CÔ ĐƠN - căn bệnh hay tài sản?

Diendandoanhnghiep.vn Câu trả lời là “cả hai”. Tại sao vậy? Con đường kinh doanh là một con đường gai góc. Những con người làm kinh doanh thường sẵn sàng với những thách thức đang chờ đón mình.

Nhưng có một thứ thách thức mà doanh nhân nào cũng gặp phải và khó đỡ nhất, đó là sự CÔ ĐƠN.


Đến với tôi, một chuyên gia tâm lý, doanh nhân thường mang theo lý do này. Bởi tôi hiểu nỗi đau cô đơn của họ, bởi tôi không để họ bị lạc trong rừng cảm xúc tồi tệ khi họ cô đơn, bởi tôi cùng họ chọn lọc và sử dụng tốt nhất giá trị mà cảm xúc cô đơn mang lại. Và bởi tôi là “người lạ”.

Một số bạn đời của doanh nhân nói rằng: “sao họ không nói ra, giãi bày đi, đây là người thân, đây là gia đình cơ mà!”. Bạn biết không, với bạn đời càng thật khó để chia sẻ, vì bạn đời là người kỳ vọng từ họ nhiều nhất, là người họ sợ mất niềm tin nhất. Những lời chỉ trích hay thương cảm từ người thân gây ra cảm giác đau đớn nhiều nhất. Họ thường chọn nói với bạn đời chỉ khi đã đạt được kết quả cụ thể mang tính tự hào.

Khi bắt đầu bước vào kinh doanh đã gặp “cô đơn”

Rất nhiều bạn trẻ chọn con đường kinh doanh để lập nghiệp. Họ thường bị người thân phản đối nếu thế hệ trước trong gia đình chưa từng làm kinh doanh. Không chỉ sự phản đối, họ còn phải nhận từ người thân cái nhìn nghi ngờ, những lời ngăn chặn, chỉ trích chỉ vì quá lo lắng và không dám đặt niềm tin vào họ.

Nhiều người đã không thể chia sẻ với gia đình mình và lặng lẽ tách ra đi con đường riêng, ngay từ lúc đó họ đã khoác lên mình chiếc áo mang tên cô đơn.

Họ chọn sự lẻ loi cô độc, tự mình ra quyết định và chịu trách nhiệm với những thành bại phía trước để theo đuổi hoài bão riêng mình.

Khi thất bại thì cô đơn cùng cực

“Thất bại, mất tiền là chuyện bình thường, cô đơn mới là nỗi đau đớn nhất” - Shark Phạm Thanh Hưng đã nói như vậy. Bởi khi thất bại, kèm theo với mất tiền, nợ nần, mất mối quan hệ quan trọng, thì đồng thời họ còn mất cả niềm tin mà người thân, bạn bè đã gửi gắm vào họ. Mà niềm tin là thứ khó lấy lại nhất. Lúc này thật sự thấm nỗi cô đơn.

Gặp thất bại, thường ngay sau đó là mất phương hướng, vơi đi phần nào niềm tin vào chính mình. Có những người phải cố gắng gồng mình để thoát khỏi bàn tay của trầm cảm. Không cô đơn sao được!

Khi thất bại, người doanh nhân thường co lại, chịu đựng nỗi đau một mình. Không muốn hé lời nào với ai, bao gồm luôn cả người thân. Lúc này, cảm nhận nỗi cô đơn sâu hơn.

Khi thành công cũng không thoát khỏi cô đơn

Khi thành công, ngoài những tiếng vỗ tay công nhận và mừng rỡ của bạn bè thực sự, thì phần còn lại là những ánh mắt ganh tị, sự đố kị, những lời khen “thảo mai”, chỉ trích, thị phi, bóp méo giá trị. Tất cả những điều này đẩy người doanh nhân vào cảm giác cô đơn khủng khiếp.

Đứng trên một đỉnh cao, người doanh nhân thường vật lộn với những ý tưởng mới, chiến lược mới, với khao khát chinh phục đỉnh cao hơn trong tầm nhìn của họ giờ đây đã được nâng lên. Càng không thể chia sẻ được nên nỗi cô đơn trở nên dữ dội hơn.

Khi thành công, đặc biệt trong vị trí lãnh đạo, tâm lý của người doanh nhân thường muốn biến mình thành hình mẫu hoàn hảo, cố che giấu những mặt yếu vốn con người ai cũng có, đó cũng là một áp lực đẩy họ vào góc của cảm xúc cô đơn.

Sống chung với nỗi cô đơn và hưởng lợi từ nó

Coi cô đơn là một phần của cuộc đời doanh nhân. Khi biết chắc không tránh khỏi cô đơn trong hành trình kinh doanh thì sao ta không chủ động gắn nó vào cuộc đời mình, làm bạn với nó, sử dụng nó, thay vì để nó nhấn chìm? Thay vì đương đầu chống lại nó thì ta đồng nhất với nó để những cảm xúc tiêu cực không nảy nở.

Nếu gồng lên đối chọi với nỗi cô đơn đến mức tâm hồn phờ phạc thì dễ bị trở nên nhụt trí trong khi con đường kinh doanh còn rất cần sự mạnh mẽ để vượt qua muôn vàn thách thức khác.

Xếp “cảm xúc cô đơn” vào như một loại tài sản tinh thần. Khi còn lại một mình với nỗi cô đơn, người doanh nhân học được nhiều điều, ngẫm ra nhiều triết lý sống từ trải nghiệm kinh doanh của họ. Họ biểu hiện điều đó ra bằng vẽ tranh, bằng thơ, bằng viết sách, có người viết nhạc, có người biểu hiện những giá trị ấy bằng bài giảng, chia sẻ cho lớp người kế tiếp.

Những doanh nhân biết sử dụng sự cô đơn này thường trở nên thâm trầm, điềm đạm, sâu sắc và được nể phục.

Là chuyên gia tâm lý, các doanh nhân thường đến với tôi bởi nỗi đau cô đơn của họ. Chúng tôi “nắm tay” nhau đi ra khỏi sự lạc lõng trong rừng cảm xúc tiêu cực được sinh khởi bởi nỗi cô đơn.

Tôi giúp những doanh nhân tìm ra những giá trị đích thực vì sự lấp lánh của nó hiển hiện ngay trong cảm xúc cô đơn của họ. Và sau đó, chính họ là người tạo ra sản phẩm có hình hài mà người đời cảm nhận được, từ nỗi cô đơn của họ.

Trên thực tế, chúng ta đã có bao tác phẩm, bao di sản từ nỗi cô đơn của doanh nhân nhiều thời kỳ mà nhiều đời sau vẫn đang tận hưởng.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết CÔ ĐƠN - căn bệnh hay tài sản? tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713891258 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713891258 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10