Pháp luật về phòng chống tham nhũng của ta đã khá đầy đủ. Vấn đề là khâu thực hiện.
Tuy vậy, điều quan trọng nhất lại nằm ở việc phòng ngừa tham nhũng, chứ không phải chống. Bởi khi nói “chống tham nhũng”, tức là tham nhũng đã xảy ra. Như rất nhiều lần, từ các lãnh đạo đến các chuyên gia, các nhà luật học đều công nhận: tham nhũng chủ yếu là từ cán bộ, công chức. Vậy, nguyên tắc là phải làm sao để cán bộ, công chức không cần, không dám và không phải tham nhũng?
Chống tham nhũng, tuy là rất quan trọng. Nhưng theo nguyên lý vận hành của một xã hội tiên tiến, thì chống tham nhũng phải là khâu cuối cùng. Bởi vấn đề quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa không được để tham nhũng xảy ra.
Các cách phòng ngừa đã nói đến rất nhiều. Nhưng dường như chưa có biện pháp nào là căn cơ hoặc cụ thể. Nhưng xét cho đến cùng, tất cả đều tùy vào nền tảng kinh tế - văn hóa – xã hội – giáo dục. Phòng ngừa cùng với việc tuyên truyền pháp luật có lẽ là phương thức cần thiết. Còn khi pháp luật trở thành công cụ xử lý tham nhũng, thì pháp luật đương nhiên là biện pháp phòng ngừa cuối cùng.
Bao lâu nay, câu hỏi quan trọng nhất vẫn là: gốc của vấn đề tham nhũng nằm ở đâu. Phải chăng ở quan hệ kinh tế? Chính sách giáo dục, đào tạo? Chính sách an sinh xã hội? Hay ở việc thực thi các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng? Hoặc ở sự liêm khiết của hệ thống?
Kinh nghiệm từ Singapore có thể giúp giải đáp phần nào. Bởi Singapore được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ tham nhũng thấp nhất thế giới với hệ thống dịch vụ công trong sạch và hiệu quả. Ở cả khu vực nhà nước và tư nhân, tham nhũng đều được kiểm soát.
Một trong những yếu tố làm nên thành công của Singapore trong cuộc chiến chống tham nhũng trước đây chính là ý chí, quyết tâm của các nhà lãnh đạo.
Có thể bạn quan tâm
16:35, 13/06/2018
18:26, 29/05/2018
15:41, 06/06/2018
Sau khi lập quốc, Singapore cũng phải đối mặt với tham nhũng. Uy tín của đảng cầm quyền PAP bị đe dọa. Năm 1960, Bộ trưởng Bộ nội vụ Singapore là Ong Pang Boon phát biểu tại Hội đồng lập pháp rằng: “Chính phủ Singapore quyết tâm làm tất cả mọi việc có thể sao cho tất cả các biện pháp lập pháp và hành chính được thực hiện để làm giảm cơ hội xảy ra tham nhũng, dễ phát hiện tham nhũng hơn, răn đe và trừng trị nghiêm khắc những người có hành vi tham nhũng”.
Năm 1979, ông Lý Quang Diệu là Thủ tướng Singapore đã nói: “Nếu những nhà lãnh đạo chủ chốt kém liêm khiết, không nghiêm khắc đòi hỏi những chuẩn mực cao, thì hệ thống hành chính sẽ yếu đi và sẽ sụp đổ…”
Đảng Hành động nhân dân (PAP) của ông Lý Quang Diệu khi đó đã đề ra nguyên tắc: “Giữ mình trong sạch và không nhận hối lộ”.
Nguyên tắc ấy liệu có áp dụng được tại Việt Nam hay không? Câu hỏi có thể trả lời ngay là có. Bởi pháp luật, cùng với những tuyên ngôn chính trị của các nhà lãnh đạo đang thể hiện rằng: chống tham nhũng thực ra chỉ là khâu cuối cùng.