Chủ tịch VCCI - TS Vũ Tiến Lộc: Việt Nam là một trong những quốc gia đề cập nhiều nhất về Cách mạng 4.0

Diendandoanhnghiep.vn Đó là khẳng định của Chủ tịch VCCI - TS Vũ Tiến Lộc tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) 2018.

Chiều nay (13/9), Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) 2018 đã được tổ chức tại Hà Nội. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018. Báo Diễn đàn Doanh nghiệp xin trích đăng toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc tại Hội nghị này.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) 2018.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) 2018.

“Hai ngày qua, với một chương trình nghị sự dày đặc, chúng ta dường như đã đi vòng quanh thế giới để thảo luận về những vấn đề hệ trọng nhất của nền kinh tế đương đại: Từ những vấn đề thị trường, các dòng chảy thương mại-đầu tư, đến những xu hướng mới về công nghệ và quản trị, vấn đề phát triển bền vững và bao trùm, vấn đề khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, vấn đề việc làm, vấn đề bình đẳng giới và an ninh mạng.v.v. Tinh thần doanh nghiệp và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các thảo luận của chúng ta. Và chúng ta cùng thống nhất với nhau rằng: Đó cũng chính là những động lực mới trong sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu.

Chủ tịch sáng lập và điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới khẳng định: “Quốc gia chậm chân trong Cách mạng 4.0 sẽ tụt hậu”. Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì chia sẻ: “Chính các doanh nghiệp sẽ định hình tương lai của nền kinh tế” !... Tinh thần doanh nghiệp và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là như vậy.

Việt Nam rất có duyên với Diễn đàn Kinh tế Thế giới: Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đã lấy các chuẩn mực tiên tiến trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới làm mục tiêu phấn đấu, và chương trình tái cấu trúc nền kinh tế hiện nay của Việt Nam cũng được thiết kế trên cơ sở tham khảo Báo cáo về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên để ký kết thỏa thuận hợp tác theo mô hình đối tác công – tư.

Hai năm gần đây, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều cuộc thảo luận nhất về Cách mạng công nghiệp 4.0 và cũng được kỳ vọng là quốc gia có thể hiện thực hóa để bứt phá theo trào lưu của cuộc Cách mạng này.

Theo báo cáo của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu vừa công bố vào năm nay, chỉ số khởi nghiệp của Việt Nam đứng thứ 6 trong số 54 nền kinh tế tham gia khảo sát. Kết quả nghiên cứu của AlphaBeta cũng xếp hạng Việt Nam ở vị trí thứ 2 về môi trường đầu tư công nghệ và thứ 3 về nhân tài số trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương… Đó là những lợi thế mới của Việt Nam trong nền kinh tế số, bên cạnh những lợi thế truyền thống: vị trí địa chính trị, địa kinh tế thuận lợi, sự ổn định về chính trị-xã hội, quy mô thị trường lớn được gắn kết nối với các hiệp định thương mại tự do, lực lượng lao động trẻ, dồi dào và chi phí thấp,… Những nỗ lực cải cách thể chế, chủ trương xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, cũng đang trở thành một động lực mới của nền kinh tế Việt Nam.

Đầu tuần này, Chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ Điện tử do đích thân Thủ tướng làm Chủ tịch. Quyết định này lan tỏa một thông điệp mạnh mẽ: Chính phủ sẽ đi đầu trong nền kinh tế số - hướng tới một nền hành chính minh bạch và hiệu quả - yêu cầu quan trọng bậc nhất của một nền kinh tế thị trường hiện đại.

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam hôm nay mang tên gọi: Việt Nam, We mean Business (Việt Nam là đối tác kinh doanh tin cậy). Đó cũng chính là cam kết của chúng tôi với toàn thế giới.

Tại Hội nghị này, ngoài những định hướng về tầm nhìn, chương trình cải cách và triển vọng phát triển của Việt Nam gắn kết với các chuỗi giá trị toàn cầu sẽ được chia sẻ trong các bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, các vị Bộ trưởng, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và các tập đoàn kinh doanh hàng đầu sẽ giới thiệu cụ thể các cơ hội kinh doanh với Việt Nam trong kỷ nguyên số, đặc biệt là các dự án đổi mới sáng tạo, các cơ hội đầu tư tài chính trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp tư nhân, các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó có các dự án phát triển cơ sở hạ tầng số trong nền kinh tế, để góp phần thực hiện ý tưởng về kết nối số với ASEAN và thế giới như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập trong diễn văn khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào ngày hôm qua…

Đây là những lĩnh vực được dự báo là sẽ có sự phát triển bùng nổ trong một nền kinh tế có tốc độ phát triển cao và hội nhập mạnh mẽ như Việt Nam. Các cơ hội này càng lớn hơn, trong bối cảnh xung đột thương mại trong nền kinh tế toàn cầu có diễn biến phức tạp và chính sách hướng Nam mới ở các nền kinh tế Đông Bắc Á đang được gia tốc, và Việt Nam được kỳ vọng sẽ là một điểm đến thân thiện, an toàn".

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Chủ tịch VCCI - TS Vũ Tiến Lộc: Việt Nam là một trong những quốc gia đề cập nhiều nhất về Cách mạng 4.0 tại chuyên mục VCCI của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713891793 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713891793 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10