Chuyện của những người dân ở vùng dịch

An Chi 25/04/2020 07:00

Đại dịch COVID-19 đã gây ra sự gián đoạn kinh tế, xã hội và chính trị chưa từng có trên toàn thế giới....

         CHUYỆN CỦA NHỮNG NGƯỜI DÂN Ở VÙNG DỊCH

Đại dịch COVID-19 đã gây ra sự gián đoạn kinh tế, xã hội và chính trị chưa từng có trên toàn thế giới. Các chính phủ đã phải hết sức nỗ lực để ngăn chặn sự lây lan của virus. Theo đó, hầu hết các quốc gia đều đã ban hành các hạn chế sâu rộng đối với việc đi lại và kinh doanh. Điều này buộc công dân của họ phải thích nghi với một điều kiện sống mới.

Nếu tôi không làm việc, tôi không biết phải mua thực phẩm như thế nào?

Trong gần một tuần sau khi chính phủ Ấn Độ tuyên bố phong toả toàn quốc trong nỗ lực kiềm chế sự lây lan của đại dịch COVID-19, anh Chotu Kumar - một người lao động ở thành phố Ahmedabad, thuộc bang Gujarat đã rơi vào trạng thái thiếu lương thực. Điều đáng chú ý, anh Kymar không phải là một trường hợp điển hình tại Ấn Độ!

Kumar từ lâu đã rời làng, để đến tìm việc tại thành phố Ahmedabad. Thành phố này nằm cách làng của anh 1.700 km ở phía Nam. Tại đây, anh sống cùng khoảng từ 5 đến 8 người trong một căn phòng trọ chật hẹp. Ngoài anh Kumar còn có khoảng 80 người dân làng khác, họ sống quây quần lại với nhau, cùng đi làm, cùng sinh hoạt trong những điều kiện sống tối thiểu.

Vào ngày 24/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố phong toả toàn bộ đất nước 1,3 tỷ dân. Từ lúc thông báo được phát đi cho đến khi có hiệu lực chỉ có vài giờ đồng hồn ngắn ngủi. Theo Văn phòng Thủ tướng, thời gian này đủ để cho người dân có thời gian mua một ít đồ dự trữ. Nhưng Kumar và những người lao động nhập cư khác lại không có nhiều tiền!

"Tôi làm việc hết sức lực trong cả một ngày dài, nhưng số tiền tôi kiếm được cũng chỉ đủ để tôi sinh hoạt trong ngày hôm đó. Chúng tôi không có tiền để tích luỹNếu tôi không làm việc, tôi không biết phải mua thực phẩm như thế nào?",  Kumar nói 

Thực phẩm cuối cùng đã đến tay anh Kumar cũng như những người dân làng khác khi ANHAD - một tổ chức phi lợi nhuận thực hiện chương trình hỗ trợ những lao động di cư từ nông thôn bị mắc kẹt trong tiểu bang Gujarat do đại dịch COVID-19.

Lao động di cư từ nông thôn là một phần quan trọng trong cỗ máy vận hành khổng lồ của nền kinh tế Ấn Độ. Hàng triệu người trên khắp quốc gia Nam Á này làm việc trên khắp các công trường xây dựng, làm việc trên các cánh đồng mênh mông, cũng như lao động trong các nhà máy lớn nhỏ. 

Trong nhiều trường hợp, những người lao động này sống luôn tại cơ sở làm việc để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Với lệnh phong toả toàn quốc, cũng như cấm hoàn toàn giao thông giữa các tiểu bang, hàng trăm ngàn công nhân đã trở thành người thất nghiệp và vô gia cư trong chớp mắt. Không còn sự lựa chọn nào khác, họ buộc phải đi bộ về quê. Điều này đã trở thành một trong những cuộc di cư lớn nhất ở Ấn Độ sau khi quốc gia này độc lập.

Anh Shamsal là một trong những người may mắn đã về nhà trước khi lệnh phong toả có hiệu lực. Công ty nơi anh Shamsal làm việc hiện vẫn còn nợ anh 15.000 rupee (196 USD). Số tiền này có thể nuôi sống gia đình tám người của anh ấy. Mặc dù Chính phủ đã hứa sẽ hỗ trợ những lao động di cư từ nông thôn lương thực và vật tư y tế, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, những điều này vẫn chỉ là các chính sách mà chưa thành hiện thực.

Khi Chính phủ dỡ bỏ lệnh phong toả, anh Shamsal sẽ quay trở lại Delhi. "Tôi không thể tìm việc làm ở làng tôi, vậy tôi sẽ kiếm được tiền như thế nào, tôi sẽ chăm sóc gia đình như thế nào?Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải trở lại Delhi để tìm việc."

Số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 đang gia tăng nhanh tại thành phố Ahmedabad và chính quyền buộc phải hạn chế tới mức tối đa số lượng người ra vào thành phố. Theo điều phối viên Dev Desai phụ trách bang Gujarat của Tổ chức ANHAD, những tình nguyện viên đã gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển hàng cứu trợ tới thành phố này. Thậm chí, công việc cứu trợ nhân đạo này của họ còn trở nên khó khăn hơn bởi những thông tin sai lệch.

Để khắc phục thảm hoạ nhân đạo do đại dịch COVID-19, Chính phủ Ấn Độ đã công bố gói cứu trợ kinh tế tổng hợp trị giá 1.700 tỷ Rupi (khoảng 23 tỷ USD) nhằm hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn. Bà Nirmana Sitharaman - Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ cho biết các khoản cứu trợ sẽ dành cho phụ nữ, lao động nhập cư, khu vực yếu thế trong xã hội, bao gồm trợ cấp trực tiếp băng tiền mặt hoặc thông qua các biện pháp hỗ trợ về lương thực. Theo kế hoạch này, 800 triệu người nghèo sẽ nhận được 5 kg gạo hoặc lúa mì miễn phí mỗi tháng, ngoài 5 kg họ đã nhận được. Ngoài ra, mỗi hộ gia đình sẽ nhận được 1 kg đậu miễn phí trong ba tháng tới.

Đây là một cú sốc lớn, tôi cần phải thay đổi…

Ngày 7/4 có lẽ sẽ là một ngày đi vào lịch sử Singapore khi Chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long quyết định sẽ đóng cửa đất nước trong vòng 1 tháng để ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2.

Theo đó, quốc gia này sẽ đóng cửa trường học từ ngày 8/4 và hầu hết nơi làm việc từ ngày 7/4 như một phần trong các biện pháp khắt khe hơn để ngăn dịch COVID-19 lây lan. 

Trong khi đó, các cơ sở bán thức ăn, chợ, siêu thị, bệnh viện, các dịch vụ ngân hàng, vận tải... sẽ vẫn mở miễn là cung cấp các dịch vụ cần thiết. Các ngành kinh tế chiến lược hoặc nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng không bị đóng cửa.

Ngày cuối cùng trước khi lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực, vlogger Ghib Ojisan đã đi ra ngoài để thực hiện video cuối cùng của mình. Trong đoạn video mang tên "Ngày trước khi Singapore đóng cửa", được đăng lên kênh YouTube có 130.000 người theo dõi của Ojisan vào ngày 7/4, người xem có thể thấy ở các siêu thị, các trung tâm thương mại, người mua hàng đều đứng cách xa nhau 1 mét. 

Ojisan sống nhờ vào doanh thu quảng cáo từ các video của mình. Đa số các video mà Ojisan thực hiện là nói về cuộc sống thường nhật tại Singapore và các video này đều được quay ngoài trời. Kể từ khi Singapore đóng cửa, thu nhập của Ojisan đã giảm 30% đến 40%.

