Cơ hội lớn từ ứng dụng

Văn Trung 13/01/2018 05:45

Một trong những động lực lớn nhất có khả năng thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở tương lai gần là mạng 5G - chiếc chìa khóa mở ra thế giới vạn vật kết nối, đám mây và trí tuệ nhân tạo. Vậy, tương lai gần đó có gần với Việt Nam và sự chuẩn bị là như thế nào?

Ngay trong tháng 12/2017 vừa qua, thế giới công nghệ nóng lên với tần suất dày đặc các cuộc thử nghiệm 5G được ghi nhận là thành công như của công ty viễn thông KDDI (hôm 2/12) hay gã khổng lồ NTT Docomo (8/12) ở Nhật Bản hoặc Sunrise (16/12) ở Thụy Sĩ. Ở Việt Nam, hồi tháng 7/2017, Công ty Ericsson và Cục Tần số vô tuyến điện đã tổ chức hội thảo trình diễn công nghệ 5G lần đầu tiên. Xung quanh tầm nhìn và triển vọng ứng dụng mạng 5G tại Việt Nam, ông Denis Brunetti, tân Chủ tịch phụ trách hoạt động kinh doanh của Ericsson tại các thị trường Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào có cuộc trao đổi với DOANH NHÂN.

5G sẽ cho phép tạo ra các mô hình kinh doanh mới mang lại lợi ích cho các ngành và người sử dụng 

Lĩnh vực nào sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ ứng dụng 5G, thưa ông?

Hội thảo trình diễn 5G lần đầu tiên của chúng tôi tại Việt Nam đã cho thấy những tác động về công nghệ cũng như kinh tế của công nghệ 5G lên các ngành kinh tế: từ sản xuất, y tế, năng lượng tới giao thông. Chúng tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của an ninh mạng từ quan điểm quản trị an ninh không gian mạng và nhu cầu của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam cần hợp tác với những đối tác tin cậy như Ericsson trong quá trình chuyển đổi từ 4G sang 5G.

Theo một nghiên cứu về tiềm năng kinh doanh 5G do Ericsson thực hiện, sản xuất, năng lượng/dịch vụ công cộng và an ninh công cộng sẽ là những ngành có cơ hội lớn nhất có được doanh thu và thúc đẩy doanh thu từ ứng dụng 5G tại Việt Nam. Để giành được tiềm năng thị trường này, đòi hỏi phải có sự đầu tư vào công nghệ 5G và lập kế hoạch sớm, đồng thời phải có phương án phát triển kinh doanh, mô hình tiếp cận thị trường và sự thích nghi có tổ chức.

"Tiềm năng doanh thu toàn cầu của mô hình 5G mà chúng tôi dự đoán được vào năm 2026 khoảng 619 tỷ USD

Còn nhà điều hành mạng viễn thông thì sao?

Khảo sát về sự sẵn sàng cho 5G năm 2017 do Ericsson thực hiện cho thấy, nhiều nhà điều hành mạng viễn thông đã thúc đẩy công tác chuẩn bị cho công nghệ mới này: 78% đối tượng khảo sát đã thực hiện thử nghiệm và 28% các đối tượng khảo sát dự kiến sẽ triển khai 5G vào năm 2018. Một phần lớn các đối tượng khảo sát tin rằng vạn vật kết nối (Internet of Things) sẽ đóng một vai trò quan trọng và sự hợp tác với bên thứ ba là cấp thiết trong bối cảnh này. Về khả năng tạo ra tiền từ 5G, các đối tượng khảo sát tin rằng sẽ tạo ra được doanh thu bổ sung từ thị phần tăng lên, sự dịch chuyển của các thuê bao 4G, giá cao hơn cho các dịch vụ mới và sự mở rộng vào phân khúc giải pháp doanh nghiệp và công nghiệp. Chúng tôi đã xác định được cơ hội lớn lao cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông để có thể số hóa ngành này bằng cách đẩy mạnh ứng dụng 5G, đem lại tiềm năng doanh thu toàn cầu mà chúng tôi dự đoán được vào năm 2026 vào khoảng 619 tỷ USD.

Trên bình diện tổng thể, 5G có thể đem lại gì cho nền kinh tế Việt Nam?

Viễn cảnh công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho thấy, sự thâm nhập quy mô lớn của 5G tại Việt Nam, đem đến khả năng cung ứng dịch vụ di động băng rộng tốc độ cao, độ trễ thấp, bao gồm video 4K trực tiếp đến thiết bị cầm tay. Nó cũng cho phép khởi động các dịch vụ công dân tiên tiến, từ cải thiện tiếp cận y tế trên toàn quốc, các hệ thống giao thông thông minh bao gồm: xe không người lái và các phát minh mới trong các ngành đa dạng như dịch vụ tài chính, năng lượng và an ninh công cộng. Những khoản đầu tư vào số hóa ngành đang tăng lên và tạo ra thu nhập cho các công ty ICT ước tính vào khoảng 3,3 nghìn tỷ USD cho đến năm 2026.

Người dân Việt Nam hiện nay mong muốn có sự kết nối ở mọi thời điểm, giống như các khách hàng trên thế giới. Ngoài khả năng tăng cường liên kết di động băng thông rộng, 5G sẽ cho phép chuyển đổi số hóa bằng cách tạo ra các lĩnh vực ứng dụng mới, các dòng doanh thu và các mô hình kinh doanh mới mang lại lợi ích cho các ngành và người sử dụng. Hơn nữa, 5G sẽ thúc đẩy Internet công nghiệp bằng cách trở thành một cấu trúc nền tảng có thể kết nối bất kỳ một ứng dụng hoặc một lĩnh vực nào của ngành kinh tế một cách linh hoạt và theo mô-đun, tùy theo những nhu cầu của từng lĩnh vực. 5G cũng sẽ thúc đẩy vạn vật kết nối bằng cách mở rộng khả năng băng thông rộng của các mạng di động. 5G là một công nghệ mạnh có khả năng hỗ trợ kết nối không dây và có dây, giao thông, các ứng dụng trên nền tảng đám mây và quản lý.

Ericsson có thể đóng góp gì vào tiến trình áp dụng 5G ở Việt Nam?

Ericsson đang hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông, các đại diện trong Chính phủ Việt Nam và các nhân vật quan trọng trong ngành viễn thông để phát triển các mạng 5G, vạn vật kết nối và trình diễn các giải pháp kinh doanh kỹ thuật số. Đây là một phần trong cam kết của Ericsson với Việt Nam - là trở thành nhà cung cấp lớn nhất về công nghệ băng thông rộng di động ở trong nước, thường xuyên giới thiệu những sáng kiến mới nhất và hỗ trợ tầm nhìn công nghiệp 4.0 của chính phủ Việt Nam. Chúng tôi cũng tập trung vào an ninh mạng, nhằm đảm bảo an ninh và an toàn công cộng.

Ông Denis Brunetti đã có 26 năm kinh nghiệm trong ngành ICT toàn cầu và từng nắm giữ nhiều vị trí quản lý quan trọng của Ericsson tại nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ, bao gồm: Úc, Hồng Kông (Trung Quốc), Thụy Điển, Việt Nam và Sri Lanka. Trong thời gian đảm nhận chức vụ phụ trách thị trường Việt Nam, ông Denis có trách nhiệm thiết lập và mở rộng mối quan hệ đối tác chiến lược dài hạn của Ericsson với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Tháng 3/2014, ông được chính phủ Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương vì những đóng góp cho sự phát triển của ngành ICT tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cơ hội lớn từ ứng dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO