Chính quyền nên lắng nghe, chia sẻ với doanh nghiệp và ngược lại doanh nghiệp cũng cần hiến kế cho chính quyền để có sự tương tác hiệu quả hơn.
Đó là một trong những nội dung quan trọng được TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phát biểu tại Hội nghị Hội đồng trung ương các hiệp hội doanh nghiệp khu vực miền Trung do VCCI phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức vừa qua tại TP Vinh.
Đây là sự kiện rất quan trọng với sự tham gia của đại diện hơn 200 doanh nghiệp, hiệp hội và lãnh đạo các tỉnh thuộc khu vực miền Trung nhằm tập hợp những ý kiến, kiến nghị thiết thực để chuẩn bị cho Hội nghị Hội đồng trung ương các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam toàn quốc dự kiến sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào quý I năm nay, đặc biệt là Hội nghị Thủ tướng gặp mặt doanh nghiệp năm 2018.
Hội nghị Hội đồng trung ương các hiệp hội doanh nghiệp miền Trung còn là dịp để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh cũng như kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong thời gian tới; Góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2017 – 2018 và Nghị quyết 35/NQ-CP về “Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”, Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 10-NQ/TW khoá XII.
Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng trung ương các hiệp hội doanh nghiệp miền Trung, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng: Việt Nam vừa tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC 2017 với chuỗi các sự kiện quan trọng diễn ra. Trong xu thế khởi sắc của nền kinh tế thế giới, Việt Nam là một trong những tâm điểm được sự chú ý của thế giới, đặc biệt là sau sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Đây là một điều đáng mừng, một triển vọng cho nền kinh tế Việt Nam và cho doanh nghiệp chúng ta.
Thời gian qua, Việt Nam cũng đã đẩy mạnh cải cách thể chế bằng việc ban hành Nghị quyết số 19, Nghị quyết 35 và các văn bản liên quan nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Một làn sóng cải cách thể chế lần thứ 2 đã bắt đầu.
Đó là Chính phủ đã đặt ra yêu cầu đối với tất cả các Bộ, ngành phải cắt giảm tối thiếu 50% các điều kiện kinh doanh và các thủ tục hành chính trong kiểm tra chuyên ngành.
Ngay như Bộ Công thương vừa rồi đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tiến hành cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính. "Tôi nghĩ không chỉ Bộ Công thương là cá biệt mà ngay cả các Bộ, ngành khác hoàn toàn có thể cắt giảm", TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Chính vì vậy cùng với sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách hành chính bằng việc đặt ra mục tiêu Việt Nam phải là 1 trong 3 nền kinh tế có thể chế, môi trường kinh doanh tốt nhất trong ASEAN. Thủ tướng cũng đặt ra mục tiêu Việt Nam không chỉ là môi trường kinh doanh tốt nhất ASEAN mà phải hướng tới mục tiêu là một trong những nền kinh tế hàng đầu trên thế giới.
Ngoài ra, Chính phủ cũng có 3 định hướng khác đang thực hiện là cơ hội để phát triển cho địa phương và doanh nghiệp: Thứ nhất, quá trình cổ phần hoá DNNN đang được đẩy mạnh mẽ. Thứ hai, Chính phủ cũng sẽ thành lập cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước độc lập. Thứ ba, Nhà nước sẽ chuyển giao các dịch vụ công cho xã hội thị trường. Trên thực tế, trong 17 đề án liên quan đến dịch vụ công cho xã hội thị trường thì mới chỉ có 2 đề án được trình.
Trong 2 chức năng quan trọng của Nhà nước gồm Nhà nước kiến tạo và Chính phủ kiến tạo là tạo luật chơi cho thị trường bình đằng và định hướng cho nền kinh tế phát triển đúng hướng. Doanh nghiệp tư nhân đang rất cần sự định hướng từ các cơ quan nhà nước để phát triển, đầu tư hiệu quả.
Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, để làm được điều đó, thì sự tương tác giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương rất quan trọng để nền kinh tế phát triển. "Tôi nghĩ đối với các vấn đề kinh doanh thì chắc chắn các doanh nghiệp am hiểu hơn các cơ quan quản lý nhà nước. Còn đối với vấn đề quản trị, định hướng phát triển mang tầm quốc gia thì các cơ quan quản lý nhà nước giỏi hơn doanh nghiệp. Chính vì vậy, chúng ta cần bổ sung, tương tác cho nhau bằng cách tổ chức gặp gỡ giữa chính quyền và doanh nghiệp qua các mô hình. Cụ thể như mô hình cà phê doanh doanh chính là nơi để doanh nghiệp có thể trao đổi, kiến nghị, tương tác với chính quyền để mang lại lợi ích cho cả 2 bên", TS. Vũ Tiến Lộc cho biết.
Theo Chủ tịch VCCI, để làm được những điều đó, thì bản thân doanh nghiệp cũng cần phải nỗ lực để cạnh tranh với thị trường thế giới. Đó là công tác cập nhật thông tin, công nghệ, mô hình quản trị kinh doanh. Đặc biệt, trước cuộc cách mạng 4.0 thì doanh nghiệp cần phải nhanh nhạy nắm bắt kịp thời các công nghệ để áp dụng một cách có hiệu quả nhằm phát triển bền vững.