Tôi chưa “tìm thấy” hành lang pháp lý và một môi trường thuận lợi hơn để y tế nước nhà phát triển.
>>TP.HCM: Thành lập ngay trung tâm mua sắm thuốc, vật tư y tế để phục vụ người dân!
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TP. HCM) chia sẻ với DĐDN về việc cho ý kiến dự án luật Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
- Theo bà, vấn đề đó là gì?
Tôi đã từng có những góp ý về y tế cơ sở, y tế dự phòng chúng ta còn nhiều hạn chế, nhưng điều đó không có nghĩa là không có những vấn đề tại cung ứng và điều trị. Trong khi cung ứng, dự phòng và điều trị là ba “chân kiềng” để tạo nên một hệ thống y tế hoàn chỉnh.
Hiện nay, hệ thống điều trị của chúng ta đang phải đối diện với những thử thách rất lớn. Đó là, liệu môi trường đã tạo điều kiện cho các y bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế phát huy hết chất xám và đã được “cởi trói” hay chưa? Bởi nếu “cởi trói” được những vướng mắc thì điều trị sẽ tốt và người dân sẽ được hưởng thụ.
- Bà có thể phân tích kỹ hơn về những bất cập này?
Thứ nhất, về chứng chỉ hành nghề, chúng ta vẫn tập trung vào khâu tiền kiểm. Đồng ý là sẽ phải chuẩn hóa, các bác sĩ phải có đầy đủ những chuyên môn theo đúng chuyên khoa của mình, sau đó phải có quá trình học tập, rèn luyện để nâng cao, cập nhật kiến thức.
Nhưng với Hội đồng y khoa sẽ giống như một mô hình thu nhỏ khác của hệ thống quản lý của Bộ Y tế hoặc của các Sở Y tế, gây rất nhiều khó khăn nếu như phải tập trung những người hành nghề để cấp lại chứng chỉ khi gia nhập Hội đồng này. Đây cũng là một dạng cơ chế xin-cho, trong khi phần hậu kiểm lại chưa làm rõ.
Bởi vì hiện chúng ta vẫn chỉ trông chờ vào hệ thống thanh tra của Nhà nước để đi thanh tra hành nghề, nhưng lực lượng thanh tra rất mỏng. Ngay cả TP.HCM là đơn vị tập trung nhiều cơ sở y tế nhất trong điều trị từ công lập tới các bệnh viện, phòng khám tư nhân nhưng số lượng thanh tra y tế chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, và không phải quận huyện nào cũng có bác sỹ hoạt động trong phòng y tế.
Do đó, vấn đề chúng ta hay gặp là khi phát hiện vi phạm mới đến kiểm tra lại và sau đó xử phạt. Tại sao chúng ta không áp dụng mô hình như ở các nước tiên tiến và như trước đây đã làm, đó là vai trò của hội nghề nghiệp y sĩ đoàn, dược sĩ đoàn, giao quyền cũng như trách nhiệm cho các hội nghề nghiệp tập trung những người hành nghề giám sát lẫn nhau?
Vấn đề là phải có cơ chế, để từ cấp chứng chỉ hành nghề đến giám sát, theo dõi làm việc như thế nào và rút chứng chỉ hành nghề nếu cần.
Thứ hai, “xương sống” của điều trị là hệ thống bệnh viện. Hiện nay, bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn. Bây giờ cơ chế tự chủ, là nhà nước chỉ cung cấp lương và giảm dần nguồn ngân sách lương của bác sĩ, nhân viên y tế. Còn bệnh viện phải tự chủ về mặt thu-chi.
Tự chủ là để tự kiếm nguồn thu nhưng cũng rất khó. Bởi vì, giá bị quy định, các nguồn quỹ lập ra, tài chính… tất cả đều phải theo quy định. Về tổ chức, cũng không tự quyết được ai sẽ là Giám đốc bệnh viện.
Như vậy, tự chủ nhưng để có thể phát huy được tính chủ động, suy nghĩ, chất xám của mình cho chất lượng bệnh viện tăng lên thì chưa có. Chưa kể, bây giờ có rất nhiều y, bác sĩ lựa chọn cách an toàn là không làm gì cả, không mua sắm, không đấu thầu… và cuối cùng thiệt thòi là người bệnh.
Do đó, cơ chế tài chính phải làm sao chấm dứt tình trạng trong một bệnh viện công lập có hai loại giá song song tồn tại. Đó là, giá dịch vụ và giá bảo hiểm y tế. Chuyện này rất vô lý, không có quốc gia nào như vậy.
