy hiểm luôn rập rình sau mỗi tin bài mang tính tố cáo, làm rõ gian dối!

Từ phản ánh tiêu cực đến chống tham nhũng là công việc thường xuyên của báo chí từ trước tới nay, đều đặn cho ra “sản phẩm” mặc dù không ai nói “đặt hàng”. Sự thành công của báo chí chống tham nhũng cũng chính là thất bại của công cuộc kiểm soát quyền lực công.

Không một ai muốn sự thất bại này, nó vừa làm mất niềm tin vừa để lại hệ quả ngay tức khắc. Một chính quyền trong sạch, một xã hội văn minh là khi truyền thông không còn đầy rẫy những tin tức thiếu tốt lành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chống nhũng nhiễu: "Đơn hàng" đặc biệt!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO