Ngành năng lượng Việt Nam đã đi đúng hướng trong việc phát triển và sử dụng năng lượng sạch. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những vướng mắc trong việc phát triển năng lượng tái tạo.
Thông tin đại gia ngành năng lượng Thái Lan mua 4 dự án điện mặt trời tại Bình Phước với tổng diện tích hàng trăm ha sát biên giới Việt Nam – Campuchia đang làm xôn xao dư luận. Trong bối cảnh thông tin về việc cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc nắm giữ đất đai tại các vị trí “đắc địa” và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ quân sự đã trở thành vấn đề nóng được dư luận và cử tri rất quan tâm thì thông tin Super Energy của Thái Lan sẽ chi không quá 456,7 triệu USD để đầu tư vào 4 dự án nhà máy điện mặt trời, gồm Lộc Ninh 1 (200 MW), Lộc Ninh 2 (200 MW), Lộc Ninh 3 (150 MW) và Lộc Ninh 4 (200 MW) tại tỉnh Bình Phước (Việt Nam).
Thâu tóm?
Ngày 25/3/2020, trong văn bản gửi tới Ủy ban Chứng khoán Thái Lan, Hội đồng Quản trị Công ty Super Energy Corporation Company Limited (Super Energy) của Thái Lan cho biết sẽ chi không quá 456,7 triệu USD để đầu tư vào 4 dự án nhà máy điện mặt trời, gồm Lộc Ninh 1 (200 MW), Lộc Ninh 2 (200 MW), Lộc Ninh 3 (150 MW) và Lộc Ninh 4 (200 MW) tại tỉnh Bình Phước (Việt Nam).Theo thông báo, khoản đầu tư vào Lộc Ninh 1 là 99,7 triệu USD; tại Lộc Ninh 2 là 140 triệu USD; tại Lộc Ninh 3 là 105 triệu USD và tại Lộc Ninh 4 là 112 triệu USD.
Theo tìm hiểu của phóng viên, để thực hiện thâu tóm dự án Lộc Ninh 1, Super Energy tham gia góp vốn với tỷ lệ 49% tại doanh nghiệp trung gian là Công ty Cổ phần SSE Việt Nam 1 (SSEVN1). Tiếp đó, công ty mua lại 51% cổ phần còn lại từ 2 cá nhân là ông Tạ Xuân Thắng và bà Châu Mộng Như với số tiền tối đa 17,8 triệu USD để nắm giữ 100% vốn tại SSEVN1.
Cách thức thâu tóm các dự án còn lại cũng được SUPER tiến hành tương tự. Cụ thể, công ty mua 100% cổ phần tại Công ty Cổ phần SSELN2 và Công ty Cổ phần SSEBP3 để sở hữu 100% vốn tại dự án Lộc Ninh 2 và Lộc Ninh 3; mua 100% cổ phần trong pháp nhân New Hold Co 4 (vốn 50 tỷ đồng), qua đó sở hữu 80% dự án Lộc Ninh 4. Thương vụ "khủng" của công ty Thái Lan này có tổng giá trị tới 456,7 triệu USD, trong đó, khoản chi phí để mua lại cổ phần là 76,05 triệu USD.
Nhiều băn khoăn
Một nguồn tin đáng tin cậy của Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, hiện quá trình Super Energy “thâu tóm” các dự án Lộc Ninh 1, Lộc Ninh 2 và Lộc Ninh 3 đã hoàn tất và công ty này đang triển khai các bước cần thiết để hoàn thành các dự án trên vào cuối năm 2020.
Điều này càng được khẳng định khi trên các diễn đàn mạng của Trung Quốc thông tin: vào ngày 28/5, Tập đoàn kiến thiết điện lực Trung Quốc ký kết hợp đồng hạng mục Điện mặt trời 550mv Lộc Ninh Việt Nam với Super Energy. Cụ thể: “dự án nói trên có địa điểm đặt ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Tổng cộng phân thành 3 giai đoạn triển khai. Lộc Ninh 1 sẽ lắp đặt 200mw. Lộc Ninh 2 sẽ lắp đặt 200mw và Lộc Ninh 3 sẽ lắp đặt 150mw. Trạm biến áp 220kv. Hợp đồng yêu cầu hoàn thành không được muộn hơn ngày 31/12/2020. Trọn gói hạng mục Lộc Ninh 1,2 và 3 bao gồm cả mua sắm thiết bị, thiết kế và thi công.
Đặc biệt, trong thông tin này nhấn mạnh: tính đến tháng 4/2020, Tập đoàn kiến thiết điện Trung Quốc tại Việt Nam đã hoàn thành xây dựng hơn 70 hạng mục về điện, chiếm 65% tổng các hạng mục triển khai tại Việt Nam về điện. Trong đó các hạng mục về năng lượng mới đã vượt quá 2.5GW,… và cống hiến cho nền kinh tế Việt Nam?
Thông tin ký kết hợp đồng EPC Lộc Ninh 1,2 và 3 khi lan truyền cũng đã khiến giới đầu tư điện mặt trời trong nước xôn xao. “Nếu không đủ năng lực để triển khai dự án thì vì sao chủ đầu tư Lộc Ninh không sang nhượng, bán các dự án nói trên cho các nhà đầu tư trong nước mà bán cho nước ngoài. Đặc biệt là trong bối cảnh các cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc hiện đang nắm giữ đất đai tại các vị trí “đắc địa” và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ quân sự trở thành vấn đề nóng được dư luận và cử tri rất quan tâm. Đáng chú ý, với quy mô của các dự án rộng hàng trăm ha – nằm sát biên giới và tại khu vực này nếu bật chế độ roaming sẽ bắt được sóng điện thoại Campuchia mà không có sóng Việt Nam thì theo tôi dự án nói trên được Super Energy giao cho một nhà thầu Trung Quốc thi công cũng là điều rất đáng lo ngại”, một nhà đầu tư điện mặt trời nhấn mạnh.
Một nguồn tin của Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, hiện Super Energy đang làm các thủ tục để đưa người Thái Lan, đơn vị thi công thì làm thủ tục để đưa người Trung Quốc sang triển khai dự án và dự tính đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành.