Tốc độ phát triển kinh tế của TP.HCM đạt hơn 8% mỗi năm nhưng hiện số vốn bình quân đầu tư trên mỗi dự án chưa đạt được 1 triệu USD, hàng loạt dự án lớn đang bị "đóng băng".
Cần xem xét, giải quyết đối với hơn 100 dự án đang bị "đóng băng" , đảm bảo nguyên tắc không làm thất thoát tài sản công.
Tại cuộc họp về kinh tế - xã hội diễn ra sáng nay (10.5), Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong bức xúc khi hàng loạt dự án lớn trên địa bàn TP đang trong tình trạng tê liệt.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, mặc dù tốc độ phát triển kinh tế của TP.HCM đạt hơn 8% mỗi năm nhưng hiện số vốn bình quân đầu tư trên mỗi dự án chưa đạt được 1 triệu USD. Điều đó làm giảm tính cạnh tranh, chưa tác động mạnh mẽ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố.
Do đó, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các đơn vị phải tập trung tháo gỡ nhiều dự án "gần như đóng băng" như: Khu phức hợp Lotte ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2), SaiGon Sports City (Q.2), Trung tâm hội chợ triển lãm ở Q.2, Khu đô thị sinh thái Bình Quới – Thanh Đa (Q.Bình Thạnh),...
“Đã thảo luận, làm việc và chỉ ra điểm vướng. Vậy tại sao dự án không chuyển động? Nhiều dự án chững lại, thậm chí còn nằm trên giấy. Không biết các đồng chí thấy sao chứ tôi thấy xót xa lắm” - ông Phong nói.
Lý do không tạo được sự chuyển động là việc chỉ đạo giữa các sở - ngành, quận - huyện rời rạc, không tập trung, ông Phong nhấn mạnh.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM kiến nghị UBND TP và Thanh tra Chính phủ xem xét, giải quyết đối với hơn 100 dự án đang bị "đóng băng" chờ rà soát, thanh tra, phải đảm bảo nguyên tắc không làm thất thoát tài sản công. Quá trình rà soát, thanh tra càng kéo dài thì càng bất lợi cho doanh nghiệp vì chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh, số lượng dự án bị giảm dẫn đến số lượng nhà ở đưa ra thị trường cũng bị sụt giảm mạnh.
Theo Hiệp hội, cần có kết luận và hướng xử lý cụ thể đối với từng dự án, đồng thời cần phân loại hơn 100 dự án đang bị rà soát, thanh tra thành 3 loại để có phương án xử lý phù hợp.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu từng ủy viên UBND TP.HCM phải tập trung chỉ đạo, đeo bám mạnh mẽ vào các dự án để không có lỗi với người dân.
“Năm 2019, TP.HCM là năm cải cách mạnh mẽ hành chính nhưng sở- ngành, quận - huyện chỉ đạo không ra kết quả. Năm nay đã bước qua bốn tháng mà không tạo được sự chuyển động mạnh mẽ. Đề nghị các đơn vị này phải tập trung, chỉ đạo một vài dự án trọng điểm để tạo “cú hích” đối với các dự án khác, ông Phong nói.