Trong cuộc đời, mỗi khi phấn đấu có chút thành công, hoặc gặp khó khăn hay thất bại, người tôi muốn chia sẻ đầu tiên là cha mình…
Có lẽ tôi thiệt thòi khi cha mất sớm. Những lúc như vậy, tôi lặng lẽ lên phòng thờ, thắp hương nói chuyện với di ảnh của cha tôi. Đã mười mấy năm người về với tiên tổ mà đến giờ tôi thấy mình vẫn luôn dựa vào bóng cha, lấy ánh mắt, lấy cái nhìn ấy làm niềm tin, làm điểm tựa tinh thần cho mỗi bước đi của cuộc đời mình.
Có một sự khác biệt giữa cha và mẹ trong bước trưởng thành của mỗi người con. Ông cha ta đã từng có câu ca dao:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”
Đây có thể được coi là một nhận định rất công bằng của nguồn cơn “công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy” trong triết lý của Nho giáo. Một hình ảnh so sánh mang tính ước lệ, công lao nuôi dưỡng của người cha giống như ngọn núi, lớn lao đến không thể nào cân đong đo đếm được. Trong quan niệm phong kiến xưa, người cha được coi là trụ cột của gia đình, là người lo toan gánh vác những công việc to lớn, nặng nhọc.
Chẳng vậy mà dân gian có câu: “Con có cha như nhà có nóc”. “Nóc” đối với một ngôi nhà là vô cùng quan trọng, giúp che mưa gió, giúp cho ngôi nhà được chắc chắn. Ngôi nhà không có nóc cũng như những đứa trẻ bất hạnh mồ côi cha, không có một chỗ dựa tinh thần vững chắc.
Chúng ta thường lớn lên nhờ bầu sữa ngọt và bàn tay chăm bẵm yêu thương của mẹ. Có đôi khi ta không nhận thấy rõ vai trò của cha trong gia đình, và nhiều khi sự rèn giũa, kèm cặp nghiêm khắc của cha làm chúng ta cảm thấy khó chịu, giận hờn. Song, trưởng thành rồi, thấm thía cuộc sống rồi, mới chợt thấy mũi bỗng cay xè khi vô tình đọc câu thơ: “Nước biển mênh mông, không đong đầy tình mẹ, mây trời lồng lộng không phủ kín công cha …”
Trong lịch sử loài người, ngay từ thời kì nguyên thủy con người đã có sự phân công lao động tự nhiên: săn bắn là công việc của đàn ông, còn phụ nữ thì hái lượm rau quả, trông nom con cái, chuẩn bị bữa ăn…
Vai trò của người cha, người đàn ông trong gia đình có vẻ khá mờ nhạt trong những vấn đề tình cảm. Nhưng trên thực tế, người cha trong gia đình chính là trụ cột, là lao động chính, lo kinh tế, lo bảo vệ gia đình. Gánh nặng trên vai cha chỉ đến khi tự chúng ta làm cha mẹ mới hiểu.
Những lúc con ốm đau, lòng cha lo đâu kém mẹ, nhưng vẫn phải bình thản cho mọi người bớt lo lắng, ngã lòng. Các cụ từng dạy: “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”. Đói ăn có thể gọi mẹ, rách áo có thể gọi mẹ… nhưng khi bị bắt nạt, hay bị “đòn đời quật cho rách nát”, thì chỉ có cha với tình thương, sự từng trải, rộng lượng bao dung mới là chỗ để ngả vào.
Có thể vai trò của người mẹ trong những gia đình hiện đại có phần lấn át đi bóng dáng của người cha. Thời gian làm việc ra ngoài tiếp xúc, quan hệ của cha nhiều hơn, nên nhiều con trẻ quen núp vào bóng mẹ mà xa bóng cha mình. Chỉ khi có những bài học, va vấp với đời thì mới thấy giá trị của vòng tay cha vững chãi và ấm áp đến nhường nào.
Đất nước ta đã đi qua chiến tranh, đi qua cả thời kỳ cấm vận. Kinh tế đã có những bước tiến thần kỳ, đời sống bây giờ phần nhiều “no cơm ấm áo, đói lời mẹ ru”. Nhưng vai trò của người cha trong gia đình thì vẫn thế, ngày xưa thì ruộng nương đồng áng, cày sâu cuốc bẫm như chim tha mồi, như kiến tìm thức ăn nuôi con. Ngày nay thì sẵn sàng làm trăm nghề, nghìn việc chỉ mong sao con có cơm ăn, áo đẹp và vui vẻ đến trường.
Với tôi, hay với bạn, người cha vẫn luôn là một người thầy đầu tiên với những lời dạy bảo trách nhiệm, là người bạn chân thành mỗi khi vấp ngã, và một tuổi thơ có cha, bên cha là những tháng ngày bình yên nhất trong đời mỗi chúng ta.
Rõ ràng, tôi không thích Nixon vì nhiều lẽ, nhưng có thể nói, việc ông ký sắc lệnh coi ngày chủ nhật thứ ba của tháng 6 hàng năm là ngày của cha chính là một hành động đẹp. Mà hành động đẹp luôn tỏa ánh hào quang của riêng mình. Ngày của cha bây giờ không còn là ngày kỷ niệm tri ân của riêng nước Mỹ, mà đã thành ngày chung của thế giới loài người tiến bộ, tôn vinh những người cha.
Để giờ đây, tôi có thêm một ngày để tìm về dưới bóng dáng lồng lộng của cha!
Có thể bạn quan tâm
19:07, 21/06/2020
05:00, 20/06/2021
04:07, 20/06/2021