Theo quy tắc định của Chính phủ về việc đóng cửa đất nước, mọi người có thể đi tập thể dục bên ngoài một mình tại một số địa điểm được quy định. Trong khi đó, một số không gian công cộng khác đã bị đóng cửa hoàn toàn. Các cửa hàng thực phẩm chỉ mở cửa phục vụ người mua mang đi, các siêu thị đang hoạt động với các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt. "Tôi không thể thực hiện các vlog bình thường của mình bên ngoài như trước đâyĐây là một cú sốc lớn, tôi cần phải thay đổi một loạt nội dung trên kênh Youtube của mình.”, anh Ojisan nói.

Trong khi đó, là một công dân nước ngoài sinh sống và làm việc tại Singapore, anh Ojisan lại không đủ điều kiện nhận hỗ trợ thu nhập khẩn cấp của đảo quốc này. ‘Mọi thứ thực sự khó khăn đối với tôi! Tôi phải bắt đầu lại từ đâu”

Lệnh đóng cửa xã hội được đưa ra sau khi Singapore chứng kiến sự gia tăng chóng mặt các trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19. Mặc dù là một quyết định bất đắc dĩ, nhưng điều này đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân cũng như khối doanh nghiệp. Tuy các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe và hoạt động hậu cần vẫn được phép hoạt động, nhưng hầu như tất cả các cơ sở việc làm khác đều bị đóng cửa, điều này có nghĩa là mọi người phải thích nghi với thói quen làm việc tại nhà.

Singapore đang áp dụng các biện pháp để giải quyết tình hình khó khăn và chuẩn bị mọi mặt để đối phó với các đợt sóng khó khăn liên tiếp do SARS-CoV-2. Tuy nhiên các cú sốc hiện nay quá lớn và sự hồi phục kinh tế bất cứ khi nào có thể bắt đầu sẽ là một quá trình lâu dài và rất khó khăn.

Điều chưa từng có tiền lệ về cuộc khủng hoảng này đó là việc đây được xem như một cuộc khủng hoảng được ủy nhiệm với việc các chính phủ tự hạn chế các hoạt động kinh tế thông qua đóng cửa toàn bộ đất nước trong nỗ lực kiềm chế sự lây lan của virus. Tình thế khó khăn khác thường này đã khiến các nhà làm chính sách phản ứng bằng những chính sách cũng khác thường không kém.

Nỗ lực của Singapore nhằm tránh xảy ra các kịch bản tồi tệ nhất cho các cá nhân và các công ty không chỉ thể hiện ở các gói hỗ trợ ngân sách có tổng trị giá 60 tỷ SGD công bố thời gian vừa qua. Các cam kết khác rất khó có thể định lượng được ngay.

Các cam kết đó bao gồm ưu đãi dành cho người vay tiêu dùng và công ty, gia hạn và mở rộng phạm vi bảo hiểm rủi ro cho các khoản vay ngân hàng, nới lỏng các điều kiện cho vay và nhiều biện pháp khác để tăng lưu lượng tín dụng do Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đưa ra bên cạnh việc áp dụng nới lỏng chính sách đặc biệt.

Tuy nhiên, nhiều khả năng là kinh tế Singapore sẽ bị suy thoái ít nhất hết năm nay, thất nghiệp gia tăng, xảy ra nhiều vụ vỡ nợ và phá sản là điều được dự đoán. Trong khi việc áp dụng các biện pháp để kiềm chế lây lan virus là cần thiết, song chỉ một tháng “ngắt mạch” cũng sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế Singapore trong quý II và sẽ kéo nền kinh tế rơi vào một cuộc suy thoái sâu sắc hơn.

 Tôi chỉ còn 100.000 ¥ và không còn nơi nào để đi!

Vào ngày 6/4, thời điểm ngay trước khi chính phủ Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo, anh Sekito Yoshikawa - một thanh niên 23 tuổi, đã thu dọn tất cả đồ đạc của mình và rời khỏi quán cà phê internet nơi anh đã sống trong vài tuần qua. Không gian của anh ta tại đây thậm chí còn không đủ để duỗi chân, nhưng với giá 1.298 ¥ (12 USD) một đêm, chàng thanh niên này không có sự lựa chọn nào tốt hơn.