Bây giờ chúng ta phải tính toán làm sao cho bảo hiểm bảo đảm nguồn thu cũng như đa dạng hóa nguồn thu. Các nước khác họ cũng làm như vậy, tại sao chúng ta lại làm không được?
Theo tôi, chỉ nên thống nhất một giá trong bệnh viện công lập, Nhà nước tiến hành một cách công khai, minh bạch, trợ giá cho bảo hiểm như thế nào để cho người dân vẫn được khám, chữa bệnh đúng với chất lượng nhưng bệnh viện vẫn được chi trả đúng theo giá trị chất lượng của các dịch vụ đó.
Thứ ba, liên quan tới cơ chế tài chính của bệnh viện, cơ sở vật chất chúng tôi cực kỳ “khổ sở” với cơ chế đấu thầu về thuốc và trang thiết bị y tế. Đấu thầu thuốc bao nhiêu năm đã “nói mãi”, chúng ta vẫn theo cơ chế càng rẻ càng tốt và năm sau phải rẻ hơn năm trước, thậm chí có những trường hợp đấu thầu rồi, trúng thầu rồi, chọn giá rẻ nhất rồi nhưng sau đó vài tháng một địa phương khác trúng thầu với giá thấp hơn lại phải áp theo giá đó.
Chúng tôi xin hỏi một câu ngược lại, nếu thị trường biến động giống như giá xăng tăng, giá thuốc tăng thì liệu bảo hiểm có thanh toán theo tăng hay không?
Đây là một cơ chế bất cập và chúng ta nhìn đâu cũng thấy “tội phạm”. Trong khi, đấu thầu phải thấy mục tiêu cao nhất là để cho người bệnh có thuốc, trang thiết bị với giá hợp lý nhất nhưng phải bảo đảm chất lượng.
>>Giải bài toán thiếu thuốc men, vật tư y tế
- Từ những phân tích trên, bà sẽ có những đề xuất như thế nào về dự thảo luật này?
Một là, luật phải tương thích với những luật khác, như Luật Đấu thầu, Luật Bảo hiểm y tế… nhưng chúng ta phải có cơ chế riêng để làm sao có được thuốc và trang thiết bị cho bệnh viện.
Chúng ta hãy nhìn ra xung quanh. Các bệnh viện tư nhân có vấn đề gì về thuốc, có phải đấu thầu hoặc đấu thầu trang thiết bị không? Đấy là tiền của họ, chuyện rất đơn giản.
Chúng ta hãy nhìn các nước trong khu vực và trên thế giới, có nước nào đấu thầu như vậy hay không? Thực hiện cơ chế đấu thầu như hiện nay, theo tôi thiệt hại lớn nhất chính là thiệt hại về nhân lực, không chỉ là nhân lực để tập trung cho công tác đấu thầu đối với từng bệnh viện.
Vì khi các bác sĩ, nhân viên y tế không phải là những người được đào tạo về đấu thầu, bận rộn với đủ thứ chi tiết đấu thầu thì không thể tập trung phát triển về mặt chuyên môn, kỹ thuật. Chưa kể sau đó làm sai thì sẽ bị hình sự hóa, bị bắt, như thế sẽ bị mất nguồn nhân lực.
Hai là, nếu thuốc quá rẻ sẽ dẫn đến chất lượng không bảo đảm và chúng ta cho tới giờ vẫn chưa có một nghiên cứu nào để chỉ ra rằng liệu là những cái này có ảnh hưởng đến thời gian điều trị và chất lượng điều trị của các bác sĩ hay không, nhưng sẽ làm mất lòng tin của người dân và cán bộ y tế.
Tôi biết có nhiều người có thẻ bảo hiểm, nhưng khi vào bệnh viện nếu không phải là những trường hợ bệnh nan y và giá quá đắt tiền thì sẽ giấu thẻ bảo hiểm đi để khám chữa bệnh dịch vụ.
Cho nên, tổ chức “cuộc thi” đấu thầu để làm gì? Chúng ta đừng nên “tỉ mẩn” ngồi xem trên danh mục thuốc Generic và cứ cố gắng kéo giá thấp xuống, vì thực tế tiết kiệm không được bao nhiêu, khoản chi lớn nhất mà khi cần thiết vẫn phải chi đó chính là những thuốc độc quyền.
Cái này ở mức độ quốc gia, chúng ta phải có những thương lượng giá như các quốc gia khác đã làm. Bán ngoài thị trường khác, nhưng bán vào hệ thống bệnh viện với một số lượng lớn và cần cho những bệnh nhân nặng với chỉ định bác sĩ thì phải có giá khác. Theo tôi vấn đề này hoàn toàn có thể thương lượng được.
