Cơ chế nào tiêu diệt “nịnh”?

Diendandoanhnghiep.vn “Thơ của Hoàng thượng hay tuyệt đỉnh, chữ viết như rồng bay phượng múa. Triều đình ta mấy nghìn năm chưa có ai làm thơ hay và viết chữ đẹp như thế!”...

Để cuộc sống thi vị hơn con người đừng nên quá tiết kiệm lời khen, nhưng khen không đúng chỗ, đúng nơi gắn với ý đồ đen tối dễ trở thành xu nịnh. Đó là một vấn nạn không chỉ làm trì trệ xã hội mà còn để lại vô vàn tiêu cực nơi công sở.

Nói về nịnh không ai “đẳng cấp” như Hòa Thân. Khi Càn Long hứng chí làm thơ, Thân ca tụng: “Thơ của Hoàng thượng hay tuyệt đỉnh, chữ viết như rồng bay phượng múa. Triều đình ta mấy nghìn năm chưa có ai làm thơ hay và viết chữ đẹp như thế!”.

Hễ có dịp là Hòa Thân buông lời: “Công ơn của Hoàng thượng như trời bể, tài đức sánh ngang với Nghiêu, Thuấn!” Với những lời phỉnh nịnh ngọt ngào như thế, Hòa Thân từ một tên quan hạng quèn đã leo lên đến Tể tướng và giàu có tột đỉnh. Tài sản nhà họ Hòa còn lớn hơn ngân khố quốc gia.

Lịch sử Việt Nam còn lưu lại câu chuyện về “Thất trảm sớ” của nhà giáo Chu Văn An dâng lên vua Trần Dụ Tông đề nghị chém 7 tên “đại nịnh thần” khiến cho nhà vua mờ mắt trước cảnh bá tánh lầm than, quyền bính lọt vào tay kẻ bất tài, tham lam.

“Thất trảm sớ” không được thực hiện, bất mãn thời cuộc, một người hiền tài Chu Văn An đã cáo quan về ở ẩn!

Nịnh bợ là một vấn đề nhức nhối chốn công sở (Ảnh minh họa)

Nịnh bợ là một vấn đề nhức nhối chốn công sở (Ảnh minh họa)

Chốn công sở không hiếm những chuyện như “cô này được lòng sếp”, “anh kia bị ghét”, vì thế mà có người cứ thăng tiến vùn vụt, cũng có người trầy da tróc vảy mãi làm anh lính quèn.

Ấy thế mà chưa bao giờ người ta thấy có đủ đầy bằng chứng cho cái việc gọi là “được lòng” hay “mếch lòng”, đa phần chỉ làm cảm giác, rồi thì thương ai ghét ai cũng là chuyện khó nói trừ khi nó chẳng liên quan đến mệnh hệ của người khác.

Người Việt từ xa xưa đã nói “mật ngọt chết ruồi”, thế là con cháu cứ đua nhau áp dụng, nói lời mật ngọt lại được việc, tội gì không nói? Nói lời cay đắng có khi thân bại danh liệt (mặc dù đúng) dại gì mà nói?.    

“Văn hóa phản biện” gần đây được lật dở lên vì người ta biết rằng rất khó công bằng, dân chủ nếu như tiếng nói của những cá nhân không được tôn trọng như nhau; giáo dục cũng sẽ vô nghĩa nếu không tạo ra được con người “dám cãi”; xã hội trì trệ nếu như ai cũng chỉ biết làm theo đường mòn lối cũ.

Vậy, làm sao để có phản biện? Một xã hội kém phản biện được tạo thành từ những cá nhân sợ phản biện, không biết phản biện… những cá nhân NGƯỜI ấy là kết quả của giáo dục và đào tạo.

Vì vậy, muốn có phản xạ phản biện trong não bộ trước hết phải làm từ trong giáo dục. Làm sao để từ nhà trường cho “ra lò” thế hệ công dân biết nghi ngờ sự vật hiện tượng, nghi ngờ cái gọi là “khuôn vàng thước ngọc”.

Tư duy phản biện hay là tư duy phân tích là một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Lập luận phản biện phải rõ ràng, logic, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm.

Vì vậy, “phản biện” thường không đội trời chung với “nịnh”. Nếu nịnh là bất chấp đúng sai để tâng bốc người khác thì phản biện dựa vào tri kiến, phân tích đánh giá bằng lập luận logic.

Phải thấy rằng, chỗ nào đầy rẫy nịnh thường không có phản biện, ngược lại chỗ nào có phản biện khoa học, nịnh không có chỗ tồn tại.

Nhiều nghiên cứu khảo cổ văn hóa cho thấy rằng, người phương Đông (trong đó có người Việt) trọng tính cộng đồng. Đó là “gen trội” rất tích cực, song nếu xét kỹ không hoàn toàn đúng như vậy.

Các đặc tính “một người làm quan cả họ được nhờ”, “cua có vọ mừng”, “thấy người sang bắt quàng làm họ”… thật ra là nhấn mạnh vai trò cá nhân, cộng đồng hầu như “nương tựa” vào cá nhân.

Hoàn toàn phù hợp với phân loại của như GS Trần Ngọc Thêm, văn hóa Việt Nam mang “âm tính”, tức là giống tính cách người đàn bà, ưa ổn định, tránh xung khắc, ngại thay đổi. Đối lập với văn hóa “dương tính” như người đàn ông mạnh mẽ, quyết liệt, không ngại va chạm, thay đổi.

Vì vậy, “cấp dưới” thường nịnh “cấp trên” là chuyện… đương nhiên, nó xuất phát từ văn hóa con người, con người ấy lại nuôi dưỡng văn hóa ấy trong gia đình, mang vào công sở, ra nơi công cộng.

Bởi vì trong công sở sếp là người có quyền lực nhất, quyết định vệnh mệnh của mỗi người, có thể sai một tí nhưng bị ghét nên người ta phanh phui ra, nhưng sai nhiều nhưng được ưu ái nên ém đi. Đó là sự lợi hại của việc “được lòng”.

Chẳng ai muốn nịnh, nếu không gắn với động cơ không trong sáng, nên bản thân nịnh là lời nói gian xạo, nếu môi trường làm việc minh bạch, công bằng dựa trên sự điều hành của lãnh đạo anh minh sáng suốt thì nịnh không có tác dụng.

Đến đây, phải nhờ vào cách đánh giá con người, đánh giá cán bộ, tránh rơi vào “thân hữu”, bè phái, gia đình. Kẻ xu nịnh thường yếu kém năng lực, họ không thể phản biện và không biết phản biện để chứng tỏ giá trị bản thân.

Thói xu nịnh nói chung và “nịnh sếp”, “lấy lòng vì động cơ không trong sáng” trong công sở nói riêng có nguồn gốc sâu xa từ trong tập tục, văn hóa, văn minh của người Việt Nam.

Là đại lượng hoàn toàn vô hình, đem nịnh đi luật hóa, thể chế chẳng khác nào vác dao chém vào không khí. Chỉ khi nào công sở có công bằng, minh bạch, tập hợp của những cá nhân giàu trí tuệ, nhân cách, biết phản biện, lúc đó nịnh tự nhiên mất.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Cơ chế nào tiêu diệt “nịnh”? tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713491101 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713491101 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10