Kế hoạch của Yoshikawa đã bị đảo lộn bởi đại dịch COVID-19. Đầu tiên, anh mất công việc giao hàng cho Uber Eats tại Úc và buộc phải trở về Nhật Bản sớm hơn dự kiến. Sau đó, anh được nhận công việc là trợ lý giảng dạy ở Trường Đại học Tokyo. Nhưng ngay lập tức sau đó, các trường học buộc phải đóng cửa vì dịch bệnh, và anh Yoshikawa đã mất việc một lần nữa. "Tôi không thể ngờ tình trạng lại tồi tệ đến như vậy. Tôi chỉ còn 100.000 ¥ và không còn nơi nào để đi", anh Yoshikawa nói.

Sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, Thủ tướng Shinzo Abe đã yêu cầu nhiều doanh nghiệp đóng cửa, bao gồm các quán cà phê internet, trong bảy quận, kể cả Tokyo. Đối với Yoshikawa - một trong số hàng ngàn người đã buộc phải sống vạ vật, tạm bợ trong những không gian thế vậy, thì điều đó đồng nghĩa với việc mất nhà.

Đại dịch đã khiến nhiều người lao động ở Tokyo phải vật lộn để kiếm tiền để duy trì cuộc sống ở mức tối thiểu. Thời điểm trước tháng 4 năm nay, tài xế taxi Shigeo Oyama có thể kiếm được thu nhập ở mức trung bình khá, nhưng kể từ khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, đường phố vắng tanh. Thu nhập của anh đã giảm hơn 30%. "Mặc dù tiền lương của tôi đang giảm, nhưngcác hóa đơn sẽ không chờ đợi", người tài xế này lo ngại.

Mặc dù Thủ tướng Abe mô tả sự phục hồi của nền kinh tế xứ sở mặt trời mọc sẽ phục hồi theo hình chữ V sau đại dịch, nhưng anh Oyama nghi ngờ điều đó. "Sẽ mất nhiều thời gian hơn để trở lại bình thường. Hiện nay, nhiều người đang cố gắng vượt qua thời kỳ khó khăn này bằng cách chi tiêu tiền tiết kiệm của họ.Họ sẽ không tiêu dùng như trước đây, mọi chi tiêu sẽ được thắt chặt hơn. Mọi người sẽ không sử dụng taxi ngay cả khi đại dịch kết thúc”.

Sự không chắc chắn về tình trạng khẩn cấp đến khi nào sẽ kết thúc và đại dịch sẽ kéo dài bao lâu đã phá vỡ chuỗi sinh hoạt thường ngày của người dân tại Nhật Bản. Joan Quitoriano, một lao động nhập cư đến từ Philippines cho biết rằng cả hai nơi làm việc của cô - một khách sạn và một trường học - hiện đều đã đóng cửa. Cô chia sẻ: "Tháng tới, tôi không biết làm thế nào để thanh toán hóa đơn của mình."

Một người đồng hương của Quitoriano đã mất ở Anh vì SARS-CoV-2 và điều này khiến cảm giác bất an của Quitoriano tăng lên gấp bội khi sống ở nước ngoài trong một cuộc khủng hoảng như hiện nay. Virus SARS-CoV-2 này không chỉ gây hại cho cơ thể mà còn "tấn công tinh thần và cảm xúc bạn phải nắm lấy bất cứ thứ gì bạn có ngay bây giờ vì bạn không biết điều gì sẽ xảy ra vào ngày hôm sau.", Quitoriano nói

Mặc dù biết rằng việc ra ngoài làm việc là đang đặt cược cuộc sống vào rủi ro, nhưng một số người dân Nhật Bản vẫn phải tiếp tục đi làm bất chấp những hạn chế về di chuyển. Một giáo viên làm việc tại một trường mẫu giáo ở Tokyo cho biết tất cả các đồng nghiệp của cô đều sợ bị nhiễm virus. Trong khi nhiều nơi làm việc đã bị đóng cửa, chính quyền trung ương và địa phương tại Nhật Bản đã yêu cầu các trường mẫu giáo tiếp tục mở cửa đón trẻ để hỗ trợ chăm sóc con của các lao động trong các lĩnh vực thiết yếu khác vẫn đang hoạt động.

