Chuyện người tài, sử dụng nhân tài xưa và nay

Diendandoanhnghiep.vn Cuộc tranh luận giữa ĐB Nguyễn Quang Tuấn và ĐB Dương Trung Quốc về vấn đề nhân tài và sử dụng nhân tài phần nào cho thấy đây là vấn đề khó, gai góc cả về lý luận lẫn thực tiễn.

Cuộc tranh luận “nảy lửa”

Đại biểu Dương Trung Quốc xin dùng quyền tranh luận để thể hiện quan điểm cho rằng một công chức khó có thể phát hiện ra cái gì kiệt xuất, vì tất cả đều được thực hiện theo quy định rồi, giống như “đánh máy giỏi chỉ để khỏi ảnh hưởng đến thủ trưởng thôi”.

“Bây giờ chúng ta nói công chức yêu nước, thế những người tài làm ở nơi khác không yêu nước à? Chúng ta phải có giá trị để thu hút những người tài năng chứ đừng làm ra một cái gì riêng. Câu chuyện nhân tài, kiệt xuất hãy để bàn ở chính sách khác” - ông Quốc nói.

Đại biểu Dương Trung Quốc.

“Không biết các đại biểu cảm tưởng ra sao, riêng tôi rất sốc và buồn khi nghe đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu như vậy… Tôi rất mong Quốc hội nhìn nhận đánh giá lại phát biểu của đại biểu Dương Trung Quốc trong vấn đề này, nếu không người dân sẽ hiểu sai. Chúng ta đang làm việc nhưng không có lòng yêu nước là không đúng” - Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn nói khi tranh luận với đại biểu Quốc.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn.

Trao đổi lại, ông Quốc nhấn mạnh “chúng ta phải biết vận dụng chứ không thể giáo điều”. “Tôi xin hỏi đại biểu Tuấn, bây giờ có thể bổ nhiệm giám đốc sở, chưa nói đến một phó chủ tịch nước hay là chủ tịch Quốc hội, là người ngoài Đảng không? Chắc chắn là không, vì cơ chế thay đổi rồi” - ông Quốc đặt vấn đề.

Theo đó, Đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh phải biết dùng người đúng lúc, đúng chỗ và chúng ta có hệ thống giá trị để thu hút người tài. Và phải vận dụng nhưng đừng giáo điều, đừng chụp mũ.

Còn dưới góc nhìn của cử tri, nhân dân thì người tài đôi khi đơn giản như Đại biểu Lê Thanh Vân nói là người tài cần phải phân loại ở từng lĩnh vực cụ thể. Cụ thể, trong chính trị là người khởi xướng ra chính sách; trong văn hóa nghệ thuật phải sáng tác ra những tác phẩm nghệ thuật để lại cho muôn đời sau… Quan trọng là chúng ta biết dùng người, tìm người như thế nào mà thôi.

Vẫn phải học các “bậc tiền bối”

Nhiều ý kiến tranh luận trên mang tính chất hàn lâm so với thực tiễn, đặc biệt là ý kiến của Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn khi ông cho rằng người tài phải là “tổng hợp của tổng hợp” – tức là phải có nhiều tố chất thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, dù rằng ông cũng có lý khi nói phải học hỏi cách dụng người của Hồ Chí Minh.

Vậy nên người viết xin dẫn lại một số quan điểm dùng người tài của các bậc tiền bối như sau.   

* Thời vua Lê Thánh Tông

Dưới triều Lê Thánh Tông đạt đến mức hoàn bị, từ Trung ương xuống đến xã.

Thế lực của đại quý tộc bị hạn chế, thay vào đó là sự tham chính của tầng lớp sĩ phu nho giáo được tuyển lựa bằng con đường thi cử. Có nghĩa là thế lực “con ông cháu cha” không thể lộng hành và những người có chân tài thực học được chọn lựa vào bộ máy nhà nước các cấp.

Không chỉ biết sử dụng các vị quan tài năng mà vị minh quân này cũng ra sắc dụ khuyên răn các vị quan về việc dùng người: Khi nghe Tư Mã Quang có nói rằng ‘người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc để đi đến họa loạn’.

Ta và các ngươi thề với trời đất "dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chắm nhớ lấy, các ngươi chớ có lãng quên" - Đại Việt sử ký toàn thư.

Khi một vị quan đại thần phạm tội, vua lập tức giáng chức và răn vị quan này: ‘Pháp luật là phép công của nhà nước, ta cùng các ngươi đều phải tuân theo, ngươi nên nhớ lấy’.

* Thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh  từng nói: “Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”.

Khi đất nước mới giành được độc lập và trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đứng trước muôn ngàn khó khăn, Người đã xác định được tầm quan trọng của việc sử dụng người tài.

Người đã thuyết phục và mời được các nhân sĩ, trí thức ra giúp nước không kể già hay trẻ, cựu học hay tân học, trong Đảng hay ngoài Đảng như các vị: Nguyễn Văn Tố, Huỳnh Thúc Kháng, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Phan Anh, Hoàng Minh Giám...Người mời được các trí thức Việt Kiều về giúp nước như: Bác sĩ Trần Hữu Tước, kĩ sư Trần Đại Nghĩa, kĩ sư Võ Quý Huân, giáo sư Trần Đức Thảo,...

