Từng thành viên các đoàn giám sát phải có bản lĩnh, dám nói thẳng, nói thật, phát huy mô hình tốt, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt để nhân rộng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 4/11.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, qua giám sát phải phát huy được những mô hình tốt, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt để nhân rộng, chứ không phải chỉ tìm khuyết điểm, sai phạm.
“Phải đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục đẩy mạnh khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn, góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước. Đó mới là mục tiêu cao nhất của giám sát”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, đây là hội nghị trực tuyến toàn quốc đầu tiên trong nhiệm kỳ này để triển khai công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Có lẽ từ trước đến nay chúng ta mới tổ chức một hội nghị toàn quốc như thế này để thống nhất nhận thức, thống nhất hành động từ Trung ương đến địa phương, từ cơ quan này với cơ quan khác, bảo đảm phối hợp “dọc – ngang - trên – dưới – trong – ngoài”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, khi đã thống nhất được nhận thức và hành động thì mới tổ chức giám sát đạt được kết quả như mong muốn, với những mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra theo quy định pháp luật về công tác giám sát của Quốc hội, cũng như trong 4 chuyên đề giám sát cụ thể của năm 2022.
Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh thêm một số vấn đề sau.
Các ý kiến phát biểu đều đồng tình, đánh giá cao các kế hoạch chi tiết và sáng kiến tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện chương trình giám sát, cho rằng, có nhiều đổi mới, chất lượng chuẩn bị các kế hoạch chi tiết của các chuyên đề rất kỹ lưỡng.
Đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành đều cho rằng, các chuyên đề giám sát lần này do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn, quyết định đều rất đúng, rất trúng và hết sức quan trọng.
Chúng ta biết rằng, bên cạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì thực hành tiết kiệm, chống lãng phí rất quan trọng, hệ quả của lãng phí trong một số lĩnh vực rất lớn.
Với giám sát về công tác dân nguyện, tất cả quyết sách đều phải đặt người dân và doanh nghiệp vào trung tâm. Do đó, phải hết sức chú trọng công tác dân nguyện, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Quốc hội cũng có trách nhiệm trong vấn đề này, ngoài Ban Dân nguyện thì Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội cũng có nhiệm vụ này mà không chỉ có Chính phủ, các bộ, ngành hoặc các cơ quan khác ở địa phương.
Vấn đề quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch là rất mới, rất khó. Trước đây, khi làm luật chúng ta nói tích hợp quy hoạch nhưng bây giờ lại thành quy hoạch tích hợp, không biết cái nào có trước, cái nào có sau.
Như hiện nay, Quốc hội đang xem xét quy hoạch quốc gia về sử dụng đất đai, trong khi phải có Quy hoạch tổng thể quốc gia trước thì mới có căn cứ để lập quy hoạch về sử dụng đất quốc gia.
Nhưng đến nay chưa có Quy hoạch tổng thể quốc gia nên phải làm song song, đồng thời, quy hoạch nào xong trước thì phê chuẩn trước, quy hoạch nào xong sau thì phê chuẩn sau.
Khi phê chuẩn xong mới tích hợp lại xem không phù hợp chỗ nào thì điều chỉnh chỗ đó. Đây là việc rất khó. Quy hoạch sử dụng đất đai trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai này đã sử dụng tối đa các dữ liệu trong quá trình xây dựng nhưng vẫn phải tiếp tục rà soát để bảo đảm phù hợp với quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch vùng huyện. Luật Quy hoạch ban hành từ năm 2017, nhưng đến nay việc triển khai xây dựng các quy hoạch rất chậm, trong khi quy hoạch phải đi trước một bước.
Như vậy, để thấy rằng các chuyên đề giám sát được lựa chọn rất đúng, rất trúng. Chúng ta cũng tin tưởng, nếu làm tốt các chuyên đề giám sát này thì sẽ tạo ra bước chuyển biến mới trong công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Chúng ta cũng hy vọng và tin tưởng sẽ tạo ra những chuyển biến trong từng lĩnh vực thuộc phạm vi và đối tượng giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đồng chí ở Trung ương và địa phương đều thống nhất như vậy.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng bây giờ là tổ chức thực hiện như thế nào? Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trước hết, trách nhiệm đầu tiên, trực tiếp là của các Đoàn giám sát.
Hiện nay đã thành lập các Đoàn giám sát bao gồm cả các thành viên khác là chuyên gia và đại diện các cơ quan hữu quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn và các thành viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định của Luật Hoạt động giám sát và các quy chế, quy định pháp luật khác có liên quan.
Trước đây có tình trạng một đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội có thể tham gia 2 đến 3 Đoàn giám sát nhưng lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dứt khoát một đồng chí chỉ tham gia duy nhất một Đoàn để tập trung thực hiện nhiệm vụ, không có chuyện “đánh trống, ghi tên”.
Đã là thành viên Đoàn giám sát thì từng cá nhân phải làm đến nơi, đến chốn; phát huy tinh thần trách nhiệm, tham gia đầy đủ các hoạt động theo yêu cầu của Luật cũng như yêu cầu của Đoàn giám sát; lắng nghe ý kiến của chuyên gia, các nhà khoa học, ý kiến của nhân dân, lắng nghe bằng nhiều kênh, nhiều tai, trung thực, khách quan; đồng thời cũng phải tôn trọng đối tượng giám sát, không sách nhiễu, không gây phiền hà, không “cua cậy càng, cá cậy vây”.
“Đây là vấn đề các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nhắc nhiều lần. Không phải chúng ta là giám sát tối cao thì muốn làm gì cũng được mà trong quá trình giám sát, không được gây ra những phiền toái, ảnh hưởng hoạt động bình thường của các cơ quan, các đối tượng giám sát”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Đối với những nghi vấn đề liên quan đến quản lý và bảo mật thông tin cũng hết sức chú ý, tránh tình trạng “trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông”. Những số liệu, nội dung, vấn đề đang trong quá trình bàn, nhất là liên quan đến quyền lợi của doanh nghiệp, quyền lợi của người dân thì phải hết sức cẩn trọng. “Chúng tôi tin là việc này chúng ta đã làm rất tốt thì tới đây sẽ làm tốt hơn”, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
Đối với các thành viên cũng như Trưởng, Phó trưởng Đoàn giám sát, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phải có bản lĩnh, dám nói thẳng, nói thật, tránh tình trạng phát hiện từ dưới cơ sở bằng “con voi” nhưng gọt giũa dần khi lên đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì chẳng còn gì nữa.
Phải tuyệt đối tránh những việc như vậy, vì chúng ta giám sát trên tinh thần xây dựng. Giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để. Chúng ta phải phát huy được những mô hình tốt những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt để nhân rộng; không phải chỉ tìm những khuyết điểm, sai phạm để nói.
“Phải đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục đẩy mạnh khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn, góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước. Đó mới là mục tiêu cao nhất của giám sát”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Đối với Hội đồng Nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội, đây là hai chủ thể độc lập, có chức năng, nhiệm vụ được điều chỉnh bởi các khung khổ pháp lý khác nhau. Về nguyên tắc, Đoàn ĐBQH và HĐND có ý kiến độc lập và tham gia Đoàn giám sát theo kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, Đoàn ĐBQH và HĐND phải phối hợp chặt chẽ với nhau. Cách làm phải hết sức linh hoạt, phải dựa vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của MTTQ. Giám sát là gì? Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải làm thế nào?
Nhắc lại câu nói của Bác Hồ với đại ý, “bây giờ phải biến mọi con mắt, lỗ tai của nhân dân thành hàng triệu ngọn đèn pha để soi rọi, để không có chỗ ẩn nấp cho tiêu cực, cho lãng phí, quan liêu và tham nhũng”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chúng ta phải dựa vào Dân, dựa vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, các cơ quan chức năng địa phương, Trung ương để triển khai tốt hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cùng với việc bám sát đề cương, kế hoạch của Đoàn giám sát, phải tranh thủ ý kiến các nhà khoa học, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương… Nhiều địa phương có mô hình và hoạt động giám sát rất hiệu quả, như Hà Nội là một điển hình trong công tác giám sát.
Cả nước cũng có rất nhiều tỉnh, thành phố có mô hình hoạt động tốt, cả về giám sát và các vấn đề khác. Bên cạnh đó, cũng phải điều độ, hợp lý về thời gian và tiến độ, lộ trình như các đồng chí đã đề xuất.
Đối với từng Bộ, ngành và cơ quan chức năng từ Trung ương, địa phương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần chủ động theo kế hoạch chi tiết đã được giao, kịp thời kiến nghị, đề xuất với các Đoàn giám sát những vấn đề phát sinh, vấn đề liên quan; cung cấp thông tin. Phải phối hợp rất tốt thì mới làm tốt được.
Đối với Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị sớm triển khai lập các báo cáo tổng hợp và cung cấp các báo cáo chuyên đề cho các Đoàn giám sát. Với kết quả kiểm toán 5 năm vừa qua thì “kho tài liệu” của Kiểm toán Nhà nước hết sức phong phú.
Tất cả các lĩnh vực đều đã có giám sát, bây giờ chỉ tích hợp, tổng hợp, phân tích, đánh giá thành các báo cáo chuyên đề cung cấp cho Đoàn giám sát; đồng thời, bổ sung vào kế hoạch kiểm toán năm 2021, 2022 nhiệm vụ cho các kiểm toán chuyên ngành, kiểm toán khu vực bám sát nội dung, chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Kiểm toán Nhà nước khu vực cố gắng hỗ trợ cho Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND trong công tác giám sát.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các Đoàn giam sát kịp thời có báo cáo về tiến độ, rà soát các vấn đề phát sinh; thường xuyên giao ban nội bộ và có thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải quyết những khó khăn, vướng mắc hoặc vấn đề phát sinh trong quá trình giám sát, thậm chí có những vấn đề còn phải điều chỉnh cả về chương trình, kế hoạch cũng như mục tiêu trọng điểm vì quá trình làm có thể phát sinh những vấn đề mới, có vấn đề cần phải mở rộng, đi sâu hơn so với kế hoạch.
Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các địa phương đảm bảo các điều kiện kinh phí cho hoạt động giám sát theo quy định. Chế độ sử dụng chuyên gia đã có. Tổng Thư ký Quốc hội rà soát lại có vấn đề gì cần hướng dẫn cho các địa phương để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.
Các cơ quan truyền thông, báo chí, bao gồm các cơ quan báo chí của Quốc hội và các cơ quan báo chí ở Trung ương, địa phương tham gia sâu rộng vào quá trình thực hiện giám sát của Quốc hội và cung cấp thông tin liên quan đến các chủ đề giám sát này.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, báo chí là kênh rất có giá trị, một mặt cung cấp thông tin truyền thông về hoạt động giám sát nhưng mặt khác cũng cung cấp, phản ánh thông tin về những nơi, những địa điểm mà các Đoàn giám sát có thể phải có tổ chức giám sát trực tiếp, chuyên sâu hơn.
Có thể bạn quan tâm
10:48, 04/11/2021