CPTPP là cơ hội đặc biệt để cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, để cải thiện một bước môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
Đây là khẳng định của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong Diễn đàn đối thoại về kinh tế tư nhân được tổ chức ngày 2/5, tại Hà Nội.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Diễn đàn Doanh nghiệp xin đăng toàn văn bài phát biểu này.
Chúng ta vừa trải nghiệm 03 tháng đầu tiên của quá trình thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới lớn nhất, tiêu chuẩn cao nhất và có mức độ tự do hóa sâu rộng nhất từ trước đến nay của Việt Nam. Đây là Hiệp định nhận được sự quan tâm và ủng hộ đặc biệt nhiệt thành của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, xuất phát từ sự kỳ vọng của các doanh nghiệp vào những cơ hội đặc biệt quý giá mà Hiệp định này hứa hẹn mang lại.
Ở tầm vĩ mô, CPTPP là cơ hội đặc biệt để cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, để cải thiện một bước môi trường kinh doanh ở Việt Nam, tiếp tục thúc đẩy cạnh tranh, giải phóng sức sáng tạo và mở ra cơ hội lợi nhuận cho hơn 700.000 doanh nghiệp, hàng triệu hộ kinh doanh cũng như cơ hội việc làm và thu nhập cho người lao động và cả nền kinh tế. Những cam kết về quy tắc, về chính sách và những khía cạnh quản lý cả thương mại và phi thương mại, cả trong những vấn đề truyền thống và những mô hình mới sẽ là sức ép buộc chúng ta phải thay đổi. Tuy nhiên, đây đồng thời cũng là tiêu chuẩn, là động lực, là cảm hứng để chúng ta vượt qua chính mình để có thể làm nên một làn sóng cải cách thể chế kinh tế thứ hai ở Việt Nam sau WTO.
Nhìn gần hơn, CPTPP mang tới những cơ hội lợi nhuận có thể đong đếm được về thương mại, đầu tư với các thị trường mới đầy tiềm năng ở châu Mỹ như Canada, Mexico; hay cơ hội làm sâu sắc thêm mối liên hệ có tính cộng hưởng của nền kinh tế chúng ta với các thị trường mà chúng ta đã có FTA trước đây như Nhật Bản, Úc, New Zealand... Doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ, không chỉ ở các lĩnh vực kinh tế thế mạnh truyền thống mà còn ở cả những khu vực mới, trở nên hấp dẫn nhờ các lời hứa từ CPTPP, đều đang đứng trước những cơ hội tăng doanh thu và lợi nhuận. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại thế giới diễn biến phức tạp, dòng chảy thương mại đầu tư bị tác động và biến dạng ở nhiều nơi, nhiều chỗ, thì những cơ hội này càng có ý nghĩa hơn nữa với các doanh nghiệp Việt Nam.
Vượt ra ngoài những lợi ích về kinh tế và thể chế, CPTPP còn có thể là con đường để chúng ta đi tới đích phát triển bền vững, thực hành các tiêu chuẩn nhân văn hơn trong các khía cạnh về lao động, triển khai thuận lợi hơn các mục tiêu bình đẳng giới (đặc biệt trong các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động nữ) xây dựng các định hướng tích cực và rõ ràng hơn trong bảo vệ môi trường…
Có thể bạn quan tâm
11:37, 02/05/2019
11:00, 02/05/2019
10:47, 02/05/2019
CPTPP tác động trên nhiều mặt và để vượt lên thách thức tận dụng được cơ hội. Chúng ta có nhiều việc phải làm. Diễn đàn của chúng ta hôm nay tập trung vào một khía cạnh của CPTPP: Làm thế nào để các ngành sản xuất xuất khẩu tận dụng được cơ hội CPTPP để bứt phá? Mặc dù vậy, chỉ một khía cạnh này thôi, bàn thảo cho thật rốt ráo để hoạch định cho thật chuẩn xác định hướng hành động cho các doanh nghiệp cũng đã là thách thức lắm rồi.
Chúng ta đều thống nhất rằng CPTPP mang lại những cơ hội có thật và rất đáng kể cho các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu Việt Nam ở các thị trường đối tác CPTPP.
Với việc 06 thị trường xuất khẩu hấp dẫn trong CPTPP ngay lúc này đây đã loại bỏ thuế từ 78-95% các dòng thuế cho hàng hóa Việt Nam, cơ hội thuế quan này bản thân nó đã tạo cho doanh nghiệp xuất khẩu lợi thế đặc biệt trong cạnh tranh với các đối thủ cạnh tranh đến từ các nước khác chưa có FTA với các đối tác CPTPP trên các thị trường này. Gần 8-9 ngàn loại sản phẩm được hưởng mức thuế ưu đãi 0%, cơ hội rõ ràng không chỉ dành các ngành có thế mạnh xuất khẩu truyền thống của chúng ta như dệt may, da giày… mà còn của rất nhiều các ngành sản xuất khác.
Cộng hưởng với đó là những cơ hội khác ít được nói tới hơn nhưng không hề kém ý nghĩa với triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu.
Đầu tiên phải kể đến cơ hội từ việc Việt Nam loại bỏ thuế ngay với 65% loại hàng hóa từ CPTPP. Chúng ta thường chỉ nhìn vào khía cạnh thách thức cạnh tranh trên thị trường nội địa, mà ít để ý rằng lớn hơn nhiều so với những thách thức đó là cơ hội cho các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất nhờ vào nhập khẩu máy móc thiết bị, dây chuyển sản xuất với giá hợp lý từ các đối tác CPTPP.
Tiếp đến là cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất từ cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường dịch vụ trong CPTPP. Cạnh tranh sôi động hơn trên các thị trường dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ hỗ trợ sản xuất như logistics, tài chính, bảo hiểm… sẽ mang tới cơ hội để doanh nghiệp sản xuất lựa chọn và sử dụng các dịch vụ có chất lượng tốt hơn với giá cả cạnh tranh hơn. Cơ hội này là rất có ý nghĩa cho doanh nghiệp sản xuất khi mà tới nay chi phí dịch vụ mà hàng hóa Việt phải cõng đang rất nặng nề.
Và tất nhiên, không thể không nhắc tới những khoản chi phí về thời gian, nhân lực và cả những chi phí không chính thức mà doanh nghiệp tiết kiệm được khi các thủ tục hành chính, đặc biệt thủ tục liên quan tới đầu tư, xuất nhập khẩu được cải thiện theo hướng minh bạch hơn, đơn giản và hiệu quả hơn theo các cam kết CPTPP ở cả phía Việt Nam lẫn các điểm đến CPTPP.
Thậm chí, cơ hội có thể có cả trong những khía cạnh tưởng chừng như khó khăn nhất. Các yêu cầu quy tắc tiêu chuẩn cao của CPTPP về lao động, môi trường, phòng chống tham nhũng… chắc chắn sẽ khiến doanh nghiệp mất thêm chi phí tuân thủ nhưng sẽ mang lại cái được to lớn cho uy tín và thương hiệu của hàng hóa “ made in Viet Nam” của chúng ta trong con mắt và trái tim người tiêu dùng toàn thế giới.
Nhưng, tất cả mới chỉ là cơ hội!
Bài học từ việc thực hiện 10 FTA đang có của chúng ta những năm qua cho thấy chúng ta có nhiều lý do để lo lắng, rằng những cơ hội này mãi vẫn chỉ là cơ hội. Các FTA đang có cũng từng hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội, nhưng phần lợi ích thực sự đạt được của chúng ta cho đến nay vẫn còn khiêm tốn. CPTPP là hiệp định thế hệ mới, cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng lớn hơn và điều kiện để hiện thực hoá càng không đơn giản.