Đồng thời, Người mạnh dạn sử dụng nhân tài trẻ như phong Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp lúc ông mới 37 tuổi, bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho ông Nguyễn Văn Huyên (một người không phải là Đảng viên) lúc ông mới 38 tuổi.

Nhưng cũng khá nghiêm khắc khi nhân tài vi phạm kỷ cương phép nước như Bác Hồ cũng là người quyết định án tử hình đối với Đại tá Trần Dụ Châu, nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu vì tội tham nhũng.

Ngày nay cần phải linh hoạt, phù hợp với thực tiễn

Thực ra, vấn đề mà các Đại biểu tranh luận không mới nhưng gian nan. Người ta đã mổ xẻ vấn đề này ở các cơ quan nhà nước - nơi thu hút phần lớn nhân tài theo quan niệm thông thường. Người ta cũng đem vấn đề này vào trong những cuộc họp ở các công ty tư nhân - nơi quan niệm về nhân tài đôi khi hoặc thực tế hoặc thực dụng hơn.

Người ta nói câu chuyện này ở cả những quán nước - nơi con người cảm thấy tự do hơn và do đó, sẽ nói về những vấn đề kiểu như thế một cách hồn nhiên hơn, thẳng thắn hơn và đôi khi với một thái độ bất mãn hơn.

Dường như, vấn đề này đã nóng tới mức các Đại biểu tranh luận khá gay gắt ở nghị trường khiến dư luận cũng phải nóng theo.

Các cụ xưa có câu “một người biết lo bằng kho người làm”. Việc đầu tiên phải là người lãnh đạo giỏi thì mới xây dựng được cơ chế chính sách hợp lý, công tác tổ chức lựa chọn cán bộ cũng đáp ứng được yêu cầu phát triển xã hội. Vấn đề ở chỗ việc phát hiện người tài và sử dụng nhân tài hiện nay đang gặp những trở ngại nhất định.

Nói như vậy bởi vì, dù không ai phủ nhận nhiều lao động có trình độ đại học, thậm chí trên đại học, nhưng chất lượng của rất nhiều “ông cử bà thạc” cũng hiện nay cũng là một điều đáng bàn. Theo đó, nó phần nào áp chế sự phát triển của xã hội và gây nên những định kiến về người có bằng cấp, trình độ nhưng lại lận đận về chuyện nghề nghiệp, đặc biệt là xin việc trong lĩnh vực công quyền.

Rõ ràng hơn, nhân tài và những người có khả năng thực thi nhiệm vụ ở nước ta không thiếu. Chỉ có điều đang có những “nút thắt” trong việc dùng người của chúng ta hiện nay mà thôi.

Chẳng hạn, Việt Nam hiện đang có một nền giáo dục khuôn mẫu và kém hợp lý tới mức luôn cung cấp cho thị trường lao động những sản phẩm khó bán hoặc thậm chí không thể bán. Những sản phẩm kiểu đó thường là những người lao động mang trong mình rất nhiều kiến thức nhưng lại thiếu tư duy làm việc nên không thể biến những kiến thức được học trở thành công cụ lao động của mình. 

Còn nhìn nhận vấn đề dưới góc độ văn hóa thì nền văn hóa Việt Nam với những hạn chế của nó đang ngày càng trở thành một thứ trở ngại đối với việc tìm kiếm và sử dụng nhân tài. Tại sao lại nói như vậy? Vì một điều kiện bắt buộc để phát huy nguồn lực con người là chúng ta phải tôn trọng các giá trị cá nhân. Tuy nhiên, nền văn hóa Việt Nam dường như rất khó chấp nhận những thứ khác biệt, những thứ nổi cộm - những giá trị mang đậm chất cá nhân.

Bên cạnh đó, không thể không thừa nhận rằng, tất thảy mọi khó khăn và bế tắc của chúng ta đều nằm ở vấn đề thể chế. Từ rất lâu, cơ chế tuyển dụng của Việt Nam có một đặc điểm là dựa vào các mối quan hệ theo kiểu những lao động được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước đều khả năng hay tài năng.

Dẫn chứng đó là câu chuyện “cả họ làm quan” này hình như đã được “phổ cập”  khắp Bắc, Trung, Nam: Hà Giang, Yên Bái, Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định,  Đăk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Long An...

Thậm chí ông Bùi Quang Vinh (nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư) từng than là cơ chế hiện tại rất bó buộc: Có thể tìm được người tài giỏi ở bên ngoài làm thay và làm tốt hơn việc của 7-8 công chức đang có trong bộ máy, nhưng điều bất khả thi thứ nhất là ông không thể trả cho người giỏi này mức lương cao gấp 7-8 lần những người công chức kia, và điều bất khả thi thứ hai là ông không thể cho 7-8 công chức thôi việc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Cán bộ là cái gốc của mọi việc và công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Vì thế, dù các Đại biểu có tranh luận đến đâu đi nữa thì việc đầu tiên chúng ta cần phải làm là gỡ được những “nút thắt” trong việc phát hiện và sử dụng người tài hiện nay cho phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội, đất nước.

Nó phải được thực hiện một cách thường xuyên vì nếu quốc gia sử dụng được các nhân tài trên mọi lĩnh vực thì dân giàu nước mạnh. Nếu quốc gia chỉ sử dụng những kẻ bất tài vô dụng, phường giáo áo túi cơm thì dân nghèo, nước yếu.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Chuyện người tài, sử dụng nhân tài xưa và nay tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711631656 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711631656 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10