Đây cũng là chính sách của các hãng dược học quốc gia đối với các nước, khi chúng tôi có dịp làm việc họ rất mong muốn nhưng chúng ta không có cơ chế.
Đó là cái dở, vì đây mới là tiết kiệm, với những thuốc còn lại theo tôi nên để các bệnh viện có quyền tự chủ bằng cách tính định suất. Ví dụ, mỗi bệnh viện 1 năm khám chữa khoảng bao nhiêu bệnh nhân, định suất là bao nhiêu, chúng ta có quyền lựa chọn trên thị trường thuốc nào Hội đồng điều trị bệnh viện cho là tốt nhất, sau đó trao đổi công khai, minh bạch giá thì mua trên thị trường.
Thuốc cũng là mặt hàng được điều chỉnh giá và được kiểm soát về giá, như vậy sẽ không tốn thì giờ. Làm như vậy có lợi hơn và các bác sĩ cũng được chuẩn bị tốt hơn về mặt tâm lý, còn như tình trạng hiện nay “rất khổ”.
>>Bệnh viện thiếu vật tư y tế: Vì đâu nên nỗi?
Ba là, dịch bệnh vừa qua, các bệnh viện mất rất nhiều bệnh nhân dẫn đến kết quả thuốc đã đấu thầu nhưng không sử dụng nên hủy thầu, dẫn đến việc các công ty đã nhập thuốc về để chuẩn bị phân phối phải hủy thuốc. Những rủi ro này ai chịu thiệt hại?
Bốn là, đấu thầu theo tình trạng giá ngày càng rẻ, ngoài chuyện ảnh hưởng đến chất lượng điều trị còn ảnh hưởng đến việc phát triển của công nghiệp dược nước nhà. Sản phẩm chất lượng không bao giờ có giá rẻ nhất mà phải là giá cả hợp lý.
Tôi thấy có tình trạng những công ty dược thương hiệu, sản phẩm uy tín thì dần mất thị trường trong các bệnh viện và chủ yếu đẩy mạnh xuất khẩu. Còn những thuốc giá rẻ và làm bất cứ giá nào, ”viên thuốc rẻ hơn viên kẹo” lại chiếm thị trường trong bệnh viện.
Năm là, cứ cái gì quản không được thì cấm là không được, cho nên về mặt cơ chế tài chính,chúng ta phải khẩn trương thay đổi, nếu không sẽ tiếp tục còn phải trả giá và trả giá đầu tiên là mất cán bộ y tế ở tất cả các cấp.
Tôi không ủng hộ chuyện tiêu cực. Ai tiêu cực, nhận tiền, vụ lợi thì phải chịu trách nhiệm. Nhưng cũng phải xem xét bây giờ đã tạo môi trường cho việc phát huy y đức hay chưa? Để xảy ra xử lý sai phạm trong tình trạng khẩn cấp thì rất đau đớn.
Sáu là, về vấn đề nhân lực của bệnh viện, hiện nay tại TP. HCM đang xảy ra tình trạng các nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt không chỉ là trong hệ thống y tế cơ sở mà còn ở các hệ thống điều trị.
Nguyên nhân đầu tiên là do đãi ngộ, học y từ thi đầu vào, cả quá trình học, làm việc đều vất vả, căng thẳng, áp lực hơn rất nhiều so với các ngành khác nhưng đồng lương thì không có gì phân biệt, không có gì khác. Ngoài ra, cơ hội để phát triển nghề nghiệp cũng không nhiều. Do đó, quy định trong luật phải có cơ chế như thế nào để thu hút nhân tài.
Hiện nay các nhân viên y tế xin nghỉ việc hàng loạt ra hệ thống tư nhân làm việc sẽ “tước bỏ” quyền tiếp cận bác sĩ giỏi đối với người nghèo. Vô hình chung, những gì chất lượng tốt nhất, cao nhất thì dành cho những người có khả năng chi trả, còn người nghèo, người yếu thế, người chỉ có bảo hiểm y tế sẽ hưởng sản phẩm hạng 2. Đây là điều không thể chấp nhận được trong thể chế của chúng ta.
Chúng tôi rất mong những chỉ đạo phải được thể hiện bằng tấm lòng. Chúng ta chậm ngày nào thì hệ thống y tế sẽ bị bào mòn đi ngày đó. Và sự chậm cuối cùng là người dân phải “trả giá”.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
19:28, 15/06/2022
03:30, 14/06/2022
05:11, 11/06/2022
20:05, 10/06/2022
21:17, 07/06/2022
12:09, 07/06/2022