Nhìn vào con số chỉ 39% kim ngạch xuất khẩu đi các thị trường đã có FTA tận dụng được ưu đãi thuế quan của năm 2018, chúng ta vui mừng vì đây đã là một bước tiến đáng kể so với những năm trước. Nhưng chúng ta càng xót ruột hơn khi qua nhiều năm thực thi, phân nửa lợi ích thuế quan kỳ vọng từ các FTA vẫn đang vuột khỏi tay các doanh nghiệp và người dân Việt Nam. Đó là còn chưa kể đến những “kỳ vọng bị thất thoát” khác mà chúng ta chưa đong đếm được bằng những con số cụ thể.
Với CPTPP, liệu các ngành sản xuất xuất khẩu của chúng ta có thể vượt qua được những trở ngại trong quá khứ, để bứt phá mạnh mẽ và để hiện thực hóa ngoạn mục các cơ hội từ Hiệp định này?
Câu trả lời có lẽ chỉ có được nếu chúng ta nhận diện được điều gì có thể cản trở doanh nghiệp Việt Nam tận dụng các lợi ích từ CPTPP từ bài học trong quá khứ và tìm ra cho được các giải pháp khả dĩ để vượt qua hoặc làm triệt tiêu những rào cản này, để có thể tiệm cận và hiện thực hóa các lợi ích kỳ vọng.
Tôi hoan nghênh các đại diện các ngành, các hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp có mặt ở đây hôm nay. Hy vọng sau những trao đổi thẳng thắn, sâu sắc, từ thực tiễn của chúng ta ở đây hôm nay, câu trả lời cho câu hỏi ở trên sẽ rõ ràng hơn.
Để gợi ý cho thảo luận của quý vị, tôi thử liệt kê ở đây 02 câu chuyện nổi cộm nhất đang cản trở các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu tận dụng cơ hội, đang níu kéo khiến doanh nghiệp khó hiện thực hóa các cơ hội từ các FTA nói chung và CPTPP nói riêng
Thứ nhất là khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan.
Không ít ngành xuất khẩu mũi nhọn của chúng ta hiện đang lệ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ các khu vực lãnh thổ không thuộc CPTPP, đây là điểm yếu cốt tử ngăn cản chúng ta hiện thực hóa cơ hội thuế quan. Nhiều năm trước, đây chỉ là vấn đề đau đầu của những ngành rất truyền thống như dệt may, da giầy thì gần đây cả những ngành chúng ta có thế mạnh nguồn nguyên liệu trong nước như chế biến thủy sản, hạt điều… cũng đang bắt đầu phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu trong nước.
Chúng ta thậm chí cũng đã nhận diện khá nhiều giải pháp, ví dụ đối với dệt may, da giầy là phát triển ngành dệt nhuộm, thuộc da; phát triển vùng nguyên liệu; tăng giá trị các khâu trên đáy như thiết kế, phân phối trong “đường cong nụ cười” lợi nhuận...
Nhưng những hành động quyết liệt để triển khai các giải pháp này trên thực tế lại vắng bóng. Hoặc có hành động thật, nhưng thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, chúng ta vẫn đang ràng chân buộc tay doanh nghiệp. Ví dụ một bên là khuyến khích đầu tư công nghiệp dệt nhuộm vào địa phương, nhưng một bên lại áp dụng các yêu cầu ngặt nghèo quá mức cần thiết về tiêu chuẩn nước thải, về các thủ tục liên quan tới cơ sở hạ tầng rườm rà và tốn kém…
Thứ hai là khả năng vượt qua các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (TBT-SPS) để thực sự bước chân vào các thị trường xuất khẩu hấp dẫn nhưng rất kỹ tính.
Chúng ta đều biết thuế quan chỉ là một phần thách thức trong xuất khẩu hàng hóa, TBT-SPS và những hàng rào phi thuế khác có khi lại là một phần lớn hơn của thách thức xuất khẩu. Thậm chí, với hàng rào thuế quan, nếu có cao, doanh nghiệp dù chật vật nhưng nếu gắng sức được thì vẫn có thể vượt qua. Trong khi đó, với các tiêu chuẩn về hóa chất, về nguồn gốc hợp pháp, về dư lượng kháng sinh, về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, thậm chí đơn giản là yêu cầu về cách thức ghi nhãn, đóng bao bì…của các thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp không có lựa chọn, hoặc là đáp ứng đúng và đủ, hoặc là không thể vào thị trường – không có thương lượng, cũng không thể thay đổi, chỉ có thể tuân theo.
Ứng phó với những hàng rào như vậy tất nhiên trước hết vẫn là chuyện của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp phải tìm hiểu các yêu cầu TBT-SPS của thị trường xuất khẩu, phải điều chỉnh chuỗi sản xuất để đáp ứng yêu cầu, phải duy trì hệ thống giám sát nội bộ đối với từng khâu và từng sản phẩm cuối cùng….
Nhưng có những việc từng doanh nghiệp khó làm, thậm chí không làm được. Đàm phán và hợp tác kỹ thuật để có được visa nhập khẩu đối với từng loại trái cây Việt Nam vào một thị trường nhập khẩu; thực hiện các quy trình tiền kiểm đối với nông thủy sản trước khi xuất khẩu; tập hợp, cập nhật và phổ biến thông tin về các loại TBT-SPS đối với từng loại hàng hóa, ở từng thị trường, theo từng thời điểm, để doanh nghiệp có nguồn tra cứu tin cậy và đầy đủ…là những việc như vậy. Các cơ quan Nhà nước đã có những nỗ lực nhất định, nhưng còn chưa đủ. Đâu đó vẫn có tình trạng chúng ta “tự mình làm khó mình” bằng các yêu cầu TBT-SPS đối với hàng xuất khẩu vượt quá mức yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Vẫn tồn tại những hiện tượng bất hợp lý, độc quyền hay tiêu cực trong quá trình tiền kiểm hàng xuất khẩu. Và các doanh nghiệp vẫn đang tự mình loay hoay góp nhặt thông tin về các biện pháp TBT-SPS ở các thị trường mà ít khi nào nhận được thông tin đầy đủ từ các cơ quan Nhà nước có liên quan.
Quy tắc xuất xứ và hàng rào TBT-SPS chỉ là hai trong số nhiều câu chuyện mà các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu phải đối mặt khi hội nhập hay tận dụng cơ hội từ các FTA trước đây, và với CPTPP hôm nay. Còn có nhiều câu chuyện khác, về chi phí logistics quá cao (xấp xỉ 20% GDP), cơ sở hạ tầng vừa thiếu vừa yếu, nguồn nhân lực tiếng là dồi dào nhưng chất lượng chưa đủ đáp ứng nhu cầu, năng suất lao động thấp (chỉ bằng 7% của Singapore và thua cả nước bạn Lào), thủ tục hành chính dù cải thiện nhưng vẫn còn muôn vàn những bất cập trong thực tế thực thi… Tất cả những điều này ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, và tất nhiên tác động tức thời tới tình hình kinh doanh và khả năng bứt phá tận dụng cơ hội CPTPP nói riêng và hội nhập nói chung của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Điều đáng nói là tất cả những hiện trạng này đều đã được ghi nhận, những tác nhân gây ra cũng đã được gọi tên, thậm chí các giải pháp đã được tính tới. Mặc dù vậy, dường như chuyển biến còn quá mờ nhạt. Liệu có phải bởi chúng ta chưa bắt đúng bệnh, bởi bài thuốc chưa trúng hay bởi nguyên nhân nào khác?
Tôi hy vọng buổi thảo luận ngày hôm nay của chúng ta sẽ nhìn thẳng vào vấn đề, mổ xẻ chính xác bất cập nằm ở đâu, và hiến kế về những giải pháp cụ thể, để các ngành có định hướng rõ ràng, để gợi ý Chính phủ những chính sách đồng bộ, liên hoàn và quyết liệt, và chúng ta có thể biến các cơ hội tiềm năng của CPTPP thành lợi nhuận có thực cho các doanh nghiệp, thành thu nhập tốt hơn cho người lao động, và thành những chỉ số thịnh vượng cho cả nền kinh tế.
Với mong muốn như vậy, tôi xin chúc Diễn đàn của chúng ta hôm nay thật sôi nổi, hữu ích và thành công.