Năm bứt phá đã chính thức khép lại với những con số tăng trưởng ấn tượng cùng nhiều thành tựu quan trọng toàn diện và đáng mừng để bước vào năm 2020 với vận nước đang lên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần chia sẻ về khát vọng dân tộc hùng cường. Đặc biệt với năm 2020, Thủ tướng một lần nữa bày tỏ về khát vọng lớn lao ấy: "Dân tộc chúng ta là con Lạc cháu Hồng, có khát vọng không ngừng vươn cao, bay xa như truyền thuyết chim Lạc".
Chiều cuối cùng của năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2019 ngay sau 1,5 ngày diễn ra Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, trong 2 ngày làm việc của Chính phủ với các Bộ, ngành địa phương, Người đứng đầu Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh: “Cơ đồ đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày hôm nay”.
Quả thực, sự phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam đã ghi được dấu ấn quan trọng trong bối cảnh bất ổn của kinh tế toàn cầu. Ngân hàng thế giới (WB) thậm chí còn đưa ra nhận định “mây đen phủ kín toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang toả nắng ở Việt Nam”. Theo đó, định chế này dành những lời rất tích cực về tăng trưởng của kinh tế Việt Nam với những thành tích trưởng cụ thể.
“Năm 2019 có thể được coi là một năm tương đối tốt đẹp cho nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh bất định tăng lên trên toàn cầu, Việt Nam chắc chắn vẫn nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trên thế giới với tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt trên dưới 6,8%, cao gần gấp ba lần so với tốc độ bình quân của thế giới (2,6%), cao hơn 1,2 điểm phần trăm so với bình quân ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương theo ước tính mới nhất tại báo cáo Viễn cảnh kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới”, báo cáo Điểm lại cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 12/2019 của WB nhận định.
Trên thực tế, trong bối cảnh kinh tế, thương mại toàn cầu suy giảm thì Việt Nam lại có năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch và những con số tăng trưởng ấn tượng.
Đặc biệt, với tốc độ tăng GDP cả năm đạt 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra, Việt Nam trở thành một trong số những nước thuộc nhóm tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới.
Chỉ tiêu tăng trưởng đã cao hơn kế hoạch, nâng quy mô GDP lên 266 tỷ USD, bình quân đạt 2.800 USD/người.Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng. Đồng thời, đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng tăng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 33,9% GDP.
Năm 2019 cũng chứng kiến con số tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc kỷ lục 517 tỷ USD, đáng nói, xuất khẩu tăng 8,1%, trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh, xuất siêu năm thứ tư liên tiếp và đạt hơn 10 tỷ USD.
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy, đến 12h00 ngày 31/12/2019, tổng thu NSNN đạt 1.539,4 nghìn tỷ đồng, vượt 9,1% so với dự toán, tăng 82,1 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội.
Đặc biệt, kết quả thu NSNN năm 2019 ấn tượng, toàn diện, thu ngân sách Trung ương và địa phương đều vượt dự toán. Hầu hết các địa phương hoàn thành vượt dự toán thu nội địa.
Có thể bạn quan tâm
06:06, 01/01/2020
10:29, 30/12/2019
10:07, 30/12/2019
Khẳng định không tự mãn với thành quả đạt được, bước sang năm 2020, năm cột mốc quan trọng với kinh tế, đất nước, Chính phủ đã nhận được yêu cầu từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng rằng, phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 sẽ phải tiếp tục đạt cao hơn năm 2019, đây cũng chính là mục tiêu chúng ta đã đạt được năm vừa qua.
Để hiện thực mục tiêu này, Người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra 9 nhóm vấn đề cần thực hiện, trong đó, nhiều lần nhấn mạnh cần tháo gỡ những rào cản về môi trường kinh doanh, sửa đổi ngay những bất cập về cơ chế chính sách, pháp luật, nhất là những chỉ số còn thấp và những chỉ tiêu tụt hạng.
Không lạ khi Người đứng đầu Chính phủ nhắc nhở nhiều lần các bộ ngành, địa phương phải ưu tiên tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý liên quan môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Ngay cuộc họp Chính phủ ngày cuối cùng của năm 2019 Chính phủ cũng dành thời gian chủ yếu tập trung vào công tác xây dựng thể chế, pháp luật.
Thẳng thắn chỉ ra những khó khăn của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không để xảy ra tình trạng “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Mỗi bộ, ngành, địa phương xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm trong tháo gỡ vướng mắc. Trước hết, hoàn thiện hệ thống pháp lý về cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, áp dụng một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định.
Điều này là trùng khớp với khuyến nghị từ phía WB. Theo đó, WB cảnh báo, nhiều doanh nghiệp hoạt động trên thị trường trong nước đang phải đối mặt với những trở ngại nghiêm trọng, cản trở sự phát triển. Vì lẽ đó, doanh nghiệp tư nhân trong nước có năng suất báo cáo dựa trên giá trị gia tăng trên mỗi người lao động chưa đạt đến 4000 đô la Mỹ/năm, thấp hơn từ hai đến năm lần so với DNNN và doanh nghiệp FDI.
Do đó, WB khuyến nghị Chính phủ nếu Chính phủ muốn duy trì quỹ đạo tăng trưởng cao và bao trùm, nên đẩy nhanh sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng trong nước và giúp cân đối tốt hơn cho mô hình tăng trưởng hiện nay chủ yếu dựa vào sức cầu bên ngoài.