Chuyện ghi từ khu điều trị F0, Bệnh viện Việt Tiệp 2, Hải Phòng

MINH HUỆ - HẢI NGÂN 27/02/2022 12:10

6 giờ sáng, cả kíp trực ngày tại khu điều trị F0, Bệnh viện Việt Tiệp cơ sở 2, Hải Phòng đã có mặt tại phòng trực, mặc đồ bảo hộ phòng dịch, bước vào công việc của ngày mới.

>>>Những chiến sĩ áo trắng trong trận chiến COVID-19

>>>Ngày của "chiến binh áo trắng", hy vọng bình minh sớm trở lại

Trong cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19, đội ngũ y, bác sĩ - những chiến sĩ nơi tuyến đầu phòng, chống dịch là người tiếp xúc với người nhiễm, điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19, bên cạnh sự nguy hiểm, nguy cơ cao lây nhiễm bệnh, họ còn phải tự cách ly tại nơi công tác, tất cả vì mục tiêu phòng chống dịch.

Đội ngũ bác sỹ làm việc tại khu cách ly điều trị F0, bệnh viện Việt Tiệp 2

Đội ngũ bác sĩ làm việc tại khu cách ly điều trị F0, bệnh viện Việt Tiệp 2

Đều đặn mỗi ngày vào 6 giờ sáng, cả kíp trực ngày tại Khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Việt Tiệp cơ sở 2, Hải Phòng lại có mặt tại phòng trực, mặc đồ bảo hộ phòng dịch, chuẩn bị bước vào công việc của ngày trực. Cả Khoa chỉ có 6 nhân lực cơ hữu, còn lại 70 nhân lực y tế được tăng cường từ các khoa khác trong Bệnh viện Việt Tiệp cơ sở 1 sang.

Lực lượng y tế chuẩn bị trang thiết bị y tế điều trị cho các F0

Lực lượng y tế chuẩn bị trang thiết bị y tế điều trị cho các F0

Theo kế hoạch, mỗi khoa cử 1 bác sĩ, điều dưỡng vào khu điều trị F0 hỗ trợ cho nhân lực Khoa Bệnh nhiệt đới, thời gian luân phiên 1 tháng. Khi đèn tín hiệu, còi xe cấp cứu hú vang trước cửa khoa, 2 bác bảo vệ nhanh tay mở cửa. Lập tức, các điều dưỡng viên đẩy nhanh xe cáng áp sát, phối hợp với người nhà chuyển bệnh nhân lên xe cáng và di chuyển vào khu vực khám, phân loại bệnh nhân. Tại đây, các y, bác sĩ nhanh chóng làm các thao tác đo huyết áp, đo mạch, đo nhiệt độ cơ thể cho bệnh nhân. Các bác sỹ cũng có mặt để chẩn đoán sơ bộ và đưa ra phương án cấp cứu, chỉ định xét nghiệm.

Sau khi có kết quả xét nghiệm, kết hợp với chẩn đoán ban đầu bác sĩ sẽ kết luận vào hồ sơ bệnh án và chỉ định điều dưỡng chuyển bệnh nhân đến các khoa để tiếp tục điều trị.

các y sỹ nhanh chóng làm các thao tác đo huyết áp, đo mạch, đo nhiệt độ cơ thể cho bệnh nhân

Các bác sỹ làm các thao tác đo huyết áp, đo mạch, đo nhiệt độ cơ thể cho bệnh nhân

Đối với các trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ được chuyển thẳng vào phòng cấp cứu để các bác sỹ thăm khám đồng thời huy động các bác sỹ cận lâm sàng, bác sỹ chuyên khoa khác cùng phối hợp cấp cứu bệnh nhân.

Nghe qua tưởng chừng công việc chỉ bấy nhiêu thôi nhưng cứ liên tục lặp đi lặp lại từ đầu đến cuối ca trực cũng đủ làm các thầy thuốc nơi đây mệt nhoài, cả Khoa Cấp cứu lúc nào cũng trong tình trạng "căng như dây đàn" bất kể ngày hay những đêm đông giá rét.

Hầu hết bệnh nhân nhiễm COVID-19 đều chung tâm trạng lo lắng về sức khỏe của mình khi vào viện. Họ hầu như không có người nhà bên cạnh nên tất thảy mọi việc từ việc chăm sóc bản thân đến điều trị đều trông cậy hết vào lực lượng y tế trong Khoa.

Các y bác sỹ phải ghi tên mình lên áo để tiện nhận diện

Các y bác sĩ phải ghi tên mình lên áo để tiện nhận diện

Suốt 8 tiếng, thậm chí nhiều giờ hơn nữa, những bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân trong khu điều trị F0 ở Hải Phòng mặc đồ bảo hộ kín mít từ trên xuống dưới, đeo nhiều lớp khẩu trang và găng tay vừa đảm nhiệm công việc chuyên môn, vừa chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân vừa trò chuyện an ủi, động viên người bệnh vững vàng tâm lý, phối hợp chữa trị.

>>>Hải Dương tăng cường 226 "chiến sĩ áo trắng" hỗ trợ Thủ đô chống dịch

Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy - Khoa hồi sức cấp cứu chia sẻ: Từ sau Tết Nguyên đán đến nay tình hình dịch bệnh bùng phát, rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức, các nhân viên y tế cùng các lực lượng tham gia phòng, chống dịch như không một phút nghỉ ngơi.

Nếu một lần tận mắt chứng kiến những hình ảnh các nhân viên y tế thức trắng đêm để lấy mẫu xét nghiệm; người ướt đẫm mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ, ngất xỉu vì làm việc quá mệt… có lẽ mới có thể thấu cảm được những cố gắng, hy sinh của họ trong cuộc chiến chống dịch. Những hy sinh lớn lao ấy thật khó có gì đo đếm được.

Các y bác sỹ chuẩn bị bước vào ca trực mới

Các y, bác sĩ chuẩn bị bước vào ca trực mới

Dù ngày hay đêm, các bác sỹ tại Bệnh viện Việt Tiệp luôn thay nhau theo dõi tình hình của các bệnh nhân F0

Dù ngày hay đêm, các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Tiệp luôn thay nhau theo dõi tình hình của các bệnh nhân F0

Theo chị Nguyễn Thị Quyên Khoa – điều dưỡng khoa Xương-Cơ-Khớp BV Việt Tiệp: Trước khi đi cũng đã hình dung công việc phải làm ở đây nhưng không ngờ, công việc lại nhiều tới mức không có thời gian mà nghỉ. Đến điện thoại của gia đình gọi tới có việc báo cũng chỉ vâng, dạ rồi cúp máy, không nói thêm được câu gì. Công việc của chị tại Khoa Bệnh nhiệt đới bắt đầu từ 6 giờ đến 14 giờ, nhiệm vụ chăm sóc F0, thực hiện y lệnh của bác sỹ.

Khi hết ca trực, chị lại tiếp tục công việc hành chính của Khoa. Tương đối áp lực. Theo kế hoạch, mỗi bác sỹ, điều dưỡng sẽ vào tăng cường 1 tháng rồi ra, Khoa lại cử người khác vào thay.

Các y bác sỹ đón nhận bệnh nhân F0 trở nặng từ tuyến dưới chuyển lên

Các y, bác sĩ đón nhận bệnh nhân F0 trở nặng từ tuyến dưới chuyển lên

Tất cả nhân lực y tế ở đây đều phải làm việc với tinh thần căng mình hết sức có thể

Tất cả nhân lực y tế ở đây đều phải làm việc với tinh thần căng mình hết sức có thể

Theo chia sẻ của Bác sĩ Đỗ Hải Vinh (phụ trách khoa), xuất phát từ tâm lý lo sợ bệnh tình của bệnh nhân nên người nhà đưa bệnh nhân đến khoa thường rất nôn nóng, mất bình tĩnh, luôn yêu cầu bác sỹ phải cấp cứu khẩn cấp cho người nhà mình, nếu không được đáp ứng thì họ sẵn sàng buông ra những lời nói, hành động thiếu kiểm soát. Nhưng vì đội ngũ bác sĩ có hạn, cơ sở vật chất, thiết bị tuy được đầu tư mới song việc cấp cứu phải đúng theo quy trình chẩn đoán và xử lý chứ không thể cấp cứu bệnh nhân trong tình trạng nóng vội sẽ rất dễ dẫn đến hậu quả khôn lường. Bên cạnh đó, cùng lúc có những bệnh nhân nặng hơn, nguy cấp hơn buộc bác sỹ phải ưu tiên cấp cứu ngay cho những trường hợp đó trước. “Là bác sĩ chữa bệnh cứu người, không bác sỹ nào muốn bệnh nhân mình nặng thêm hay tử vong cả” - Bác sĩ Vinh khẳng định.

Các y bác sỹ sử dụng bộ đàm để liên lạc trong quá trình điều trị cho bệnh nhân F0

Các y, bác sĩ sử dụng bộ đàm để liên lạc trong quá trình điều trị cho bệnh nhân F0

Theo bác sĩ Tô Thị Thu, áp lực và cường độ công việc mang tính đặc thù của Khoa nên ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của các y bác sỹ nữ, đối với những bác sỹ hồi sức cấp cứu hẳn là vẫn còn ngọn lửa đam mê, bởi đây được coi là nơi đầu sóng ngọn gió, nơi số lượng và độ hiểm nghèo của bệnh nhân là số 1. Trước sự mong manh giữa sự sống và cái chết, đòi hỏi những quyết định căng đầu chỉ trong vài giây, vài phút. "Nam giới làm chuyên ngành này còn mệt mỏi huống chi là nữ giới. Trách nhiệm với chúng tôi luôn nặng nề, ngoài trách nhiệm với bệnh nhân còn trách nhiệm của một người vợ người mẹ mà trách nhiệm này cả cuộc đời chúng tôi cũng chưa bao giờ làm cho trọn vẹn. Tuy nhiên, chúng tôi luôn yêu, sống và cống hiến hết mình cho chuyên ngành mà mình đã chọn”. - Bác sĩ Thu nói.

Các bác sỹ thành công đặt máy tạo nhịp tim tạm thời cho bệnh nhân COVID-19

Các bác sĩ đặt máy tạo nhịp tim tạm thời cho bệnh nhân COVID-19

Cũng là người được tăng cường từ cơ sở 1 vào tăng cường điều trị F0 cho cơ sở 2, Y tá trưởng Nguyễn Thị Vân Anh cho biết: Công việc ở đây không có khái niệm thời gian. Khi chưa sang khu điều trị F0, chị còn thời gian chăm sóc cho gia đình, nhưng từ hôm sang khu điều trị này, ngoài thời gian thăm khám, xử lý các tình huống bệnh cho các F0 theo lịch phân công, thời gian còn lại làm hồ sơ bệnh án.

Tất cả nhân lực y tế ở đây đều phải làm việc với tinh thần căng mình hết sức có thể, nếu mệt quá thì tranh thủ nghỉ, còn không thì làm việc liên tục.

Các ca bệnh được chăm sóc cẩn thận, chu đáo

Các ca bệnh được chăm sóc cẩn thận, chu đáo

Các bác sỹ kiểm tra diễn tiến sức khỏe bệnh nhân

Các bác sĩ kiểm tra diễn tiến sức khỏe bệnh nhân

Những cán bộ, nhân viên y tế nơi đây vẫn đang cần mẫn, lặng lẽ làm những phần việc của mình. Người thì kiểm tra diễn tiến sức khỏe bệnh nhân, người thay dịch truyền hay kéo nhẹ chiếc chăn ấm đắp cho bệnh nhân; người thì nhanh chóng hoàn thiện các hồ sơ bệnh án, những người còn lại tiếp tục ngồi tra cứu thông tin về các loại bệnh, những loại thuốc, những phương pháp mới để ứng dụng trong chẩn đoán, cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân.

Những cán bộ, nhân viên y tế nơi đây vẫn đang cần mẫn, lặng lẽ làm những phần việc của mình

Những cán bộ, nhân viên y tế vẫn ngày đêm lặng lẽ làm những phần việc của mình

Trong trận chiến chống dịch đầy khốc liệt này, chắc chắn có những hy sinh, mất mát, những nỗi đau khó diễn tả thành lời, nhưng vượt qua tất cả, như lời Bộ trưởng Bộ Y tế từng gửi gắm trong bức thư gửi các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành y tế: “Hơn ai hết, mỗi nhân viên y tế luôn ý thức được trách nhiệm, nhiệm vụ cao cả của mình trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh… Mỗi cá nhân, tập thể trong ngành y tế tiếp tục chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19, bảo đảm tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và ổn định phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”.

Hôm nay 27/2 - một ngày nắng đẹp thật ấm áp, bình yên lạ thường. Có lẽ bởi tất cả chúng ta đều biết, đâu đó giữa cuộc đời này vẫn đang có những con người từng giây từng phút cố gắng bảo vệ, giành giật sự sống mang lại sức khỏe cho nhân dân.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngày thầy thuốc Việt Nam: Sự hy sinh lặng thầm

    Ngày thầy thuốc Việt Nam: Sự hy sinh lặng thầm

    07:00, 27/02/2020

  • Hải Dương tăng cường 226

    Hải Dương tăng cường 226 "chiến sỹ áo trắng" hỗ trợ Thủ đô chống dịch

    07:32, 10/09/2021

  • Ngày của

    Ngày của "chiến binh áo trắng", hy vọng bình minh sớm trở lại

    08:00, 27/02/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chuyện ghi từ khu điều trị F0, Bệnh viện Việt Tiệp 2, Hải Phòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO