Theo TS Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng, Việt Nam đã có một năm tăng trưởng vượt bậc với nhiều thành tích, tuy nhiên, rủi ro về sự mất bình tĩnh, “ngây ngất” mà “ngủ quên” trên chiến thắng có thể là thách thức với tăng trưởng kinh tế năm 2018.
Tại Toạ đàm “Nhận định tình hình kinh tế Việt Nam năm 2018: Góc nhìn chuyên gia và doanh nghiệp” được Hiệp hội doanh nhân nữ Hà Nội (HNEW) phối hợp cùng Hội doanh nhân trẻ Hà Nội (HANOIBA) tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra những thách thức với phát triển kinh tế 2018.
Hai mặt của tăng trưởng
Có thể bạn quan tâm |
Theo đó, ông Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn bước chuyển, có ý nghĩa quan trọng. Có thể nói, năm 2017 đã có bước phát triển lớn nhất trong vòng 7 năm qua.
Đây cũng là năm doanh nghiệp tư nhân năm 2017 đã có sự đóng góp lớn, Chính phủ đã có sự nhìn nhận lại về khu vực kinh tế này. “Đơn cử như SUN Group làm sân bay Vân Đồn, đây là điều chưa từng có, trước đây Nhà nước chưa từng giao cho tư nhân làm sân bay”, ông Thiên lấy ví dụ đồng thời khẳng định “cái đáng nhận năm nay, mạnh nhất là Thủ tướng Chính phủ liên tục gây áp lực lên các bộ ngành, tạo niềm tin Chính phủ hành động vì doanh nghiệp. Tổ tư vấn sắp tới họp cũng sẽ bàn thảo và xác định nhiệm vụ trọng tâm 2018 sẽ tiếp tục như vậy”.
Cũng theo ông Thiên, bài học rút ra từ 2017, các chuyên gia khẳng định doanh nghiệp Việt Nam còn quá nhỏ bé, thiếu liên kết và thiếu thành tố để khẳng định là trụ cột của nền kinh tế. Có những tập đoàn tư nhân lớn nhưng chủ yếu ở lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp lớn về công nghệ gần như thiêú vắng.
“Cùng với đó, nền tảng doanh nghiệp có chuyển động nhưng còn yếu, so với yêu cầu chuyển dịch trong cuộc cách mạng công nghệ là cực kỳ chậm”, ông Thiên nói.
Do đó, theo TS Trần Đình Thiên cần nhận diện kinh tế 2017 một cách bình tĩnh, bởi kinh tế tăng trưởng đáng kể là do FDI.
Ông Thiên cũng nhận định, năm 2017 việc cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính mới chỉ ở đường lối, năm 2018 mới là năm thực hiện, những tháo gỡ sẽ làm rất mạnh. Có thể nói 2017 mới chỉ làm “động đậy” “hòn đá” cơ chế.
Tạo trụ cột của nền kinh tế
Theo ông Thiên, năm 2018, Chính phủ không đóng đinh vào một con số khi các điều kiện tăng trưởng nằm ngoài tầm với. “Do đó mức tăng trưởng được Chính phủ đưa ra là từ 6,5-6,7%, Thủ tướng chỉ đạo phấn đấu đạt mức cao nhất. Việc đưa ra mục tiêu này không phải là hạ tăng trưởng so với 2017, mà nó là thể hiện sự nghiêm túc của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng”, ông Thiên nói.
Bên cạnh đó, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nền kinh tế phát triển. Cơ cấu tăng trưởng vẫn dựa vào vốn và số doanh nghiệp, năm tới cơ sở về vốn, nhân lực cho tăng trưởng vẫn sẽ ổn định.
Tuy nhiên theo ông Thiên, vẫn có những rủi ro cho kinh tế 2018. “Hình như đang diễn lại một xu thế FDI đầu tư nhiều, thị trường chứng khoán tốt lên, kỳ tích 10 năm, thị trường bất động sản “ấm lên. Có hiệu ứng chập 3 dễ nảy sinh thành bất ổn kinh tế”, ông Thiên nói.
Theo đó, ông Thiên khẳng định vẫn phải bình tĩnh với năm 2018. Ông Thiên e ngại, kiểu say sưa, ngây ngất dễ kéo đến sự “ngủ quên” của sự phát triển kinh tế. Do đó, theo ông Thiên dùng từ kỳ tích là hơi quá, bởi nền kinh tế Việt Nam còn rất nhỏ bé, do đó mức tăng trưởng thêm 1-2% là không đáng kể.
Đặc biệt, vị chuyên gia khẳng định cần tư duy lại về sự phát triển của doanh nghiệp Việt. Theo đó, xác định rõ trụ cột của nền kinh tế, bởi những nước đi sau muốn đi lên nhanh đều cần tạo ra nhữnh trụ cột tư nhân như vậy. “Phải khẳng định, cần xác định phát triển doanh nghiệp lấy nền tảng phải là khu vực tư nhân và trụ cột là các tập đoàn kinh tế tư nhân, tạo sức bật cho nền kinh tế”, ông Thiên nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ông thiên, có nguy cơ thứ hai về cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong khi động thái thương mại của Việt Nam là nhập từ Trung Quốc-xuất sang Mỹ, do đó cần lưu ý tránh lệ thuộc vào hai thị trường này.
Ông Thiên cũng nhắc đến rủi ro thiên tai với tần số tăng lên và khó lường. Đặc biệt còn rủi ro về công nghệ, những rủi ro không đánh giá được giới hạn ảnh hưởng.
Theo đó, theo ông Thiên phải tạo lập được trụ cột là kinh tế tư nhân. “Doanh nghiệp cần chủ động đề xuất những chính sách, cơ chế nhiều hơn nữa, đây là quyền lợi của doanh nghiệp, không phải là xin-cho chính sách, doanh nghiệp cần gây áp lực lên các doanh nghiệp”, ông Thiên nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Hà Thu Thanh- Chủ tịch HNEW nhận định, có nhiều bệ đỡ cho doanh nghiệp năm 2018. “CP TPP đã chính thức được ký kết, điều này sẽ tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Luật hỗ trợ DNVVN cũng sẽ tạo nền tảng cho doanh nghiệp “cất cánh”, bà Hà Thu Thanh nhấn mạnh.