Chương trình sách giáo khoa lớp 1: Cần thêm thời gian để đánh giá...

Diendandoanhnghiep.vn Một tháng đã đủ căn cứ để đánh giá sách giáo khoa lớp 1 nặng hay không, phù hợp hay chưa?

Sách giáo khoa lóp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới được một số giáo viên và phụ huynh cho rằng rất nặng. Ảnh: ĐĐK

Sách giáo khoa lóp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới được một số giáo viên và phụ huynh cho rằng rất nặng. Ảnh: ĐĐK

Từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 học sách giáo khoa (SGK) theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ GD-ĐT đã phê duyệt 5 bộ SGK với 32 cuốn sách của 3 nhà xuất bản biên soạn.

Mới học được tới 1 tháng, nhiều phụ huynh, giáo viên đã “than” nội dung sách giáo khoa nặng, sách quá nhiều chữ, khó hiểu, thiết kế các bài học với tốc độ nhanh khiến học sinh không thể tiếp thu, việc dạy và học của cô, trò rất vất vả, nhất là môn Tiếng Việt.

Chị N.T.L (có con học lớp 1 một trường Tiểu học tại TPHCM) cho biết vợ chồng chị đều đau đầu khi vật lộn cùng con sau mỗi buổi học. Sau giờ học trên lớp, chị ngồi hướng dẫn cho con gái tập đánh vần theo nội dung trong SGK nhưng bất lực vì con không tiếp thu nổi.

“Vợ chồng tôi xác định không đặt nặng áp lực học tập lên con nên không cho con học chữ trước khi vào lớp 1. Đến nay, vừa vào học vài tuần là con đã học từ ghép, nối câu dài. Khối lượng kiến thức nhiều quá, con không nhớ nổi. Có lẽ con cũng gặp áp lực nên cứ đến giờ học là nước mắt ngắn dài và không vui vẻ khi đến trường đi học” - chị L than thở.

Anh Vũ Hiếu (có con học lớp 1 tại quận Tây Hồ) cho biết, chương trình lớp 1 hiện nay có nhiều môn, con không có thời gian nghỉ ngơi vì về nhà phải làm bài tập liên tục các môn đọc, viết và làm Toán. “Tôi cảm thấy con bị áp lực, không có hứng thú với việc học”- anh Hiếu nói.[1]

Sau gần 1 tháng áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, các giáo viên trực tiếp giảng dạy học sinh lớp 1 đều khẳng định chương trình nặng hơn, quá trình học tập của học sinh vất vả hơn. Cô L.T.H (giáo viên công tác tại Bảo Lộc, Lâm Đồng) cho biết: “Chưa năm nào dạy học lớp 1 lại áp lực, gian nan như năm học này”.

Chương trình cũ đi theo trình tự giúp học sinh vận dụng dễ dàng, phần học âm, học vần dàn trải đều, học âm, học vần đến tiết 25 mới tập đọc, học sinh nắm chắc âm vần rồi, chuyển sang tập đọc rất dễ. Phần tập đọc cũng là câu ngắn, dễ hiểu.

Trong khi chương trình mới, học âm, học vần quá nhanh, tiết 19 đã chuyển sang tập đọc, lại còn học vần song song với tập đọc. Tập đọc với câu văn dài gây khó khăn cho các em.”

Bên cạnh đó, cô H còn khẳng định bộ sách quá cồng kềnh từ số lượng đến nội dung. Chương trình mới quá nhiều sách bài tập mà hầu như không có tác dụng. “Như môn đạo đức, một tiết học hơn 30 phút, học lý thuyết chưa xong đã chuyển sang bài tập. Với môn Toán, sách bài tập có nội dung không sát, không khớp với sách giáo khoa. Giáo viên rất khó để dạy. Thêm vào đó còn có quá nhiều dụng cụ học tập trong khi trẻ chỉ sử dụng để chơi và đùa nghịch là chính”, cô H chia sẻ.[2]

Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận 1 trong buổi học đầu tiên năm học 2020-2021. Ảnh: Mạnh Tùng.

Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận 1 trong buổi học đầu tiên năm học 2020-2021. Ảnh: Mạnh Tùng/VnE.

Liên quan đến vấn đề này, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết, Bộ GD-ĐT chưa nhận được bất cứ một ý kiến phản ánh chính thức nào từ các giáo viên, cơ sở giáo dục hay các chuyên gia, nhà giáo dục tới Bộ về điều này.

“Trong chương trình của khối 1 có 9 môn học thì chương trình quy định chuẩn đầu ra cho từng môn học đó. Trong đó, cũng quy định chuẩn đầu ra khi kết thúc năm học. Ví dụ với môn Tiếng Việt, kết thúc lớp 1 thì các em viết trong một phút được bao nhiêu từ? Đọc hiểu như thế nào,... Và để đạt được chuẩn đó thì chương trình quy định số tiết của môn Tiếng Việt là 420 tiết và tất cả 5 bộ sách giáo khoa phải dựa trên chuẩn đầu ra và khung thời lượng đó, thiết kế bằng những con đường khác nhau để đi đến cái đích đó. Khi ban hành chương trình, chúng ta đã tổ chức rất nhiều công đoạn, trong đó có khâu thực nghiệm và lấy ý kiến của hội đồng thẩm định quốc gia. Với những quy trình làm việc rất chặt chẽ thì những nhận định như vậy ngay ở những bước đầu là chưa có đủ căn cứ xác đáng”, ông Tài nói.

Ông Tài cho hay, Bộ GD-ĐT có đưa một nội dung bắt buộc khác với chương trình trước đây đó là sự phát triển, điều chỉnh chương trình trong quá trình thực hiện. “Có nghĩa rằng trong quá trình triển khai chương trình, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe phản biện, những việc phát sinh diễn ra trong thực tế khi có đầy đủ những giai đoạn, các căn cứ khoa học, có đánh giá đầu đủ nhiều mặt”, ông Tài nói. Do đó, ông Tài cho rằng nhận định nội dung sách giáo khoa mới nặng là chưa đúng, chưa đủ căn cứ.[3]

Là người nghiên cứu kỹ các bộ sách giáo khoa lớp 1 mới ban hành, ông Lê Ngọc Điệp (nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM) cho rằng cần một thời gian dài hơn mới có thể đánh giá chương trình nặng hay nhẹ. Giống như 20 năm trước, lần thay đổi chương trình năm 2000, dư luận cũng phản ứng tương tự với sách mới nhưng rồi mọi việc dần ổn định.

Ông Điệp phân tích, với chương trình và sách giáo khoa cũ, giáo án của giáo viên qua các năm không thay đổi nhiều. Ở mỗi giờ học, giáo viên nắm rõ những phản ứng (tiếp thu dễ hoặc khó) của học sinh với từng bài, từ đó điều chỉnh phù hợp. Trong khi với sách giáo khoa mới, tiết dạy của thầy cô cũng là lần đầu, phản ứng của học sinh với bài học cũng tương tự. Cả cô và trò đều bỡ ngỡ là điều dễ hiểu.

"Khi chạy một chiếc xe máy cũ, gắn bó lâu năm, người ta biết rõ từng thao tác với nó để điều khiển trơn tru. Trong khi với chiếc xe mới, phải mất một thời gian mới có cảm giác này. Nó tương tự việc giáo viên từ một bộ sách cũ chuyển sang một bộ sách mới", ông ví von và cho rằng giáo viên cần bình tĩnh và kiên trì trước những em yếu, bởi càng gây áp lực, các em càng chán nản và sợ học. Các em sẽ mang tâm lý này về nhà, gây sự lo ngại cho phụ huynh. [4]

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, mục tiêu chính của chương trình Tiếng Việt lớp 1 từ xưa đến nay vẫn là dạy học sinh biết đọc, biết viết. Muốn thế thì theo chương trình nào cũng phải học đủ 29 chữ cái và khoảng 140 vần. Chương trình mới không thêm chữ nào, vần nào vào tiếng Việt nên không thể nói rằng nặng hơn chương trình cũ. 

Theo quy định, thời gian học đọc là 60%, viết chỉ 25%, còn lại là dành cho việc rèn các kỹ năng nghe, nói và kiểm tra đánh giá. Như vậy, nếu ở trường nào mà giáo viên chú trọng quá mức việc dạy trẻ tập viết thì phụ huynh sẽ thấy học sinh đang bị học nặng. Hay trường nào cũng lấy “vở sạch chữ đẹp” làm tiêu chí thi đua, khiến giáo viên bị áp lực, từ đó quá chú trọng vào viết chữ, bắt học sinh luyện viết thật nhiều thì sẽ khiến cả thầy lẫn trò “toát mồ hôi”.

Một điều theo GS Thuyết cũng cần làm rõ là chỉ vừa học 1 tháng, SGK lớp 1 mới đã bị phản ứng, điều này có thể do chúng ta thực hiện xã hội hóa SGK, có nhiều bộ SGK nên mỗi SGK có quan điểm biên soạn, đặc điểm riêng, phù hợp với những đối tượng riêng, điều đó cho thấy các cơ sở giáo dục cần lựa chọn sách phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện dạy và học của địa phương mình.

Mặt khác, SGK lớp 1 mới đã trải qua quá trình thẩm định kỹ càng, công phu. Hội đồng thẩm định SGK gồm các nhà khoa học, nhà giáo rất am hiểu lĩnh vực chuyên môn, trong hội đồng phải có tối thiểu 30% thành viên là giáo viên trực tiếp dạy môn học có sách được thẩm định. Do đó, SGK để được thông qua bản thân nó đã phải phù hợp với yêu cầu của chương trình và thực tiễn dạy học.

Một tháng có lẽ chưa đủ căn cứ xác đáng để đánh giá SGK lớp 1 nặng hay không, phù hợp hay không. Các em học sinh lớp 1, từ chỗ chưa biết chữ sang biết chữ là một bước chuyển rất lớn của đời người, không thể mong một chốc làm được ngay. Việc triển khai chương trình mới ở nơi này, nơi khác có thể có những bỡ ngỡ bất cập, nguyên nhân ở đâu sẽ khắc phục ở đó. Ngành GD-ĐT chắc hẳn rất cần sự đồng thuận, ủng hộ của chính quyền, các ban ngành địa phương và phụ huynh học sinh để vượt qua những khó khăn ban đầu. 

-------------------------------------------- 

Tài liệu tham khảo:

[1] https://laodong.vn/xa-hoi/chuong-trinh-tieng-viet-lop-1-phu-huynh-than-qua-nang-bo-noi-chua-du-can-cu-841037.ldo

[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chuong-trinh-moi-lop-1-tien-do-qua-nhanh-hoc-sinh-kho-theo-kip-post212759.gd

[3] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/phu-huynh-keu-chuong-trinh-lop-1-nang-bo-gd-dt-noi-gi-677712.html

[4] https://vnexpress.net/giao-vien-lop-1-duoi-vi-sach-giao-khoa-moi-4170177.html

[5] https://www.sggp.org.vn/dung-danh-gia-voi-vang-688988.html

  

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Chương trình sách giáo khoa lớp 1: Cần thêm thời gian để đánh giá... tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713485970 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713485970 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10