Làm việc tại nhà

Tifa Asrianti - 40 tuổi, bắt đầu năm 2020 với những kế hoạch đầy tham vọng. Hai năm trước, cô Asrianti từ bỏ công việc văn phòng để theo đuổi công việc tự do và kiếm sống với nghề dịch thuật, giám sát truyền thông và viết nội dung quảng cáo

Đầu năm nay, cô đã lên kế hoạch mua tài sản đầu tiên của mình, là một căn hộ studio ở bang Bekasi -ngoại ô Jakarta. Cô cũng đã đầu tư một phần thu nhập của mình vào thị trường chứng khoán. Cô thậm chí đã đặt trước một kỳ nghỉ ở Canada vào mùa thu năm nay.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã khiến tất cả những kế hoạch này bị thay đổi. Ở thời điểm hiện tại, Indonesia vẫn là nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á cả về số người mắc và tử vong vì dịch bệnh COVID-19.

Asrianti cho biết cô không còn có kế hoạch đầu tư vào nhà hay cổ phiếu, thay vào đó cô sẽ giữ tiền tiết kiệm của mình. Nhà đầu tư của khu căn hộ mà cô đang định mua cho biết rằng có thể họ không hoàn thành được dự án như thời gian dự định. Mặc dù Asrianti đang cố gắng để lấy lại số tiền đặt cọc của mình, nhưng điều đó không dễ dàng gì.

Vào ngày 10 tháng 4, chính phủ đã ra lệnh đóng cửa nhiều doanh nghiệp ở Jakarta, mọi hoạt động tại thành phố này gần như bị đóng băng. "Tôi nghĩ, với điều kiện thị trường hiện tại, tôi có thể mua được nhà tại một số dự án với các nhà đầu tư uy tín. Nhưng làm thế nào tôi có thể kiểm tra được các thông tin khi mà các công ty đang phản hồi rất chậm?", cô Asrianti cho biết.

Tình trạng tồi tệ do đại dịch COVID-19 đã làm sống lại ký ức của cô về cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và biến động chính trị sau đó ở Indonesia vào cuối những năm 1990, trong thời gian đó hàng triệu người mất việc. Cô lo sợ rằng các hiệu ứng này có thể "mạnh mẽ hơn" trong thời gian tới.

"Nhưng mặt khác, công nghệ truyền thông ngày nay cho phép nhiều người kinh doanh trực tuyến, làm việc từ nhà - vì vậy có thể mang lại nhiều cơ hội hơn năm 1998", cô Asrianti hy vọng.

Siti Royhan cũng tự coi mình là người may mắn. Từ khi 20 tuổi, Royhan làm việc tại một chuỗi cafe nổi tiếng có hàng trăm cửa hàng tại các thành phố lớn của Indonesia. Cụ thể, cô quản lý một cửa hàng nằm bên trong một khu chung cư đông đúc ở Nam Jakarta. Vì vậy, mặc dù cửa hàng chỉ bán cafe mang đi, nhưng Royhan đã thấy nhiều khách hàng hơn bình thường trong những tuần gần đây. "Tôi đoán họ là cư dân căn hộ làm việc tại nhà" cô nói.

Mặc dù vậy, Royhan nói cô vẫn cảm thấy rất buồn. Ít nhất một trong số những người đồng nghiệp làm việc trong cùng chuỗi cafe của cô đã bị cho nghỉ việc, một người khác đã phải nghỉ không lương, vì nhiều gian hàng trong trung tâm mua sắm và tòa nhà văn phòng ở Jakarta buộc phải đóng cửa theo các biện pháp đóng cửa một phần nền kinh tế. 

Nổi bật
Mới nhất
Chuyện của những người dân ở vùng dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO