Chủ quyền trên Biển Đông: Việt Nam đối ngoại mềm dẻo nhưng cương quyết!

Diendandoanhnghiep.vn Việt Nam đang đi theo chính sách đối ngoại mềm dẻo nhưng kiên quyết trong vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.

Tàu cảnh sát biển Việt Nam làm nhiệm vụ trên Biển Đông. Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam.

Tàu cảnh sát biển Việt Nam làm nhiệm vụ trên Biển Đông. Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam.

Tại buổi tiếp xúc cử tri các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Thủ Đức trước kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, diễn ra ngày 12/5, nhiều cử tri đã kiến nghị Đảng, Nhà nước tăng cường hơn nữa công tác đối ngoại, có giải pháp hiệu quả để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và kịp thời thông tin về các chính sách này để nhân dân hiểu và nắm bắt kịp thời thông tin, tránh để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo kích động.

Cử tri Trần Việt Trung (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức) cho rằng khi các nước trên thế giới đang phải chống chọi với dịch COVID-19 thì Trung Quốc đã ngang nhiên thành lập cái gọi là quận đảo Tây Sa, Nam Sa trên Biển Đông. Trung Quốc còn tung ra luận điệu khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam)...

Còn cử tri Phan Văn Lực (phường 13, quận Bình Thạnh) cho rằng tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông là chiến lược lâu dài của họ. Vì vậy chúng ta cần phải đoàn kết lên tiếng phản đối công khai và mạnh mẽ hơn nữa. Việc đoàn kết sẽ tạo sức mạnh ngăn chặn tham vọng bành trướng này của Trung Quốc.

Cử tri Hà Thanh Danh (phường 15, quận Bình Thạnh) nêu: Trung Quốc đâm chìm tàu cá của chúng ta tại Hoàng Sa, ngang nhiên ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông. Vấn đề này ngoài việc phản đối thì cơ quan chức năng cần tuyên truyền, vận động ngư dân tiếp tục ra khơi, đánh bắt ở ngư trường của mình và lực lượng chức năng của Việt Nam cần sát cánh cùng ngư dân trên biển để bảo vệ và tạo sự an tâm cho bà con ngư dân.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan ghi nhận các ý kiến đóng góp, kiến nghị của cử tri và thông tin là Việt Nam đang đi theo chính sách đối ngoại mềm dẻo nhưng kiên quyết trong vấn đề chủ quyền...

Liên quan đến những ý kiến này, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: Việt Nam kiên quyết bác bỏ yêu sách phi lý, hoạt động vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông và yêu cầu nước này không làm phức tạp tình hình.

Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế trước bất cứ hành vi vi phạm nào đối với vùng biển, thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời duy trì môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển.

"Việt Nam cũng đã giao thiệp với Trung Quốc để khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của Việt Nam, bác bỏ quan điểm sai trái của Trung Quốc về Biển Đông", Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng cho biết.

Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã thường xuyên chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó có các biện pháp an ninh - quốc phòng, chính trị - ngoại giao, kinh tế - xã hội, dư luận và tuyên truyền, thúc đẩy hợp tác giải quyết vấn đề và các biện pháp khác.

Trước các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán cũng như các quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, cùng với hoạt động đấu tranh trên thực địa, Bộ Ngoại giao, các cơ quan Chính phủ và các Cơ quan đại diện ở ngoài nước đã kịp thời phối họp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành đấu tranh ngoại giao ở các cấp, các kênh khác nhau, dưới nhiều hình thức.

Đối với Trung Quốc, tăng cường tiếp xúc, đối thoại, trao đổi, trao công hàm, giao thiệp phản đối, trong các dịp tiếp xúc và chuyến thăm cấp cao, hội đàm song phương, trao đổi bên lề các hội nghị quốc tế và diễn đàn đa phương hoặc trong khuôn khổ các cơ chế đàm phán về vẩn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc.

Kiên quyết bác bỏ các yêu sách phi lí và hoạt động vi phạm của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt ngay các hoạt động này; không tiếp diễn các hành động làm phức tạp tình hình, xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, đặc biệt là hoạt động quân sự hóa, cản trở các hoạt động phát triển kinh tế biển của Việt Nam; tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích của Việt Nam.

Đối với các nước, các đối tác, bạn bè gần xa, các tổ chức quốc tế và khu vực, ta chủ động tiếp xúc, thông tin, vận động sự ủng hộ của cộng đồng và dư luận quốc tế, làm rõ để các nước hiểu chính sách của ta.

"Lập trường và chính nghĩa của ta được nhiều nước trong và ngoài khu vực ủng hộ, ghi nhận trong các văn kiện của các hội nghị có liên quan. Đồng thời, nhiều nước cũng có tiếng nói mạnh mẽ phê phán các hành động đơn phương, vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của ta", Bộ Ngoại giao cho biết.

"Trước việc Trung Quốc lưu hành một số công hàm nêu các yêu sách chủ quyền phi lý đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không phù hợp với luật pháp quốc tế; cùng các yêu sách biển ở Biển Đông, trái với quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 (UNLCOS), Việt Nam đã lưu hành công hàm tại Liên Hợp Quốc để bác bỏ các yêu sách này, như đã được nêu trong nhiều văn bản của Liên Hợp Quốc và các cơ quan quốc tế liên quan", ông Ngô Toàn Thắng nhấn mạnh và cho biết: Việt Nam cũng đã giao thiệp với Trung Quốc để khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của Việt Nam, bác bỏ quan điểm sai trái của Trung Quốc.

Trước đó, ngày 10/4, Việt Nam lưu hành công hàm để khẳng định lập trường về vấn đề Biển Đông với các nước liên quan khác. Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng một lần nữa nhắc lại việc Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với quy định và luật pháp quốc tế.

Là quốc gia ven biển, Việt Nam được hưởng đầy đủ các vùng biển tại Biển Đông được xác lập trên cơ sở UNCLOS. Mọi yêu sách biển trái với UNCLOS, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam, là không có giá trị, theo ông Thắng.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nhắc lại quan điểm của Việt Nam: Tất cả các quốc gia có nghĩa vụ và lợi ích chung trong việc tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bao gồm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia, không sử dụng hoặc đe đọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế để chống lại toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình. "Trên tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng giải quyết tranh chấp với các quốc gia liên quan thông qua đàm phán cũng như các biện pháp hòa bình khác, kể cả các biện pháp quy định tại UNCLOS", ông Thắng nhấn mạnh.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Chủ quyền trên Biển Đông: Việt Nam đối ngoại mềm dẻo nhưng cương quyết! tại chuyên mục Chính trị của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711713956 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711713956 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10