Sáng 11/11, sau khi Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về nội dung này.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư theo hình thức PPP. Trong dự thảo luật, Chính phủ cho rằng tính chất hợp đồng PPP là dài hạn, chi phí chuẩn bị đầu tư một dự án PPP khá cao, đồng thời muốn hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài thì cần dự án có quy mô đủ lớn.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét hai phương án, trong đó phương án một quy định về quy mô tối thiểu của dự án PPP ngay tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết quy mô chi tiết cho từng lĩnh vực, nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng, trừ dự án áp dụng loại hợp đồng Kinh doanh – Quản lý.
Phương án hai, Chính phủ đề xuất không quy định quy mô tối thiểu của dự án PPP tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về quy mô tối thiểu cho từng lĩnh vực phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP HCM), với quy định không thấp hơn 200 tỷ đồng cần cân nhắc, và có thể ủy quyền để Chính phủ quy định chi tiết hơn. Bởi vì số tiền 200 tỷ đồng mới triển khai PPP còn tùy thuộc vào từng lĩnh vực, với một số lĩnh vực số tiền này là thấp, nhưng có lĩnh vực lại là quá lớn.
“Do đó, nên ủy quyền cho chính phủ quy định chi tiết tổng mức đầu tư để có thể thu hút được vốn từ khu vực tư vào trong lĩnh vực dịch vụ công”, ông Ngân nói.
Cùng nói về vấn đề này, ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết (TP HCM) chia sẻ, do các thủ tục để thực hiện dự án PPP phức tạp, thậm chí rất mất thời gian cho nên việc giới hạn vốn đầu tư là phù hợp. Với những dự án có vốn đầu tư dưới 200 tỷ đồng thì Chính phủ sẽ hướng dẫn để thực hiện theo phương thức khác, đơn giản hơn về mặt thủ tục, ngắn hơn về mặt thời gian.
Có thể bạn quan tâm
11:32, 11/11/2019
08:21, 11/11/2019
10:39, 17/10/2019
17:05, 10/10/2019
17:00, 22/09/2019
14:56, 11/11/2019
12:07, 11/11/2019
ĐBQH Phạm Phú Quốc (TP HCM) lại bày tỏ quan ngại khi đặt ra quy định 200 tỷ đồng, vì luật thì có tuổi thọ rất dài, có thể từ 10 đến 20 năm mới chỉnh sửa. "Con số 200 tỷ đồng tại thời điểm này tương đương 8 – 9 triệu USD, nhưng sau một thời gian đồng tiền có thể bị mất giá sẽ kéo theo nhiều thứ và khiến quy mô dự án bị thay đổi" - ông nói.
“Việc quy định này nên giao cho chính phủ căn cứ vào tình hình thực tiễn tại thời điểm đó sẽ phù hợp hơn. Vì việc này đụng chạm nhiều thứ như tỉ giá, lạm phát, giá trị đồng tiền nội bản…”, ông Quốc đề xuất.
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Việt Dũng (TP HCM) đề nghị cần tách ra phần nào là đầu tư hạ tầng thì cần vốn lớn và cần hạn mức 200 tỷ đồng. Nhưng nếu PPP trong cung cấp các dịch vụ công ngoài hạ tầng thì hạn mức không cần tới 200 tỷ đồng, thậm chí có thể kéo hạn mức này xuống 15 tỷ đồng - vì đây là những doanh nghiệp nhỏ hoàn toàn có thể đáp ứng được.
Vẫn theo ông Dũng, điều kiện phát triển kinh tế tại các địa phương cũng không có sự đồng đều. Hà Nội, TP HCM thì có được vài phần trăm doanh nghiệp có trên trăm tỷ, các tỉnh còn lại chắc chắn sẽ rất ít doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chuẩn này. Trong khi dịch vụ công tại các địa phương doanh nghiệp nhỏ đều có thể tham gia PPP.
“Cho nên, cần có khung ngoài dành cho các doanh nghiệp lớn tham gia dự án hạ tầng, thì có thêm mức nhẹ hơn về vốn khoảng 15 tỷ, quy trình thủ tục đơn giản…cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Dũng nói.