Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đỗ Đức Duy, P.Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái khẳng định:
Nâng cao sức đề kháng của các doanh nghiệp chính là yếu tố cốt lõi để nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh. Do đó, không phải đến bây giờ Yên Bái mới quan tâm, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, mà trong những năm gần đây, vấn đề này đã được lãnh đạo tỉnh nhìn nhận một cách thấu đáo.
Ông Đỗ Đức Duy cho biết, ngay sau khi kết quả PCI 2017 được công bố, UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo Sở KH&ĐT phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát toàn bộ các chỉ số thành phần của chỉ số PCI năm 2017. Từ đó có các giải pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém, đặc biệt là các chỉ số giảm điểm, các chỉ số có điểm số thấp hơn mức bình quân của cả nước.
- Tiêu chí nào Yên Bái chưa thực sự hài lòng và sẽ tập trung giải quyết trong thời gian tới, thưa ông?
Yên Bái đang tập trung tiếp tục mạnh mẽ cải cách hành chính nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trên địa bàn. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018, tỉnh sẽ bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Tỉnh ủy về nhiệm vụ cải cách hành chính phù hợp với điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đồng thời quan tâm đến cải cách thể chế; TTHC; hiện đại hóa nền hành chính…
Đặc biệt, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thuận tiện hơn cũng như giảm chi phí tài chính, thời gian cho các TTHC, ngày 9/4/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 476 phê duyệt danh mục 743 TTHC thực hiện tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Yên Bái giai đoạn 1.
Hiện nay, các sở, ban, ngành có liên quan đang tiếp tục rà soát, bổ sung các TTHC đưa vào giải quyết tại Trung tâm.
Trung tâm Phục vụ Hành chính công một cửa sẽ không cho phép bất cứ sự phiền hà, nhũng nhiễu nào tới doanh nghiệp. Trong quá trình vận hành, sẽ có TTHC được giải quyết tại chỗ ngay và trong ngày, nhưng cũng có những thủ tục cần phải xem xét hồ sơ, cần có ý kiến các sở ngành liên quan thì phải tuân theo quy định TTHC.
Lần đầu tiên Yên Bái có bước nhảy khá dài (14 bậc) vượt qua nhiều tỉnh để đứng vị trí 42/63 tỉnh thành trong bảng xếp hạng PCI 2017. Kết quả PCI 2017 cho thấy, các sở, ban, ngành, các địa phương của tỉnh đã quan tâm đổi mới cách thức, quy trình giải quyết các TTHC, tạo chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính với các tổ chức, doanh nghiệp và công dân. Về cơ bản tỉnh đã giảm bớt được một số thủ tục không cần thiết, các chính sách về thu hút đầu tư cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm, thường xuyên sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp, từ đó giảm phiền hà, tốn kém thời gian, công sức của tổ chức và công dân; tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức có nhiều đổi mới, được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chỉ số thấp điểm so với năm 2016 khiến mục tiêu top khá PCI của cả nước mà Yên Bái đặt ra trong năm 2017 chưa thành hiện thực như: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch… |
Tỉnh định hướng, Trung tâm hành chính công sẽ được thực hiện đến cấp xã. Song thực tế hiện nay, do thuộc địa bàn vùng sâu vùng xa, công nghệ thông tin hạ tầng còn hạn chế nên tỉnh sẽ từng bước hiện đại hoá thủ tục này.
- Được biết, doanh nghiệp không chỉ mong một môi trường đầu tư thuận lợi, mà cần cả sự lành mạnh. Chính quyền Yên Bái có quan tâm vấn đề này?
Có thể thấy, trong nhiều năm qua, doanh nghiệp mong mỏi rất nhiều ở sự cải cách và điều hành của chính quyền địa phương để có môi trường thuận lợi nhất, trong lành nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, tỉnh thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp thông qua các hình thức như cà phê doanh nhân hàng tháng để lắng nghe, phân tích tình hình, rút kinh nghiệm, tập trung “khơi thông” “ách tắc” theo từng lĩnh vực, ngành nghề … không nhất thiết phải bằng văn bản.
Đối với các doanh nghiệp triển khai các dự án quy mô lớn trên địa bàn, tỉnh thành lập ban chỉ đạo, các tổ công tác phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp tiến hành các thủ tục được thông thoáng thuận lợi. Năm 2017 đã có một số dự án thực hiện như vậy. Như dự án như dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Edge Glass của nhà đầu tư Hàn Quốc, khi làm như vậy nhà đầu tư rất hài lòng và tin tưởng.
Đặc biệt, trong năm 2018 tỉnh chỉ đạo các sở ngành rà soát kiểm tra đánh giá tiến độ nghiên cứu triển khai các dự án đầu tư đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Nếu các doanh nghiệp có khó khăn, vướng mắc sẽ tìm biện pháp tháo gỡ. Còn những doanh nghiệp không triển khai theo đúng tiến độ cam kết thì sẽ có biện pháp xử lý làm trong sạch môi trường đầu tư kinh doanh.
- Với Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ "về hỗ trợ và phát triển các doanh nghiệp đến năm 2020", Yên Bái làm gì để góp phần thực hiện mục tiêu đến 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, thưa ông?
Yên Bái xác định, khuyến khích khởi nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, tạo ra sự đổi mới, phát triển các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Do đó, UBND tỉnh đã ban hà̀nh kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết trong đó tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện các chính sách mới về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp…
Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.900 doanh nghiệp và khoảng 370 HTX hoạt động, tỷ lệ huy động tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) vào ngân sách tăng lên 10,5%. Tạo thêm việc làm mới cho khoảng 17.000 lao động/năm. Để đạt được mục tiêu này, Yên Bái sẽ tập trung cải cách TTHC; tạo chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh; kịp thời xử lý những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp NVV trên địa bàn. Nâng cao chất lượng công tác đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, giải quyết thực chất, dứt điểm các vướng mắc của doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật cho phép và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các mô hình HTX, liên hiệp HTX và hướng dẫn, vận động các HTX đủ điều kiện chuyển đổi lên thành doanh nghiệp. Trước tiên, áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp từ hộ cá thể thành nhóm hộ, lên thành HTX và liên hiệp HTX.
- Xin cảm ơn ông!